Tình trạng Bại Não
01/03/2012
Dạy trẻ về Giá Trị Sống
01/03/2012
Tình trạng Bại Não
01/03/2012
Dạy trẻ về Giá Trị Sống
01/03/2012

Hiện nay, truyện tranh và truyện dành cho trẻ em đã nhuộm quá nhiều tính bạo lực và gợi dục, điều này đã có sự lên tiếng từ nhiều phía, và khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng khi thấy những tác hại của chúng trên hành vi và nhận thức của con em.

Trong chiều hướng ấy, khi nhìn lại những chuyện cổ tích, vốn được xem là một trong những kho tàng văn hóa của con người, nhiều người cũng giật mình khi thấy sao trong các câu chuyện đã được truyền tụng từ đời này sang đời kia cũng nhuốm màu bạo lực, khi mà chính những con người lương thiện trong các câu chuyện đó cũng xử theo luật…giang hồ những kẻ gian ác! Như chuyện Tấm cám, hay chuyện Alibaba và 40 tên cướp..v.v.

Thực ra, nếu so sánh mức độ về bạo lực thì các câu chuyện cổ tích đều thua xa những câu chuyện gọi là dành cho trẻ em – đặc biệt là các loại truyện của Nhật, từ những loại truyện tranh Manga không những vừa dữ dội lại vừa thẫm đậm những hành vi tình dục , cho đến loại truyện được mệnh danh là có tính giáo dục cao như truyện Doreamon, nếu xét cho cùng thì vẫn là những câu chuyện của quả đấm !


YẾU TỐ CẦN PHẢI CÓ ?

Nếu chúng ta xem xét kỹ hơn về bản chất hành vi bạo lực trong các câu chuyện cổ tích, thì ta sẽ thấy đó là một hệ quả mang tính logic – phù hợp với quan điểm của thời bấy giờ, đó là làm ác thì gặp ác – mắt đền mắt; răng đền răng. Và nếu giả sử như chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh những nhân vật trong chuyện, thì có lẽ ta cũng sẽ phản ứng như thế thôi – Điều đó được xem là một phản ứng tự vệ! Trong khi các hành vi bạo lực của các nhân vật truyện tranh đương đại thì không phải là một phản ứng mà là một thái độ, một tính cách. Đánh nhau sứt đầu xẻ trán chỉ để cho vui, để thỏa mãn tính “anh hùng” cá nhân, để lấy le với bạn gái hay để phục vụ cho những ý đồ thống trị con người và thế giới.

Bên cạnh đó, với mô típ cổ điển, thiện ác phân minh thì những kẻ ác trong truyện cổ tích là luôn luôn ác, còn người thiện thì thì tốt từ đầu đến chân, rõ ràng và đơn giản. Điều này giúp cho đứa trẻ nào cũng hiểu và dễ dàng chấp nhận. Còn các câu chuyện tranh hiện nay, thì ranh giới giữa kẻ ác và thiện là hầu như không có. Điều này có phần đúng với bản chất con người hơn, trong kẻ ác cũng có tính thiện và trong người lành cũng có mầm ác. Thế nhưng, nó sẽ làm cho trẻ em lẫn lộn và có thể chấp nhận những tay gian ác như một mẫu người mà mình có thể ngưỡng mộ và bắt chước theo !

Hiện nay, ai cũng thấy là trẻ em “hình như” khôn lanh hơn, “trưởng thành” trước tuổi nhiều hơn và cũng đã có nhiều lý giải cho tình trạng này, và chính vì thế mà lứa tuổi thích và hiểu truyện cổ tích cũng giảm xuống. Trước đây, thì những em trong độ tuổi cấp 1 đa phần đều thích nghe và đọc chuyện cổ tích, còn bây giờ bố mẹ hay ông bà chỉ có thể kể chuyện cổ tích cho trẻ mẫu giáo ! Còn từ lớp 1 trở lên dù các em cũng vẫn thích đắm mình vào thế giới huyễn tưởng của phép màu, của những hành vi kỳ ảo, nhưng đó lại là thế giới của máy móc, của khoa học viễn tưởng hay của những siêu nhân, từ những cậu bé có sức mạnh thần kỳ, cho đến những cỗ máy hoành tráng có khả năng làm nổ tung thế giới.



ƯỚC MƠ CỦA TRẺ

Điều này có một giá trị là khiến cho trẻ vẫn phát triển được những ước mơ đại loại như : Giá như mình mà có cái túi thần kỳ của chú mèo máy Doreamon thì hay biết mấy, chắc là không ai dám coi thường hay bắt nạt mình nữa. Điều này cũng làm cho các thỏa mãn phần nào những xung năng trong người, thỏa mãn những ước mơ về một sức mạnh vạn năng mà mình có thể hóa thân vào trong vô thức. Trong một chừng mực nào đó thì chính cái cảm giác được hóa thân vào các nhân vật thần kỳ, sẽ giúp cho các em quân bằng được cảm xúc khi quay lại với đời thường và phải đối diện với những vấn đề mà con người bình thường của mình không thể giải quyết được !

Chính vì phải ép mình để mau lớn hơn về mặt tâm lý, hay phải “chín dú” như một loại trái cây bị ướp khí đá, đã khiến cho các em mau khôn mà không ngoan, linh hoạt hơn mà lại không có khả năng hoạt động. Các em thích đắm mình hay đúng hơn là “chết chìm” trong cái thế giới huyễn tưởng mà không dám bước ra một thiên nhiên rất thực và rất hấp dẫn đang chờ mình ở bên ngoài. Chúng ta không thể trách các em bởi vì chính người lớn đang hàng ngày, hàng giờ hủy hoại thiên nhiên, đầu độc môi trường cuộc sống khiến cho trẻ em không còn những sân chơi đích thực ngoài trời, mà đành phải trốn vào cái thế giới ảo được dựng lên bằng bàn tay các họa sĩ trong truyện tranh, bằng óc tưởng tượng của các nhà văn hay bằng các phần mềm vi tính của các kỹ sư tin học.

Vì thế, dù các câu chuyện cổ tích giờ đây không thể cạnh tranh nổi với những câu chuyện tranh hay những trò chơi hấp dẫn trên máy tính, nhưng nó vẫn có một giá trị mà các bậc phụ huynh nên quan tâm để giúp cho con em mình nhận ra được các giá trị sống trong các câu chuyện ấy vẫn được lưu truyền và tồn tại như nó đã từng được lưu truyền một cách âm thầm và bền bỉ trong hàng trăm năm qua, vượt qua được sự thử thách của thời gian và không gian. Phụ huynh cũng nên yên tâm vì những tính cách mà ta gọi là bạo lực trong các câu chuyện cổ tích đó, là những điều cần thiết để cho con trẻ hiểu được một chân lý của cuộc đời, đó là cái gì cũng có cái giá phải trả của nó , để đứa trẻ còn thấy được và tìm được niềm tin trong cuộc đời.


LÊ KHANH

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý