Người âm thầm học nghề bác sĩ gia đình
03/05/2012
Phải chăng có tài là có tất cả !
04/05/2012
Người âm thầm học nghề bác sĩ gia đình
03/05/2012
Phải chăng có tài là có tất cả !
04/05/2012

 

Khi nói đến bệnh tật là phải nói đến thuốc men, và khi nói đến thuốc thì ai cũng đều nghĩ đến những liều thuốc Tây (Tây Y) được chế biến công phu hay những thang thuốc Bắc (Đông Y) với những dược chất quý hiếm…

Nhưng bên cạnh đó, còn có những phương thuốc đơn giản, rẻ tiền mà ai cũng có thể tìm thấy một cách dễ dàng, và những phương thuốc này có thể điều trị một số bệnh thông thường mà chúng ta thường hay gặp phải.

     Chúng ta cũng nên biết, thuốc men chỉ là một phương tiện hỗ trợ trong quá trình điều trị, vì còn có rất nhiều những nguồn lực khác như chế độ dinh dưỡng, môi trường sống và đặc biệt là niềm tin vào chính bản thân của chúng ta, vì khả năng tự hồi phục của con người là rất lớn, cũng như mỗi người là một cá thể khác biệt, có những phương pháp, cách điều trị và phương thuốc phù hợp với người này nhưng lại không đem lại kết quả cho người khác.

      Vì thế, trước khi đi tìm đến những loại thuốc đắt tiền để chữa trị những căn bệnh mà khả năng phục hồi là chưa chắc chắn, chúng ta hãy thử xem qua một số các phương thuốc đơn giản sau đây:

NƯỚC LÃ

            Nước là nguồn sống trên thế giới, nó cũng là một loại dùng để điều hoà các rối loạn trong cơ thể. Chúng ta hãy thử dùng một loại nước rất bình thường, đó là nước đun sôi pha với nước lạnh ( nước chín để nguội ) gọi là nước Âm Dương hay Sinh thục thuỷ. Hãy pha một nửa ly nước vừa nấu xong ( nóng ) với nửa ly nước nguội ( lạnh) để điều trị các chứng : Đau bụng, ói mửa, buồn nôn, chậm tiêu, khó tiêu, táo bón …

 Theo Đông Y thì  trong trời đất có khí âm khí dương và  một ngày đêm cũng có khí âm khí dương. Trong con người cũng có âm có dương: Khí là  dương, huyết là âm. Lục phủ là dương –  Ngũ tạng là âm.

 Nếu khí  âm dương trong người ta mà bất đồng thì sẽ sinh ra bệnh, càng chênh lệch nhiều thì bệnh càng nặng. Sở dĩ bị “Tào Tháo” đuổi là vì khí âm dương bất hòa, bởi vậy, khi uống nước lã có âm có dương đều hòa sẽ làm cho cơ thể thăng bằng, nên đã chặn lại được bệnh tiêu chảy …

Nước giúp nhuận trường, chữa táo bón

 Ruột già  chứa đầy những cặn bã của đồ ăn, để tống ra ngoài. Nếu vì lý do nào đó, chất cặn bã này không tống ra ngoài được, sẽ  gây ra nhiều chứng bệnh làm cho con người đâm ra bực bội, khó chịu. Vì thế nếu mắc chứng táo bón hoặc đi cầu khó khăn, hãy uống nước theo cách hướng dẫn, sẽ đi cầu được dễ dàng và thoải mái.

 Ban sáng vừa thức dậy, chưa rửa mặt, đừng súc miệng, hãy uống 2 hoặc 3 ly nước lọc lớn, nếu có pha nửa nóng nửa lạnh thì càng tốt. Sau khi uống ít phút là cảm thấy đòi đi cầu ngay và đi rất dễ dàng.

Nước lã chữa bệnh máu cao, máu mỡ, tiểu đường

 Nếu ai mắc phải các chứng bệnh nói trên, cũng nên thử nghiệm, vì uống nước nhiều giúp lọc máu, lọc thận sạch cặn bã, nhờ đó tránh được nhiều thứ bệnh, lại khỏi phải uống thuốc Tây, là những chất hóa học, có khi khỏi bệnh này lại gây ra chứng khác vì thuốc, nhất là những người đã vốn bị yếu tỳ vị, yếu gan thận v.v…

 Nếu uống 1 lúc mấy ly thấy khó, nhưng uống nhiều lúc trong ngày sẽ  dễ hơn. Sau khi uống nên tập thể dục, xoa bụng theo vòng tròn kim đồng hồ thì càng kết quả tốt.


TRÀ  THAN GẠO – GỪNG NƯỚNG

Ta có thể lấy nửa bát gạo nếp rang cháy đen rồi hoà vào một ly nước lớn, bỏ thêm 5 lát gừng ( đã nướng qua ) Sau đó nấu cho sôi khoảng 5 phút, để nguội và dùng trong 2,3 ngày, mỗi ngày uống 2,3 lần là có thể điều trị các chứng nôn ói và nấc cục.

 Có nhiều người bị chứng đau bụng, đau quặn thắt có thể uống uống trà than gạo, gừng nướng, chỉ uống vài lần đã thấy yên ngay, uống thêm một vài lần nữa là khỏi hẳn.

Loại nước trà này cũng dùng để chữa chứng nôn ói của những sản phụ rất hiệu quả.


 Công dụng của gừng:

Gừng là một gia vị rất quen thuộc và hầu như lúc nào cũng có sẵn ở ngăn bếp của các bà nội trợ. Gừng không những thêm hương vị cho món ăn mà còn giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thụ thức ăn dễ dàng. Ngoài ra, gừng còn là một vị thuốc quý trong kho tàng y học dân gian mà mỗi người có thể vận dụng để tự chữa bệnh cho mình.

Mô tả : Gừng có tên khoa học là Zinziber Officinale Rosc, là một loại cây nhỏ, cao từ 5cm – 1m, thân rễ phát triển thành củ. Lá mọc so le, không cuống, có bẹ hình mác dài khoảng 15cm-20cm, rộng 2cm, vò lá có mùi thơm đặc trưng của gừng.

Dược tính và công dụng : Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc. Trong hầu hết các thang thuốc Đông y, dù bệnh hàn hay nhiệt, hư hay thực, các thầy thuốc vẫn thường dùng từ 3 đến 5 lát gừng sống. Ngoài tác dụng hạn chế bớt tính lạnh của các vị thuốc hàn, cách phối hợp này còn giúp cho tỳ vị dễ hấp thu thuốc và người bệnh khỏi nôn ra đối với những thuốc khó uống. Ngoài ra tùy theo hình thức sử dụng, gừng có nhiều công dụng khác nhau.

Gừng sống còn gọi là sinh khương có tác dụng phát tán phong hàn, chống nôn ói. Gừng khô còn gọi là can khương, có tính nóng hơn sinh khương, có thể làm ấm tỳ vị. Gừng đốt cháy tồn tính còn gọi là hắc khương. Hắc khương có vị đắng, thường được tẩm đồng tiện, có thể làm ấm can thận, giáng hư hỏa. Vỏ gừng được gọi là khương bì có tác dụng lợi tiểu. Trong kỹ thuật bào chế, gừng cũng có thể giúp cho thầy thuốc đạt được một số mục đích quan trọng. Sinh địa nấu với gừng sẽ hạn chế bớt tính mát. Bán hạ chế với gừng để giải độc. Một số loại thuốc khác như sâm, đinh lăng… cũng thường được tẩm gừng, sao qua để tăng tính ấm và dẫn vào phế vị.

Một số cách sử dụng gừng để trị bệnh

Ngừa cảm lạnh sau khi phải dầm mưa nhiều giờ : Dùng 20g gừng sống  giã nát, bỏ vào 1 ly nước sôi hoặc trà nóng cho đường vừa đủ ngọt để dễ uống, uống lúc còn nóng ngay khi vừa về tới nhà.

Chữa ngoại cảm lạnh do lạnh (nấu cháo cảm) : Gừng sống 10g, hành lá 10g, tiêu sọ 10 hạt. Gạo tẻ 1 nắm nấu cháo, lúc sắp bắt xuống cho gừng sống (xắt nhuyễn) hành lá (cắt ngắn) và tiêu sọ (đâm nát) vào quậy đều. Ăn cháo lúc còn nóng. Ăn xong đắp chăn cho ra mồ hôi.

   Lấy 7 lát gừng sống – 7 củ hành hương, đổ 1 bát nước nấu sôi kỹ, uống nóng, đắp mền cho ra mồ hôi. Có  người chỉ dùng một nắm gừng tươi giã dập, nấu sôi kỹ rồi uống nóng đắp mền cho ra mồ  hôi.

   Cảm và ho nhiều đàm, khò  khè khó thở: Lấy 7 lát gừng, 1 muỗng café trà tầu, nấu sôi kỹ, gạn nước, pha với nước chanh tươi 1 quả, 1 muỗng rượu mạnh, 1 muỗng ăn mật ong, quấy đều, uống nóng đắp mền cho ra mồ hôi.

Chữa trúng hàn đi tả hoặc phong hàn gây tê thấp, ho suyễn, tay chân móp lạnh: Gừng khô tán nhỏ 5g, hòa với nước ấm hoặc nước cháo nóng mà uống.

Phòng chữa cảm mạo: Ngậm 1 lát to gừng tươi, thỉnh thoảng nhấm cho ra nước cay trong những ngày lạnh giá, trước khi ra đường hoặc trước khi tắm, khi làm việc ở môi trường lạnh giúp bạn không bị nhiễm lạnh. Đối với những người bị cảm, trà gừng có tác dụng giúp cơ thể toát mồ hôi, nhờ đó thải được các độc tố.

Chữa mất tiếng hoặc khan tiếng: Củ cải trắng 2 củ, gừng sống 7 lát. Rửa sạch, giã nhuyễn vắt lấy nước cốt uống làm 2 hoặc 3 lần trong ngày.

Chữa buồn nôn trong thời kỳ có thai: Gừng sống 20g, giã nát hoặc khoảng 8g bột gừng khô. Bỏ gừng vào một ly nước sôi hoặc nước trà nóng, có thể thêm một chút đường cho dễ uống.

Nhổ  răng máu ra nhiều, không có  thuốc cầm:  Một số  người khi nhổ răng bị chảy máu, nha sĩ cho thuốc cầm máu cũng không cầm được, cũng có  người tự nhiên chân răng chảy máu không cầm  được. Ta có thể giã gừng rồi nhét vào chỗ chảy máu.

Khí  Nghịch đưa lên cổ rất dữ  làm khó thở:  Gừng sống thái miếng, ngậm rồi nuốt từ từ trên xuống là  khỏi. Hoặc khi thấy có đàm vướng cổ, khó chịu phải khạc cho ra đàm, nhưng đàm dính sát vào cổ, hoặc thấy bụng lạnh, miệng lạt … cũng ngậm như trên sẽ thấy dễ chịu ngay.

Ho lâu ngày không dứt :  Dùng 200 gr gừng tươi nấu với 300 gr kẹo mạch nha, cho chín nhừ, ăn hết chỗ ấy là khỏi.

Ho có đàm :  Gừng giã  dập chưng với mật ong ngậm. Người bị chứng đờm nóng : Lấy nước gừng hòa với nước trà uống. Trẻ em ho lâu ngày không khỏi:  Lấy chừng 200 gr gừng sống, nấu trong nồi lớn thật kỹ, rồi đem tắm cho trẻ .

Người bị ụa thổ ra nước hoài không cầm:  Lấy gừng tươi 100 gr, đổ ra 2 bát dấm ăn vào nồi đất ( hay nồi hầm bằng điện cũng được) , nấu còn non 1 bát ăn cả  nước lẫn cái. .

Chữa Đau bụng :  Gừng tươi non 200 gr nấu với 1 bát nước đồng tiện và 4 bát nước lã, còn lại 2 bát. Chia uống 3-4 lần là khỏi.

Đau bụng dữ dội : Lấy  Gừng sống 100 gr, giã nát đổ 1 bát rượu ngon nấu sôi 2,3 sấp, cho uống nóng. Bên ngoài giã gừng chườm vào chỗ bụng đau.

Đau bụng Muốn ói, muốn đi cầu mà không được.  Gừng sống 40 gr nấu với 7 bát nước, còn lại 2 bát. Chia uống 2-3 lần.

 ( Một số  cách trị bệnh bằng gừng trên đây, được trích trong bộ Dược Tính Chỉ Nam của cụ Nguyễn Văn Minh.)

Mồ hôi trộm, chân tay thường xuyên toát mồ hôi :  30 gr gừng tươi sao vàng, 5 gr cam thảo. Đổ 1 lít nước nấu kỹ. Uống 3-4 lần trong ngày.(L.M. Vũ Đình Trác)

Băng bó  vết thương khi bị té, bị  đánh sưng bầm:  Hãy lấy mấy cây hành ăn, cả rễ lá, 1 củ gừng bằng ngón chân cái, ½ muỗng cà phê muối. Giã tất cả cho nát, bọc vào miếng vải băng rồi bỏ vào vết thương, lấy băng vải cuốn chặt, mỗi ngày thay một lần, chỉ vài ngày là máu bầm tan biến hết. Khi bó thuốc này làm cho bệnh nhân cảm thấy rát, nóng chỗ vết thương, nhưng nhờ vậy mới làm tan máu bầm.

Đề phòng khí, gió độc khi ra ngoài sớm :  Có nhiều người phải đi làm từ sáng sớm, đôi khi bị  gió độc ngất xỉu. Để đề phòng bị trúng gió độc, trước khi đi nên uống một hớp rượu tốt, hoặc rượu ngâm thuốc, hoặc nhai một miếng gừng nuốt dần, sẽ chống lại được khí độc. 

Chữa trúng gió, tay chân tê, choáng váng, đột nhiên nói khó, liệt một bên: Gừng sống 40g, đồng tiện 80cc. Gừng sống giã nát, cho vào một ít nước sôi, vắt lấy nước, hòa với đồng tiện uống lúc đồng tiện còn ấm.

Đồng tiện tính mát, dưỡng âm, có thể trừ phong, tan được huyết ứ, giáng hư hoả. Đồng tiện là nước tiểu “giữa dòng” của bé trai từ 2 đến 10 tuổi. Trên thực tế, để tranh thủ thời gian lúc cấp cứu, có thể sử dụng nước tiểu của người thân trong gia đình có sẳn lúc đó. Bỏ đoạn đầu, bỏ đoạn cuối, chỉ lấy đoạn giữa. Với chức năng phát tán khí huyết ra bì phu và tay chân, giáng khí, hành huyết, tiêu ứ, làm nhẹ áp lực ở vùng ngực và vùng đầu, bài thuốc “sinh khương đồng tiện” còn được kinh nghiệm dân gian sử dụng trong một số bệnh tim mạch như cơn đau vùng tim, cao huyết áp trong điều kiện không tiếp cận được thầy thuốc.

Tuy nhiên, điều cần nhớ là các triệu chứng trúng phong hoặc tim mạch không bất chợt xảy đến mà thường bắt nguồn từ những sự mất cân bằng trước đó của cơ thể. Chẳng hạn dương hư hàn thịnh, đàm trọc, huyết ứ, khí trệ… Do đó sau khi giải toả các triệu chứng cấp thời, người bệnh cần đến thầy thuốc chuyên môn để được thăm khám và điều trị thích hợp nhằm ổn định sức khoẻ lâu dài.

Cuối cùng, cũng nên nhắc lại một kinh nghiệm dân gian rất hữu ích và có thể xem như một biện pháp dưỡng sinh là ăn 1 – 2 lát gừng sống sau mỗi bữa ăn. Gừng sống vừa giúp kích thích tiêu hóa vừa làm mất đi những mùi thức ăn để lại trong miệng. Ngoài ra, tác dụng “hành khí” của gừng còn tác động tới sự lưu thông của khí huyết, ảnh hưởng tốt đến hệ tim mạch.


Chống nôn : Nhai dập rồi ngậm 1 – 2 lát gừng tươi có tác dụng chống nôn do thai nghén, say tàu xe, do tác dụng phụ của các loại thuốc hóa trị liệu chống ung thư, thuốc gây mê trong phẫu thuật, rất hiệu quả và an toàn.

 

Giảm đau, kháng viêm :  Uống nước gừng, đắp bã gừng, ngâm tay, chân trong nước gừng loãng mỗi tối 15 – 20 phút có thể chữa được các chứng viêm khớp. Liệu pháp này có tác dụng giảm triệu chứng đau, sưng rất rõ rệt.

 Với những người khó ngủ hoặc mất ngủ, ngâm chân trong nước gừng giúp cho giấc ngủ có chất lượng hơn. Cách pha nước gừng như sau: giã nát gừng hòa vào nước ấm, cho thêm chút muối.

 

Chữa bất lực sinh lý: Ở một số nước phương Tây và Bắc Mỹ hiện nay, người ta có xu hướng dùng gừng thay cho viagra trong việc chữa bất lực sinh lý ở cả nam và nữ. Có thể nhấm dập 1 lát gừng tươi rồi ngậm trước khi lên giường.


Chú ý: Gừng khô có tính nóng nên những người có thể tạng nhiệt hoặc đang có các chứng viêm nhiễm không nên dùng.

SONG KHUÊ ( st)

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý