Trí Thông minh vượt khó và sự thành công
09/07/2016
Tự kỷ có thể chữa khỏi ?
08/08/2016
Trí Thông minh vượt khó và sự thành công
09/07/2016
Tự kỷ có thể chữa khỏi ?
08/08/2016

Trong việc can thiệp cho trẻ đặc biệt, có nhiều phương pháp với những tên gọi, chức năng, mục tiêu, kỹ thuật khác nhau. Khi được đưa vào Việt Nam, hay phiên dịch sang tiếng Việt, do cách hiểu và vận dụng đã có những quan điểm không thống nhất nên dẫn đến những ngộ nhận chủ yếu là về tên gọi và kỹ thuật của các phương pháp này.
Trong số đó, cụm từ Tâm vận động đã gây ra khá nhiều ngộ nhận từ quan điểm cho đến cách vận dụng. Trước hết, qua từ ngữ chúng ta thấy chữ TÂM là tâm lý, VẬN ĐỘNG là sự chuyển động hay cử động của cơ thể. Như thế, tâm vận động là sự chuyển động của các giác quan, cơ bắp dưới sự điều khiển của não bộ. Tùy vào sự phát triển hay trưởng thành về tâm lý, nhận thức của não bộ mà các vận động này có những mức độ linh hoạt hay vụng về khác nhau.
Ví dụ : Một em bé hai tuổi thì không thể nào cầm được cây viết để có thể vẽ lên một tờ giấy, nhưng một em bé 5 tuổi thì làm điều này một cách dễ dàng . Nhưng bé 5 tuổi lại không thể vẽ một bức tranh có nhiều chi tiết rõ ràng so với bé 8 tuổi. Để đạt được điều này, em bé 8 tuổi không chỉ cần có sự phát triển về cơ bắp, hay kỹ thuật cầm viết mà còn phải có sự tăng trưởng về mặt tâm lý, nhận thức, sự ổn định trong hành vi và cả sự vui thích khi vẽ một bức tranh .
Nói cách khác, muốn trẻ phát triển kỹ năng vận động thì bé phải có sự tăng trưởng về tâm lý, nhận thức hay ngược lại, muốn có sự tăng trưởng về tâm lý nhận thức thì có thể giúp trẻ phát triển thông qua vận động. Như vậy, tâm vận động là một phương pháp sử dụng các vận động cơ thể để kích thích sự phát triển về giác quan, nhận thức, và đồng thời điều chỉnh các xung năng khiến trẻ không tự chủ được trong hành vi của mình.

NHỮNG HIỂU LẦM VỀ TỪ NGỮ
Nhưng, vấn đề “ phát triển qua vận động” đã khiến cho có những nhận định, hiểu lầm xuất phát từ đây. Trước hết, vận động là một kỹ năng và vì thế có người cho rằng : Tâm vận động có 2 nhánh là vận động thô và vận động tinh và có sự kết hợp với các biện pháp để điều hòa cảm giác.
Đối với họ, can thiệp tâm vận động có nghĩa là tập cho trẻ biết : Mặc quần áo, chải đầu, cạo râu ( ?!!!) ăn uống, chơi đùa, tập luyện các kỹ năng cần thiết cho lớp học, khả năng tập trung . Như vậy, can thiệp tâm vận động gần như là một hoạt động giáo dục và rèn luyện “ nhiều mặt” cho một đứa trẻ. Trẻ được can thiệp ở nhà để biết mặc quần áo, chải đầu, ăn uống .. trong khi đây là những kỹ năng cá nhân cần phải tập cho cả trẻ bình thường lẫn đặc biệt, còn việc trẻ phải được can thiệp tại lớp để có kỹ năng tập trung, học viết học tô màu cắt kéo nhận biết các con số, con chữ thì đó là các kỹ năng học đường cũng được dạy cho mọi đứa trẻ. Chỉ có khác nhau ở cách dạy, cách tác động chứ không phải khác nhau ở mục đích. Trong khi đó việc cho trẻ vận động (thô và tinh ) qua hoạt động Tâm vận động là để trẻ có thể phát triển nhận thức, khả năng điều chỉnh hành vi hay tạo nên sự vui thích để gia tăng nhu cầu giao tiếp nơi trẻ.
Không những thế, quan niệm này bao gồm luôn trong việc can thiệp tâm vận động là các trị liệu về cảm giác, và thậm chí là cả việc cải thiện cách ăn uống ( diet ) cũng là can thiệp tâm vận động !
Trong khi đó, chúng ta biết là trong kế hoạch can thiệp cho trẻ tự kỷ thì phải áp dụng nhiều phương pháp hay liệu pháp khác nhau, cụ thể là : Điều hòa cảm giác, âm ngữ trị liệu và can thiệp tâm vận động. Ngay trong việc điều hòa cảm giác thì đối với từng em, với những mức độ rối loạn về cảm giác khác nhau, cũng phải có những biện pháp điều hòa cảm giác khác nhau và phải có những kỹ thuât, công cụ chuyên biệt cho các hoạt động này.
Đối với âm ngữ trị liệu cũng thế, vì âm ngữ trị liệu ( ANTL) là một chuyên ngành có nhiều phương pháp, kỹ thuật đa dạng, áp dụng cho nhiều loại đối tượng có khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp cả người lớn lẫn trẻ em. Đối với trẻ tự kỷ, thì tùy theo từng trường hợp mà người chuyên viên ANTL với sự cộng tác của phụ huynh, có thể tác động lên trẻ bằng những phương pháp như: Nhiều hơn lời nói ( More than Word ) Hệ thống trao đổi hình ảnh ( PECs ) hay trong một chiến lược can thiệp bao gồm nhiều kỹ thuật gọi chung là AAC . Như thế, rõ ràng Tâm vận động phải là một liệu pháp riêng được vận dụng cùng với 2 liệu pháp khác về cảm giác và ngôn ngữ, chứ không thể gọi các kỹ thuật điều hòa cảm giác cũng là tâm vận động. Hay cho rằng “Giúp một em TK tham gia các hoạt động chơi đùa – những hoạt động đòi hỏi khả năng vận động (thô và tinh) cùng khả năng tương tác – cũng chính là những gì một chuyên viên NNTL thực hiện.- điều này sẽ tạo ra suy nghĩ chuyên viên Ngôn ngữ Trị liệu cũng là người có thể can thiệp về Tâm vận động!

tamvandong 10

PHÂN BIỆT TÂM VẬN ĐỘNG VÀ KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG
Đến đây, chúng ta lại có một sự ngộ nhận khác, khi cho rằng Phương pháp tâm vận động là những kỹ năng giúp trẻ phát triển vận động, và những kỹ năng vận động đó đã lớn lên cùng với trẻ, theo từng cột mốc phát triển ngay từ giai đoạn sơ sinh ( quơ tay chân, ngẩng đầu, lật, lẫy, trườn, bò, ngồi, đứng, đi … ) Trong kỹ thuật này cũng chia sự phát triển về mặt vận động của trẻ ra hai nhóm là vận động thô và vận động tinh và các kỹ năng này phối hợp với các giác quan để tạo ra sự hoạt động cho trẻ.
Như thế, với một trẻ khuyết tật về thể lý ( hay về giác quan ) có khó khăn về các vận động thô và tinh thì tâm vận động được hiểu là các biện pháp tập luyện để giúp trẻ phát triển về mặt vận động điều này hoàn toàn đúng. Nhưng với một trẻ đặc biệt như tự kỷ ( ASD), hiếu động kém chú ý (ADHD), thì trẻ không có các khó khăn về vận động, mà trẻ có sự rối loạn về vận động. Trẻ có thể leo trèo, cầm nắm, ném chụp rất tốt, leo trèo ngon lành nhưng lại không thể kiểm soát được các hành vi đó. Trẻ khó có thể chấp hành các yêu cầu để dừng lại, hay khởi động một hoạt động có chủ đích nào đó. Nghĩa là về vận động thì ổn mà tâm lý hay nhận thức thì bất ổn. Ngược lại, một trẻ khuyết tật, có thể đi đứng khó khăn ném chụp sờ chạm rất kém…thế nhưng bé có thể hiểu các yêu cầu của giáo viên, và chấp nhận sự hướng dẫn hỗ trợ của giáo viên để cho các kỹ năng vận động của mình ngày một tốt hơn, như vậy cái tâm thì ổn nhưng cái thân thì không ổn . Vì thế ta có các biện pháp phục hồi chức năng vận động cho trẻ khuyết tật. Như vậy, không nên gọi là biện pháp giúp trẻ khuyết tật ( mà có thể hiểu là bao gồm cả trẻ đặc biệt ) phát triển vận động một cách khéo léo hơn là tâm vận động, khi nó đã có những danh từ phù hợp hơn, chính xác hơn để gọi, trừ khi ta cố tình ( hoặc do thiếu hiểu biết ) mà gọi khoa vật lý trị liệu cho trẻ khuyết tật là tâm vận động cho trẻ tự kỷ.
Cũng có người nói, tâm vận động có nhiều trường phái khác nhau, cách thức tác động khác nhau nhưng dù gì đi nữa thì vẫn phải bám sát theo đúng với cái danh xưng được gọi và có một định nghĩa đầy đủ về điều này. Vì thế chúng ta không xem việc dạy trẻ các kỹ năng vận động như : Đánh răng, thổi bong bóng, thổi còi, le lưỡi ra, hôn … là tâm vận động, vì đó là những kỹ thuật vận động miệng lưỡi, nằm trong lĩnh vưc tập nói thuộc ngành âm ngữ trị liệu ! Chúng ta cũng không nên xem các kỹ thuật bắt chước tiếng động để có thể hình thành ngôn ngữ giao tiếp như đập trống, gõ bàn, ra dấu ( thủ ngữ ) vỗ tay là Tâm vận động… Vì đây tuy là những vận động nhưng nó được hướng dẫn hay khuyến khích trẻ để qua đó kích thích khả năng truyền đạt và giao tiếp.( cũng thuộc lĩnh vực ANTL )

tamvandong 8

HIỂU ĐÚNG TRIẾT LÝ TÂM VẬN ĐỘNG
Rõ ràng việc tổ chức các hoạt động can thiệp về âm ngữ trị liệu và can thiệp tâm vận động đều nhằm mục đích gia tăng khả năng phát triển cho trẻ nhưng đó là 2 biện pháp phải áp dụng song hành chứ không thể hiểu đó là một hoạt động chung gọi là trị liệu tâm vận động và do chuyên viên ngôn ngữ thực hiện. Vì thế, chuyên viên ngôn ngữ và chuyên viên tâm vận động là 2 người riêng biệt không nên dẫm chân lên nhau hay trộn lẫn các kỹ thuật can thiệp với nhau.
Tuy nhiều, yếu tố quan trọng nhất tạo nên giá trị và sự khác biệt của tâm vận động với các kỹ thuật vận động khác là cách thức mà nó tiến hành với đứa trẻ. Với các kỹ thuật vận động trong lúc hướng dẫn trẻ, đòi hỏi người giáo viên sử dụng các biện pháp, kỹ thuật để trực tiếp tác động lên trẻ như cầm tay, bằng lời hướng dẫn, nhắc nhở, khen thưởng ….và các kỹ thuật tác động đó phải được tiến hành có trình tự, được nhắc đi nhắc lại cho đến khi trẻ làm được. Cỏn với Tâm vận động thì người giáo viên hay chuyên viên can thiệp lên trẻ như thế nào ?
Đặc điểm quan trọng nhất của hoạt động tâm vận động là thông qua các hoạt động mà trẻ được tự do hành động không chịu một áp lực hay yêu cầu nào , từ đó trẻ dần dần thiết lập được các mối quan hệ tiếp xúc và trao đổi với người khác, khi trẻ bắt đầu sử dụng ngày càng linh hoạt cơ thể của mình. Trẻ sẽ cảm nghiệm, trước khi có khả năng vận dụng một cách có ý thức những khả năng và sinh hoạt khác.
Chúng ta thấy, với tâm vận động trẻ không tập đánh răng, lau mặt, mặc quần áo hay phải gõ trống, cắt kéo … mà là được tự do hành động không chịu một áp lực hay yêu cầu nào ! Trẻ cử động, vùng vẫy, chạy nhẩy, để có cảm giác là mình đang sống thật sự, và đồng thời cảm nhận trong cơ thể của mình niềm vui thích, hăng say. Nếu không đi qua giai đoạn vận động, không tìm cách thay đổi những tư thế của cơ thể, hay là không thực hiện nhiều tư thế khác nhau, làm sao một đứa có thể cảm nghiệm, hay phát sinh trong con người của mình những cảm xúc sung sướng, vui tươi?
“Bằng cách dùng các phương tiện vận động, trẻ em bộc lộ ra bên ngoài chính cuộc sống nội tâm của mình cho đến khi ngôn ngữ xuất hiện, để đảm nhận công việc diễn tả những nhu cầu và ý thích có mặt trong nội tâm”.
Nhờ được vận động tự do, chúng ta đã tạo những điều kiện thuận lợi, để ngôn ngữ, tư duy của trẻ có điều kiện xuất hiện và phát triển một cách dễ dàng. Đồng thời chính đời sống xúc động và tình cảm của các em cũng được giải tỏa, một cách hài hoà, thư thái, cởi mở.
Bốn thành tố khác nhau của sinh hoạt tâm lý là: trí tuệ, quan hệ tiếp xúc, tình cảm và vận động, có những liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại hai chiều, tạo ảnh hưởng giao thoa và chồng chéo lên nhau. Khi một yếu tố vươn lên và tăng trưởng, tự khắc nó kéo theo ba yếu tố khác cũng đồng thời phát huy và tiến bộ. Đó mới chính là PHÁT TRIỂN TÂM LÝ NHẬN THỨC CỦA TRẺ THÔNG QUA VẬN ĐỘNG một cách tự do và được tôn trọng !
Đây có thể nói là một quan điểm hoàn toàn không dễ chịu gì với những người giáo viên được huấn luyện bài bản, vì rõ ràng họ được đào tạo là để dạy học, dạy bằng những kỹ thuật khác nhau trực tiếp lên đứa trẻ chứ ai đời đi can thiệp cho trẻ mà cứ để cho trẻ chơi tự do thì đâu có được !
Đây lại là một quan điểm cũng không được các y bác sĩ hoan nghênh, vì với họ can thiệp là trị liệu, mà đã trị liệu là phải có phác đồ, có quy trình, có sự tác động bằng các kỹ thuật chuyên môn lên đứa trẻ, chứ không phải là nương theo sự dẫn dắt của trẻ, chỉ dựa trên sự hứng thú, vui vẻ và tự nguyện của trẻ qua các trò chơi, để giúp trẻ phát triển những khả năng của giác quan, nhận thức về bản thân, giải tỏa những ức chế, căng thẳng, lo hãi, tái tạo lại mối quan hệ với người khác thông qua các vật dụng , mà người chuyên viên tâm vận động chỉ đóng vai trò trung gian. Nhưng nói như thế, phải chăng người chuyên viên TVĐ hoàn toàn thụ động ? vào trong phòng TVĐ chỉ là để ngó đứa trẻ chơi tự do ? Nếu chỉ có thế thì cần gì phải đào tạo bài bản và phòng tâm vận động hay không gian tâm vận động đâu cần phải có sự tổ chức với những công cụ có chức năng rõ ràng ? Ngược lại, người chuyên viên tâm vận động phải có sự am hiểu về tâm lý phát triển của trẻ, phải hiểu được những hành vi vô thức của trẻ bộc lộ như thế nào phải nắm được mối quan hệ tương tác giữa mẹ – con, phải xây dựng được sự liên kết tâm lý với trẻ, phải biết thúc đẩy, kiểm soát, điều chỉnh các hành vi của trẻ không phải bằng các mệnh lệnh hay sự dụ dỗ mà là sự thân thiện và tôn trọng đứa trẻ. Điều đó hoàn toàn không phải là những kỹ thuật đơn giản mà là những sự trải nghiệm và học tập lâu dài.
Do hiểu không đúng nên đã có những quan điểm dị biệt, có những thông tin không chính xác và những biện pháp gọi là can thiệp – trị liệu tâm vận động không phù hợp cùng những phòng can thiệp gọi là tâm vận động vừa thừa vừa thiếu các trang thiết bị cần cho hoạt động giáo dục – can thiệp và trị liệu đúng nghĩa tâm vận động.
CVTL. Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý