Xây dựng kế hoạch can thiệp cho trẻ đặc biệt
22/03/2016
Bí quyết giúp trẻ phát triển
06/05/2016
Xây dựng kế hoạch can thiệp cho trẻ đặc biệt
22/03/2016
Bí quyết giúp trẻ phát triển
06/05/2016

Hiện nay, trong việc giáo dục can thiệp cho trẻ tự kỷ có khả năng học tập, đã phổ biến rất nhiều phương pháp khác nhau. Từ những biện pháp kinh điển như ABA, TEACCH … cho đến những biện mới hơn như PECS… Tuy nhiên, có thể nói là chưa có một biện pháp nào tỏ ra hoàn hảo để có thể chỉ dùng một phương pháp là đủ. Mặc dù mỗi phương pháp đều có những chuyên viên hay phụ huynh “sùng bái” và tuân thủ theo những nguyên tắc của nó mà không áp dụng hay kết hợp những cái hay, có tính hiệu quả của những phương pháp khác nhưng rõ ràng không ai có thể chứng minh là chỉ cần duy nhất một phương pháp ABA áp dụng triệt để từ 25 – 40 tiếng một tuần là có thể giúp cho trẻ tự kỷ phát triển, mà hầu như trong bất cứ trường hợp nào, một sự tổng hợp ( Eclecticism) có chủ đích giữa các phương pháp sẽ là một liệu pháp hiệu quả cho trẻ.

Từ tổng hợp “eclecticism” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “eklektos” hay “eklektikos” có nghĩa là sự sàng lọc và là sự lựa chọn tốt nhất. Phương pháp tổng hợp là sự hội tụ và ứng dụng lý thuyết hay ý tưởng của nhiều trường phái can thiệp tự kỷ khác nhau. Chúng ta có thể kết hợp phương pháp ngồi sàn (floortime), hình ảnh của PECS, thời khóa biểu của TEACCH, và những phương pháp trị liệu khác về ngôn ngữ để dạy trẻ tự kỷ biết giao tiếp xã hội, trao đổi cảm xúc và ngôn ngữ hai chiều. Có thể hiểu rằng một chương trình Tổng hợp là sự trộn lẫn một chút phương pháp TEACCH của Eric Schopler, một chút ABA của Lovaas, một chút phương pháp ngồi sàn của Greenspan, và một chút phương pháp trị liệu cảm giác của Jean Ayres …

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là chọn cái gì và tổng hợp như thế nào để có được một kế hoạch hiệu quả nhất cho trẻ tự kỷ. Chúng ta hiểu rằng, sự rối loạn cơ bản nhất của trẻ là về phương diện giao tiếp và sự bộc lộ rõ ràng của nó là những khó khăn trong ngôn ngữ của trẻ, từ cách phát âm cho đến việc sử dụng từ ngữ và ngữ pháp. Đó là cái ngọn hay cái lộ ra cho thấy một sự rối loạn cơ bản trong quá trình tương tác với những người chung quanh mà quan trọng nhất là đối với phụ huynh qua những cái nhìn thờ ơ và những âm lời vô nghĩa, lặp lại.

Trước đây một nhà Tâm lý là Bettlehem trong cuốn: Thành trì bỏ ngỏ (The Empty Fortress – 1967 ) đã cho rằng sự bỏ bê con cái, cư xử lạnh lùng ít giao tiếp của những “ bà mẹ vô cảm” (refrigerator mother) là nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ điển hình ( Classic autism ) nơi trẻ nhỏ. Quan điểm này mặc dù đã được chứng minh là hoàn toàn sai lầm, nhưng tiếc thay cho đến ngày nay vẫn còn nhiều nhà chuyên môn khi đứng trước tình trạng chậm nói, không giao tiếp của trẻ tự kỷ thì vẫn khuyên rằng, bà mẹ cần bỏ thì giờ chơi với con nhiều hơn, nói nhiều hơn với trẻ… như gián tiếp cho rằng từ trước tới nay, vì ít giao tiếp với mẹ nên trẻ mới chậm nói. Ngược lại, cũng không thiếu các bà mẹ lấy làm ân hận vì đã ít quan tâm đến con nhiều hơn, đến khi trẻ bị “bệnh tự kỷ” thì mới biết và sẵn sàng bỏ hết công việc, theo trẻ 24/24 để tập nói cho trẻ.

Xuất phát từ quan điểm: Trẻ chậm nói vì ít được giao tiếp, điều này không sai nhưng lại dẫn đến nhận thức là chỉ cần tập nói, hay “trị liệu ngôn ngữ” cho trẻ nói được là coi như thành công và khi đưa trẻ đến các chuyên viên, giáo viên… phụ huynh chỉ có một yêu cầu là làm sao tập cho con họ nói được ! Cái quan điểm “ đau đâu chữa đó – thủng đâu vá đó” không phải là sai trong trường hợp bệnh lý hay với một số học sinh học kém. Nhưng với trẻ tự kỷ, thì việc chậm nói, hay chỉ biết nói linh tinh, nói lập lại… chỉ là một biểu lộ cho sự rối loạn toàn bộ về giao tiếp mà xuất phát từ việc không nhận biết chính mình, không làm chủ được cảm xúc, giác quan và cơ thể. Từ đó cho thấy, việc can thiệp cho trẻ phải là một giải pháp toàn bộ và tổng hợp dựa trên chính khả năng nhận thức của trẻ, với nhiều biện pháp và nhiều cách tác động khác nhau.

Có thể thấy rằng, trước đây thì các phụ huynh và cả các chuyên viên, giáo viên…lo lắng vì không biết can thiệp cho trẻ bằng phương pháp gì, còn ngày nay với nhiều phương pháp khác nhau và hàng núi thông tin trên mạng internet hay qua sách vở thì phụ huynh lại hoang mang không biết chọn cho con mình phương pháp nào. Đi học về ABA thì thấy phương pháp này hay quá, về nhà áp dụng một thời gian thấy chưa hiệu quả, lại đi học về TECCH, rồi có người đi học về RDI, về PECS… lại lúi húi tập cho con những kỹ thuật riêng lẻ của từng biện pháp mà họ học được một cách lõm bõm qua nhiều nguồn khác nhau. Sau một thời gian dài, với các biện pháp theo kiểu “đứng núi này – trông núi nọ” và trước sự biến đổi rất chậm của trẻ, họ bắt đầu thất vọng để lại tiếp tục trông chờ một biện pháp “thần kỳ” hơn.

Cũng có nhiều phụ huynh, vì nhiều lý do khác nhau từ việc ‘chối từ” không muốn xác nhận con mình là tự kỷ, cho đến việc cho rằng phải là chuyên gia, phải là các giáo viên chuyên nghiệp với kinh nghiệm và kỹ thuật cao, mới có thể can thiệp cho con mình, nên đã không muốn, không cần quan tâm đến việc tập luyện để can thiệp cho con trong chính gia đình mình mặc dù nhiều nhà chuyên môn đã chứng minh rằng, việc can thiệp cho trẻ trong khuôn khổ gia đình thường có hiệu quả hơn rất nhiều việc đưa trẻ đến các trung tâm can thiệp chuyên biệt hay phó thác cho các giáo viên dạy kèm.

Có nhiều phụ huynh từ các tỉnh không có giáo viên hay trường lớp đã phải bỏ hết công ăn việc làm, lên các thành phố lớn thuê nhà, thuê phòng gần một trường chuyên biệt để thuận tiện cho con theo học bán trú. Rồi sau giờ học, do điều kiện phòng trọ, nhà thuê chật hẹp họ không thể tác động thêm gì nhiều cho con, mà có thể họ cũng không biết phải tác động như thế nào ! kết quả là hơn một năm theo đuổi vừa tốn kém vừa mất công vừa mệt mỏi, trẻ hầu như tiến bộ rất chậm, thậm chí là còn chậm hơn cả những trẻ chỉ can thiệp ba buổi một tuần trong vài tiếng tại gia đình với giáo viên đặc biệt hay tại một trung tâm nào đó, còn thì giờ còn lại thì phụ huynh chơi và phối hợp can thiệp với con.

Vì thế, để có được sự hiệu quả trong việc can thiệp cho trẻ tự kỷ chúng ta cần có những yếu tố sau :
– Một sự chẩn đoán cụ thể, chính xác trong mức cho phép về tình trạng của trẻ vì sự chẩn đoán mơ hồ, lẫn lộn giữa các dạng tự kỷ (ASD) với trẻ tăng động giảm chú ý (ADHD) cũng như không đánh giá được mức độ nặng nhẹ sẽ đưa đến những sai lầm trong can thiệp. Việc chẩn đoán này cần tiến hành trực tiếp trong ít nhất là 30 phút với một nhà chuyên môn có kinh nghiệm thông qua các biện pháp quan sát, tác động với trẻ.
– Một chương trình phù hợp: Việc xây dựng được một kế hoạch can thiệp tổng thể theo từng giai đoạn với thời gian tối thiểu là một năm, trong đó có sự tác động của phụ huynh, sự hỗ trợ của giáo viên và sự hướng dẫn của chuyên viên.
– Một thái độ tích cực : Cần bình tĩnh và kiên trì trong yêu thương, có sự quan tâm của bố mẹ chứ không phải những tác động mang tính bó buộc, hay chiều chuộng trong việc vận dụng nhiều biện pháp can thiệp khác nhau, tùy thuộc vào năng lực, nhu cầu và sự tiếp nhận của trẻ chứ không phải là do sự hấp dẫn hay hiệu quả của phương pháp đó ( trên một trẻ khác ).

Một phụ huynh có năng lực trong việc can thiệp cho con cũng giống như một người đầu bếp giỏi, biết cách chế biến các loại món ăn theo ba tiêu chuẩn : Ngon, bổ và rẻ ! Người đầu bếp không thể bắt chước cách nấu của người khác, cũng không thể tốn quá nhiều tiền vào việc mua các nguyên liệu hay đầu tư các dụng cụ làm bếp đắt tiền dù chất lượng của công cụ là phải tốt và chất lượng của nguyên liệu là phải tươi, ngon. Nhưng cái đầu tư cần nhất vẫn là kinh nghiệm chế biến và tấm lòng muốn phục vụ người ăn để có được một món ăn ngon.

CVTL. Lê Khanh.

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý