Khi con ham chơi
01/02/2012
Nhận xét về Chuẩn giáo dục cho trẻ 5 tuổi
01/02/2012
Khi con ham chơi
01/02/2012
Nhận xét về Chuẩn giáo dục cho trẻ 5 tuổi
01/02/2012

Nền giáo dục ở Thụy Điển không buộc học sinh vâng lời một cách mù quáng mệnh lệnh của người lớn, mà khơi dậy tính tự giác chấp hành những tiêu chuẩn hành xử dân chủ được chính học sinh tham gia thiết lập, vì lợi ích chung và công bình của mọi người trong cộng đồng.


Đó là một phần trong công trình nghiên cứu “Nền giáo dục Thụy Điển tiên tiến nhất thế giới hiện nay?” của TS Toán học Lê Tự Hỷ, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Ông đã có nhiều năm nghiên cứu tại Mỹ. Công trình nghiên cứu này là một chuyên luận công phu, bổ ích và sâu sắc, rất cần cho việc hoạch định chiến lược giáo dục của Việt Nam.

Trước năm 1994, nền giáo dục của Thụy Điển cũng gần giống như ở Anh, dưới sự quản lý khá nghiêm ngặt từ Bộ Giáo dục với những chương trình của các cấp học và phương pháp dạy học theo truyền thống cũ.

Năm 1994, Bộ Giáo dục Thụy Điển cho thực hiện cuộc cải cách giáo dục từ mẫu giáo cho đến hết trung học phổ thông, theo chủ thuyết xây dựng kiến thức (constructivism) kết hợp với việc chuẩn bị cho lực lượng lao động trong nền kinh tế toàn cầu. Đây là hướng cải cách mà Dewey, J – một nhà cải cách Giáo dục Mỹ đã cổ xúy từ cách đây gần 1 thế kỷ.

Tiến trình cải cách tới nay đã hơn 10 năm. Thừa nhận đây là đường lối giáo dục tiên tiến nhất và cũng mong muốn áp dụng, Mỹ đã cử một phái đoàn điều tra tại hiện trường tìm hiểu, xem xét các kết quả của công cuộc cải cách này.

Kết quả điều tra tại hiện trường cho thấy:


Học sinh làm chủ việc học tập

Học sinh được hướng dẫn, khuyến khích tự lập và triển khai kế hoạch học tập của riêng mình.

Bắt đầu từ mẫu giáo với 4 tuổi, mỗi sáng thứ 2, các em ngồi thành vòng tròn với cô giáo, mỗi em sẽ nói lên những gì mình dự định làm trong tuần, giáo viên sẽ giúp các em điều chỉnh kế hoạch và hàng ngày hỗ trợ làm cho công việc của các em trở nên dễ thực hiện. Vào ngày thứ 6, mỗi em lại nói lên những việc mình đã làm trong tuần, tự đánh giá mức độ hoàn thành, nếu tốt thì mỉm cười, còn chưa tốt thì nhăn mặt.

Sau đó, người thầy sẽ bàn luận sự tiến bộ của các em. Người Thụy Điển cho rằng đó là cách bắt đầu rèn luyện nề nếp dân chủ, để khi lên 6 tuổi, các em đã biết dân chủ là quan tâm tới nhau, bàn thảo với nhau để học hỏi lẫn nhau, chứ không tranh giành nhau, đánh lộn nhau.

Ở các trường trung học cơ sở, thầy giáo và học sinh gặp nhau hàng tuần trong hội trường để bàn luận về việc họ cảm nhận việc học đang tiến triển như thế nào. Việc học của từng nhóm học sinh được đem ra xem xét cái gì đang tốt, cái gì là xấu.


Trước đó các nhóm học sinh đã nộp cho các thầy các bản tự nhận xét, đánh giá của họ.

Còn tại trường trung học phổ thông, các học sinh tham gia vào hầu hết các mặt của quá trình học tập từ việc lập kế hoạch học tập, đánh giá, và cả tiêu chuẩn cho việc đánh giá.


Hướng dẫn chứ không chỉ thị, áp đặt, độc đoán

Mặc dù, học sinh được yêu cầu đạt tới các tiêu chuẩn học lực do Bộ Giáo dục Thụy Điển thiết lập và ban hành. Theo đó, có 17 chương trình cấp phổ thông trung học cho toàn thể 278 học khu ở Thụy Điển. Nhưng các tiêu chuẩn và

chương trình chỉ có tính hướng dẫn những nét đại cương, rất uyển chuyển và có thể được thay đổi qua các cuộc trao đổi giữa học sinh và thầy giáo.

Toàn bộ tài liệu hướng dẫn này cho cả đất nước Thụy Điển mà chỉ có 103 trang (Regeringskansliet, 1995) trong khi 4 tập hướng dẫn về Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, và Ngôn ngữ cho hệ thống K-12 của bang Ohio ở Mỹ lên tới 1196 trang.


Giờ học ngoại ngữ tại Thụy Điển


Trao quyền tự chủ cho học sinh

Trong trường trung học cơ sở, không có chuông reo báo hiệu giờ học, học sinh tự động vào lớp học, vào làm việc theo nhóm. Đôi khi cũng làm việc cá thể. Thầy giáo hiếm khi bắt đầu buổi học bằng cách đứng trước lớp nói với học sinh, mà thường ngồi trong một nhóm nào đó với học sinh để bắt đầu một đồ án.

Theo chủ thuyết xây dựng kiến thức, việc giảng dạy được cá nhân hoá: mỗi học sinh tự quyết định việc học như thế nào cho tốt đối với riêng mình khi ngồi vòng tròn với nhau và với thầy giáo. Mỗi học sinh được yêu cầu triển khai và dạy một bài học trong một tuần cho các bạn trong lớp, mà không phụ thuộc vào bài in sẵn trong sách giáo khoa.

Điều này đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ sáng tạo hơn, và làm phù hợp với sự ưa thích học tập của các bạn trong lớp. Sau mỗi bài học, học sinh phải viết ra một vài suy nghĩ về những điều được cho là đúng và những gì chúng sẽ phải thay đổi.

Đó là một thông lệ mà thầy giáo hướng dẫn và nhắc nhở học sinh làm hàng ngày.

Sự tín nhiệm và giám sát của giáo viên đối với học sinh

 Tại các trường tiểu học, trong khi các học sinh chơi ngoài trời quanh nhà trường như trên các sườn đồi có tuyết hay trên một sân băng, thì có thể không có một thầy giám thị nào ở gần đó.

Các em đã biết rõ các cách ứng xử với nhau trong các trò chơi vì chính các em đã cùng với các thầy bàn bạc thảo ra nội quy của mọi cuộc chơi. Và chính các em đã tuân thủ một cách tự giác và thống nhất với nhau cách ứng xử thân thiện, không đánh đập hay chơi xấu nhau…

Vào thời gian dùng trà giữa buổi sáng, chỉ 2 học sinh tiểu học cỡ 11 tuổi lo chuẩn bị trà phục vụ cho tất cả người lớn trong trường, trong khi mọi học sinh khác chơi bên ngoài mà không có người lớn nào giám sát.

Các nhà nghiên cứu Mỹ rất ngạc nhiên, họ cho rằng không có người lớn giám sát, lỡ xảy ra sự cố hay tai nạn gì thì sao? Ông hiệu trưởng trả lời là có gì thì học sinh sẽ báo ngay với chúng tôi.

Người Thụy Điển không lo sợ các vấn đề như người Mỹ vì họ cho rằng, việc giáo dục cấp mẫu giáo và tiểu học của Thụy Điển là tập trung vào rèn luyện các kỹ năng giao tiếp xã hội, tập cho học sinh biết cách sống hòa hợp với người khác, ý thức được trách nhiệm của bản thân mình trong mọi sinh hoạt tập thể hơn là học kiến thức. Họ cho rằng có ích gì khi chỉ dạy cho trẻ em biết đọc biết viết, biết nhiều thứ để rồi cuối cùng chúng hành xử để bị vào tù.

Tỉ lệ phạm tội và bị tống giam ở Thụy Điển thấp hơn ở Mỹ khá nhiều. Tuy ít chú trọng về dạy kiến thức ở mấy năm đầu cho học sinh, nhưng lên bậc trung học phổ thông thì học sinh Thụy Điển đã chứng tỏ vượt trội hơn về học lực so với học sinh ở nhiều nước công nghiệp hoá cao nhất trong đó có Mỹ.

Nền giáo dục ở Thụy Điển không buộc học sinh vâng lời một cách mù quáng mệnh lệnh của người lớn, mà khơi dậy tính tự giác chấp hành những tiêu chuẩn hành xử dân chủ được chính học sinh tham gia thiết lập, vì lợi ích chung và công bình của mọi người trong cộng đồng.
Rèn luyện tinh thần dân chủ và sự trao quyền hợp pháp cho học sinh

Cuộc cải cách giáo dục năm 1994 cũng tăng cường việc rèn luyện tinh thần dân chủ và trao quyền hợp pháp cho giới trẻ.

Các thầy giáo được nhiều quyền tự quản hơn trong việc tạo ra các quyết định về công việc của họ trong nhà trường. Trong trường có một số thầy giáo được yêu cầu tham gia ý kiến giúp ban giám hiệu xem xét các vấn đề để đưa ra các quyết định của nhà trường.

Sự phân quyền này đã khai sinh ra một “Quốc hội học sinh” gồm 3 học sinh cấp 2 và 3 học sinh cấp 3 do tất cả học sinh trong một học khu bầu chọn ra. Sáu thành viên của quốc hội này được yêu cầu tham gia vào các cuộc họp của các giới chức chính quyền địa phương về các vấn đề liên quan tới giới trẻ.


Chuẩn bị cho khả năng lao động trong nền kinh tế toàn cầu

Nhà trường mẫu giáo và tiểu học chú trọng rèn luyện các kỹ năng sống trong xã hội, còn ở cấp 3 thì học sinh được chuẩn bị lao động theo tinh thần trường trung học tổng hợp.

Trong mỗi học khu ở Thụy Điển có 16 chương trình trung học cấp 3 chú trọng về hướng nghiệp (career-centered programs of study). Những chương trình này được dạy cùng trong một trường, mỗi thầy thường chỉ làm việc trong một chương trình với quyền tự trị đáng kể.

Bộ Giáo dục Thụy Điển chỉ đưa ra các đề cương tổng quát cho mỗi chương trình, cho phép thầy giáo và học sinh bàn bạc cùng quyết định với nhau nên học cái gì.

Tất cả 5 môn học chính là tiếng Thụy Điển, tiếng Anh, Toán, Khoa học xã hội, và Khoa học tự nhiên đều là 5 môn bắt buộc trong mỗi chương trình. Nhưng những môn này lại được học trong bối cảnh nghề nghiệp riêng của từng chương trình.

Có hai chương trình không tỏ ra hướng nghiệp rõ như 14 chương trình kia mà nặng về chuẩn bị cho học sinh lên đại học hay cao đẳng. Tuy nhiên, dù học ở 14 chương trình hướng nghiệp kia thì học sinh vẫn hợp lệ và đủ trình độ vào đại học.

Ở Thụy Điển, thường chỉ 1/3 học sinh tốt nghiệp trung học được chọn vào đại học. Một số học sinh tham gia lực lượng lao động ngay sau khi tốt nghiệp trung học.

Ngoài 16 chương trình chính quy ra, còn một chương trình thứ 17 là chương trình dành cho các học sinh vì lý do này hay lý do khác bị loại ra khỏi một trong 16 chương trình chính quy.

Học sinh học theo chương trình 17 là để bổ sung, củng cố kiến thức để cuối cùng được quay trở về một trong 16 chương trình chính quy.

Trong 16 chương trình này, học sinh được rèn luyện phong cách để chuẩn bị trở thành người lao động trong nền kinh tế toàn cầu theo 4 chỉ tiêu: làm việc theo nhóm (teamwork), rèn luyện kỹ năng kỹ thuật thực dụng (pragmatic technical skills), tập giải quyết vấn đề (problem solving), và tinh thần dám nghĩ dám làm trong doanh nghiệp (entrepreneuship).

Các phong cách này được rèn luyện thông qua việc từng nhóm học sinh thực hiện các đồ án dưới sự hướng dẫn của thầy. Quá trình thực hiện đồ án luôn kèm theo các phân tích có tính phê phán.

Mỗi cộng đồng dân cư đều có một hội đồng gồm các nhà lãnh đạo địa phương trong các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp. Họ thường kỳ tổ chức nói chuyện cho học sinh nghe về các nhu cầu kinh tế của cộng đồng. Trong đó nêu rõ các học sinh nên được chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng tham gia lực lượng lao động.

Như các nhà giáo dục hướng nghiệp, hội đồng này cho biết họ mong muốn những gì và họ cảm nhận học sinh nay đang ở mức nào, đó chính là cách giáo dục hướng nghiệp vững chắc cho học sinh.
Các doanh nghiệp địa phương thường hỗ trợ các phương tiện, thiết bị cho việc thực hành của học sinh, và sắp xếp tạo công ăn việc làm cho học sinh tốt nghiệp. Ở Thụy Điển mọi nhu cầu tài chính của nhà trường đều do sự đóng góp bắt buộc của các cấp chính quyền.

Việc thiết lập và triển khai kế hoạch học tập của riêng mình đòi hỏi học sinh phải sáng tạo và dám nghĩ dám làm. Hơn nữa, có những buổi học cốt tập cho học sinh tinh thần dấn thân. Chẳng hạn, học sinh được cho vay một số tiền để mở doanh nghiệp thực sự trong cộng đồng, thường dưới dạng dịch vụ trực tuyến.

Học sinh được vay tiền từ một ngân hàng địa phương dưới sự bảo đảm của ban giám hiệu. Tiền vay phải được hoàn trả cho ngân hàng trước khi học sinh tốt nghiệp. Thống kê cho biết, rất hiếm khi các doanh nghiệp này làm mất tiền vay. 

 TS Lê Tự Hỷ  (Theo Tạp chí Xưa và Nay số tháng 12/2009)

 


Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý