Hành trình ngôn ngữ của trẻ ở những năm đầu đời
25/12/2013
Thắc mắc về trẻ Chậm nói
25/12/2013
Hành trình ngôn ngữ của trẻ ở những năm đầu đời
25/12/2013
Thắc mắc về trẻ Chậm nói
25/12/2013

Thấy cậu con trai 4 tuổi lắp bắp “Mẹ… mẹ … mẹ cho con… con cái…”, chị Hòa nghiêm mặt “Mẹ đâu mà lắm thế, lúc nào con nói đúng, rành rọt, mẹ sẽ lấy cho”. Cậu nhóc nói đi nói lại, càng lúc càng lí nhí, rồi cuối cùng òa khóc. 

Cả nhà mình không ai nói lắp, ở lớp con cũng không, vậy mà chẳng hiểu sao từ lúc 3 tuổi thằng bé lại cứ lắp ba lắp bắp. Hai vợ chồng mình đã rất nghiêm, để ý và sửa cho con từng từ một nhưng tình trạng có vẻ ngày càng nặng“, chị Hòa (Trung Kính, Hà Nội) kể. 

Chị cho biết, để giúp con nói chuẩn, chị đã bảo với con nói lắp là không tốt, rồi đề nghị cả bố và ông bà bé ở nhà hễ thấy con nói lắp là bắt con nói lại ngay. Chị cũng nhờ cô giáo ở lớp giúp con chỉnh sửa. “Có lúc mình cố tình nói nhại lại theo kiểu lắp của con rồi hỏi bé xem như thế nghe có hay không, hoặc khi con nói lắp thì không trả lời, không đáp ứng yêu cầu. Thế nhưng, điều tệ nhất là bé có vẻ ngày càng ít nói và hay khóc hơn”, chị Hòa thổ lộ. 

Tiến sĩ Nguyễn Duy Dương, khoa Thính – thanh học, Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương cho biết, trẻ nói lắp là nói lặp lại, kéo dài hoặc không nói ra được một từ nào đó cần nói. Tật này hay xảy ra ở trẻ tập học nói, 2,5-3 tuổi. Khoảng 80% trẻ nói lắp tự khỏi trong 2 năm, 20% còn lại sẽ khỏi khi đi học và khoảng 5% trẻ tiếp tục nói lắp đến khi thành người lớn. 

Trẻ em nói lắp có thể là lặp từ, chẳng hạn “Bố, bố… ơi”, nếu không phát hiện kịp thời và điều chỉnh thì có thể chuyển thành dạng kéo dài từ (như bố…ố…ơi)  hoặc mất hẳn từ (bố…ố… nhưng không phát ra được từ ơi). Tình trạng nói lắp của trẻ có thể tiến triển nặng khi người lớn có thái độ không đúng: như trách móc (mẹ bảo con không được lắp bắp thế cơ mà), quát mắng, chỉnh sửa không phù hợp… Khi đó, trẻ sẽ tránh nói hoặc phải dùng sức rất nhiều khi nói, khiến mất hẳn từ.

Trường hợp bé Huy, 8 tuổi (Nghệ An) – một bệnh nhân đến khám tại khoa Thanh – thính học gần đây là một ví dụ điển hình. 

Bé Huy có tật nói lắp. Dù rất thông minh, làm toán giỏi nhưng em luôn bị điểm kém môn tập đọc. Bố mẹ Huy phiền lòng và thường mắng con “bài dễ thế mà con cũng không đọc trôi chảy được” và cố gắng tìm mọi cách chỉnh sửa cho con. Mỗi lần thấy con nói lắp từ nào là phụ huynh bắt bé nói đi nói lại từ đấy. Huy ngày càng căng thẳng và phải lấy hơi mỗi khi nói. Từ chỗ chỉ nói lắp từ, giờ em nói những câu mất từ. Tuy nhiên, khi hát hay nói những câu dễ, cháu có thể nói liền mạch, không hề lắp. Thấy tình trạng nói lắp của con ngày càng ảnh hưởng đến học tập, bố mẹ em mới đưa con đi khám. 

Bác sĩ Nguyễn Duy Dương cho biết, trẻ nói lắp vì nhu cầu ngôn ngữ của các em quá lớn trong khi khả năng ngôn ngữ lại có hạn. Trẻ hạn chế vốn từ vựng và kỹ năng ngữ pháp trong khi lại luôn muốn diễn đạt rất nhiều nhu cầu, ý kiến của mình. Trẻ nói lặp đi lặp lại, kéo dài, về sau thành cung phản xạ, vi xử lý trung ương ở vỏ não gián đoạn và thành vòng xoắn bệnh lý.

Theo bác sĩ, tình trạng này can thiệp càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, khi con nói lắp, bố mẹ càng cố gắng chỉnh sửa đôi khi lại gây tác dụng ngược, ảnh hưởng đến tư duy ngôn ngữ tự nhiên của trẻ. Nếu cộng thêm những bình luận không tốt, thái độ chỉ trích, trẻ càng căng thẳng, tự ti và mức độ nói lắp nặng thêm. Hơn nữa, thường bố mẹ chỉ nhận ra con nói lắp là lặp từ còn bác sĩ sẽ đánh giá rõ mức độ lắp như thế nào. Cách chỉnh sửa không bài bản của bố mẹ làm cung phản xạ nói lắp nặng thêm, khó chữa hơn. 

“Tâm lý không phải nguyên nhân gây bệnh nhưng có thể làm bệnh nặng thêm. Nắn chỉnh ngôn ngữ ở trẻ rất dễ thất bại. Với các em, việc việc chỉnh sửa chủ yếu phải theo cách chơi, chứ không phải cứng nhắc uốn nắn”, bác sĩ cho biết.

Hiện nay, có nhiều biện pháp trị liệu nói lắp. Thứ nhất là nắn chỉnh cách nói, sử dụng các bài tập nói kết hợp với tập thở bằng cơ hoành. Thứ hai là khuyến khích người bệnh sử dụng các từ không bị lắp, dần dần tăng lên, phát triển rộng ra các từ trước đây hay lắp, có thể hát theo nhịp điệu, đọc bài quen thuộc, kết hợp với tập thở và tư vấn tâm lý… Với trẻ em, một liệu pháp khá hiệu quả là Lidcombe Program for stuttering – chương trình điều trị sớm tật nói lắp tại nhà, bằng cách không nắn chỉnh khi người bệnh nói không trôi chảy. Cụ thể là:

+ Cho trẻ xem tranh có các hình ảnh hoạt động, con vật, đồ chơi, bảo trẻ nói ngay, không cần nghĩ, không đi sâu vào vòng xoáy bị lắp. Những chỗ trẻ không nói lắp, khuyến khích, khen ngợi để bé tự tin hơn, nói đúng dần. Bố mẹ không được bình luận, chê bai con, không bao giờ tạo áp lực cho con.

+ Cho trẻ tham gia các hoạt động về lời nói trong chương trình giao tiếp với nhóm: chẳng hạn như chơi, trò chuyện cùng anh chị, bố mẹ… Trong quá trình này, khi nói với bé hay nghe bé nói, cần luôn giữ thái độ bình thường, tuyệt đối không bảo bé bị nói lắp. Cho bé hát những bài hát con thích, sau đó đọc lời bài hát… 

+ Khuyến khích trẻ nói từ đơn giản, không đòi hỏi  ngôn ngữ cầu kỳ. Không nên bắt trẻ nói nhiều tình huống phức tạp, không coi việc giao tiếp của trẻ căng thẳng quá  Hình thành phản xạ nói không bị lắp từ câu đơn giản, dần dần, từ từ kéo sang những từ khác.

Và thường, chương trình này được bác sĩ hướng dẫn cho bố mẹ để cùng con luyện tập ở nhà. Quá trình này cần thật kiên nhẫn, kiên trì và bố mẹ có sự cầu tiến, đúng phương pháp. 

Vương Linh

( Nguồn : VnExpress.net )

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý