Hãy để bé khám phá đồ chơi
09/05/2015
Giáo dục giới tính : Vẽ đường cho hươu ?
12/05/2015
Hãy để bé khám phá đồ chơi
09/05/2015
Giáo dục giới tính : Vẽ đường cho hươu ?
12/05/2015

Tôi có hai đứa cháu tính cách khác biệt nhau. Bé gái rất thảo, có cái gì cũng chủ động san sẻ cho người xung quanh. Lớn một chút, bé đã biết nhường nhịn những đứa trẻ khác, nhất là những em nhỏ hơn.

Ngược lại, bé trai từ nhỏ đã có tính sở hữu, thích là đòi bằng được; thường không ai xin được thứ gì của bé, không ăn, không dùng thì vứt bỏ, chứ nhất định chẳng chịu cho ai. Ở tuổi học nói, bé thường “Không. Không đâu” kèm cái lắc đầu quầy quậy mỗi khi có người chìa tay về phía bé. Tôi thường khuyên mọi người sửa ngay thói tham lam này của bé, nhưng người lớn trong nhà đều nói: “Thằng nhóc còn bé quá, có uốn nắn cũng chưa nhận thức được.

Lớn lên sẽ tự thay đổi”. Tự thay đổi ư? Tôi nghĩ điều đó rất khó. Vì từ hai tuổi trở đi là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành tính cách trẻ. Nếu chúng ta không tác động sớm, rất có thể lớn lên bé sẽ thành người ích kỷ, chỉ biết nhận từ người khác mà không biết cách cho đi. Không biết cách rộng mở trái tim để san sẻ yêu thương, bé sẽ tự cô lập mình trong những nhỏ nhen, hẹp hòi.

Trẻ em vốn hay coi mình là trung tâm. Chúng cần được dạy dỗ tử tế về cách chia sẻ và quan tâm đến người khác. Thay vì để trẻ nghĩ cái này là của mình không ai được động vào, nên kiên trì hướng trẻ suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Giống như bé gái nhà tôi sáng nay, khi ông bà bày các loại kẹo ra bàn, bé rất thích kẹo mềm trái cây nên nhặt cất riêng vào túi.

Nhưng ngay sau đó, bé chia cho mỗi người một chiếc, tủm tỉm bảo “ai cũng có phần”. Điều đó cho thấy, tính hào phóng và ích kỷ hiện diện trong mỗi con người. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ trong sáng, hồn nhiên thì hai tính cách ấy có thể tồn tại mạnh ngang nhau. Đó là khuynh hướng tự nhiên và việc của người lớn là giáo dục đứa trẻ nuôi dưỡng lòng rộng lượng và dần triệt tiêu sự ích kỷ.

Trường học của cháu gái tôi năm nào cũng kêu gọi phụ huynh, học sinh quyên góp cho một chương trình từ thiện nào đó. Khi thì “vì miền Trung thân yêu”, khi thì quyên góp, ủng hộ các gia đình liệt sĩ; khi thì vì quỹ tấm lòng vàng của địa phương nhằm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Vừa là chương trình mang tính cộng đồng, vừa là bài học có ý nghĩa giáo dục con trẻ. Trẻ không có tiền, chủ yếu là cha mẹ các bé tham gia, nhưng qua đó sẽ có những cuộc đối thoại “cho là nhận” giữa bé và người lớn; từ đó khơi gợi sự cảm thông, sẻ chia và cả lòng biết ơn trong trẻ.

Cháu gái nhà tôi xin mẹ đập lợn đất, trích một phần nhỏ để đóng góp. Đó là chú lợn đất mà bé nuôi bằng số tiền trích ra từ khẩu phần ăn sáng, từ tiền lì xì, thường để dành cuối năm mua quà biếu ông bà nội, ngoại. Quà không có gì nhiều, chỉ là chiếc khăn len cho bà, mấy đôi tất cho ông, nhưng là một trong những bài học đầu tiên về tấm lòng thơm thảo, là hành trang học làm người.

Sự cho đi không chỉ là khía cạnh vật chất mà nó còn có nền tảng tinh thần. Một đứa trẻ sống tình cảm là không tiếc lời yêu thương đối với mọi người, đặc biệt là những người thân thiết. Đừng chỉ dạy trẻ cho đi một cái kẹo hay một món đồ chơi. Hãy khơi cảm xúc để trẻ có một trái tim rộng lượng bắt đầu từ nụ cười, lời khen, sự động viên, an ủi; để trẻ thấy cho đi tiếng cười nhận được tiếng cười, trao tặng niềm vui nhận được niềm vui.

Cho đi không có nghĩa là mất mát mà chỉ càng làm đầy thêm đời sống tinh thần của trẻ. Lớn lên, trẻ trở thành người sống có tình thương, lòng nhân hậu, biết san sẻ không chỉ là miếng cơm manh áo mà cả những khó khăn người khác đang gặp phải. Dạy trẻ biết cho đi trước hết là giúp trẻ nuôi dưỡng tâm hồn, sau đó là trở thành người sống có ích cho cộng đồng, xã hội.

 Phụ Nữ Chủ Nhật 

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý