Tầm Nhìn
20/04/2011
Xây dựng mối quan hệ gia đình
21/04/2011
Tầm Nhìn
20/04/2011
Xây dựng mối quan hệ gia đình
21/04/2011

Là cha mẹ, ai mà không muốn con vui vẻ, hạnh phúc. Chúng ta có thể hy sinh thời giờ, tiền bạc và sức lực rất nhiều cho nguyện vọng đó, nhưng đôi khi những sự hy sinh đó không đem lại kết quả mong muốn…

Phải chăng là chúng ta đã có những sai lầm ở đây?

GIÚP CON VUI VẺ – HẠNH PHÚC
Thực ra, sự vui vẻ và hạnh phúc của trẻ luôn có sự lệ thuộc vào cách cư xử của bố mẹ, ông bà trong gia đình và các yếu tố bên ngoài, và tiền bạc không phải là một yếu tố quan trọng ở đây.

Chúng ta nên biết là những người vui vẻ đều có chung một số đặc điểm cơ bản bao gồm tính cách lạc quan, gần gũi với gia đình, là những người bạn tốt, cảm thông với người khác và tin rằng cuộc đời họ có ý nghĩa. Nếu chúng ta muốn con cái có những đặc điểm trên thì trước tiên, bố mẹ phải chấp nhận trẻ với những yếu tố về cơ thể, trí tuệ vốn có, chứ không phải là những ưu điểm về thể chất và trí tuệ như mẫu người mà mình mong muốn. Chúng ta hãy quan tâm đến những nhu cầu từ vật chất đến tinh thần, giúp trẻ không rơi vào sự sợ hãi và hãy lắng nghe khi trẻ nói. Tất cả những điều trên giúp trẻ hiểu rằng chúng ta yêu trẻ với tình yêu không điều kiện.

Một cách cụ thể hơn, chúng ta nên:

1/ Xây dựng những hoạt động truyền thống trong gia đình:
Đó là cùng nhau ăn tối, tổ chức các bữa tiệc sinh nhật và những kỳ nghỉ, hoặc đọc truyện trước khi trẻ đi ngủ, không có gì đáng giá cho gia đình bạn bằng việc thiết lập các nghi thức và các truyền thống, Điều này góp phần mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của trẻ, chúng tăng cường các mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình và giúp con bạn tránh được những ảnh hưởng tiêu cực ngoài xã hội. Những công việc thường làm hàng ngày sẽ giúp cho trẻ cảm thấy an toàn vì chúng quen thuộc và trẻ có thể biết trước.

2/Nghe nhạc:
Nhạc là phương tiện tốt nhất để thay đổi tâm trạng, các bài nhạc vui vẻ, nhạc hòa tấu sẽ giúp không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng trở nên thanh thản hơn.

3/ Tham gia một số hoạt động trong cộng đồng:
Những đóng góp tích cực của bạn vào cộng đồng sẽ khiến con bạn thấy rằng trẻ có thể chia sẻ vấn đề của trẻ với bạn, và điều này sẽ làm tăng tính tự tin của trẻ. Sự đóng góp của bạn đã nhấn mạnh giá trị của cộng đồng. Cộng đồng giúp con bạn nhận thấy rằng trẻ là một phần của thế giới rộng lớn và mỗi cá nhân có thể ảnh hưởng tích cực đến các cá nhân khác. Có một mối tương quan chặt chẽ giữa lòng vị tha và niềm vui của trẻ. Vậy thì tại sao bạn không cùng con bạn giúp đỡ người khác? Bạn hãy mang con bạn đi cùng khi bạn tình nguyện làm một việc gì đó. Con bạn sẽ tìm thấy sự thoả mãn.

4/ Hạn chế những lời chỉ trích :
Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi người đều có những bất mãn và bộc lộ qua sự chỉ trích. Nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhận thức về sự an toàn của trẻ, một yếu tố quyết định mang lại niềm vui cho trẻ. Con bạn cần tin rằng thế giới này tốt đẹp và mọi người đều tốt bụng. Bạn đừng bao giờ kết luận rằng thầy cô giáo của con bạn là một tên ngốc hoặc những quan chức được lựa chọn đều bất tài. Khi bạn nói những quan điểm trên tức là bạn đã huỷ hoại niềm tin vào con người của con bạn và những thể chế xung quanh. Kết quả là con bạn bắt đầu cho rằng thế giới này là một nơi đáng sợ.

5/ Khuyến khích niềm say mê:
Một hoạt động mang tính thử thách và lôi cuốn sẽ mang lại niềm vui cho trẻ. Bé sẽ vui sau khi bé cố gắng hoàn thành một công việc nào đó như sưu tập tem hay sơn lại một cái ô tô. Để con bạn thử nghiệm trong nhiều lĩnh vực là điều rất quan trọng vì bạn có thể quan sát xem trẻ thích gì. Điều này có nghĩa là các kinh nghiệm mà trẻ đã trải qua đều có giá trị, chúng giúp bé theo đuổi một hoặc hai mục đích thật sự có ý nghĩa. Cho dù con bạn tập trung trí tuệ và khả năng sáng tạo vào những ý thích nhất thời như sưu tập ảnh Pokemon hoặc đọc truyện tranh nhiều lần trong ngày. Khả năng hoà mình vào một hoạt động mà trẻ yêu thích sẽ giúp trẻ hạnh phúc .

6/ Gần gũi với thiên nhiên:
Với cuộc sống hiện đại ngày nay, hầu hết chúng ta không có đủ thời gian để tận hưởng thiên nhiên. Nhưng biết thưởng thức những điều huyền diệu đáng kinh ngạc hàng ngày của thiên nhiên sẽ nuôi dưỡng chúng ta. Thiên nhiên sẽ giúp trẻ hình thành các nhận thức của trẻ, khuyến khích trẻ suy nghĩ và quan sát tinh tế, giúp khơi dậy nhận thức về sự công bằng. Nói cách khác, trật tự vốn có trong thiên nhiên sẽ khiến chúng ta nảy sinh những cảm xúc giống nhau.

7/ Nuôi một “người bạn” bốn chân:
Điều này thường gây ra nhiều khó khăn đối với các bậc phụ huynh, bởi vì: Bạn tốn nhiều thời gian và công sức chăm sóc cho các con thú cưng này. Có những bằng chứng thuyết phục chứng minh rằng công sức mà bạn bỏ ra rất đáng giá. Một vật nuôi thường làm trẻ yên tâm khi trẻ lo lắng hoặc sợ hãi. Trẻ sẽ học những bài học cơ bản về cảm thông, lòng trung thành và sự gắn bó qua con vật mà trẻ yêu quí. Khi trẻ nuôi dưỡng và dành tình yêu cho con vật, bé sẽ biết quan tâm và chăm sóc người khác. Hơn nữa, vật nuôi sẽ giúp bé thấy mình có khả năng và có giá trị đối với người khác. Vật nuôi đó có thể là chó hoặc mèo; con chuột lang, con thỏ, thậm chí những con bò sát nhỏ là những con vật đáng yêu mà chúng ta nên quan tâm.

8/ Một ngôi nhà có tổ chức:
Một ngôi nhà ngăn nắp, sạch sẽ rất quan trọng đối với bé. Nếu ngôi nhà bừa bãi hoặc bẩn thỉu thì con bạn sẽ không muốn có những người bạn. Bạn hãy cất mọi thứ ngăn nắp và ngôi nhà của bạn phải là nơi mà con bạn cảm thấy an bình và thoải mái. Tuy nhiên, không nên ngăn nắp thái quá. Thoải mái là một phần quan trọng tạo nên niềm vui và con bạn cần cảm thấy được tự do chạy, nhảy, làm bẩn và thỉnh thoảng bé và bạn bè có thể làm bừa bộn một chút.

9/ Các bữa ăn vui vẻ:
Ta có câu: “trời đánh tránh bữa ăn” , Việc ăn uống không chỉ cần đủ chất dinh dưỡng mà còn cần có một tâm trạng vui vẻ khi ăn. Trẻ em thường không nhận thức rõ ràng điều này, mà chỉ có thể phản ứng bằng cách trở nên uể oài, biếng ăn khi đối diện với một bầu khí nặng nề, căng thẳng một cách thường xuyên trong các bữa ăn. Cách ăn uống sẽ có những  ảnh hưởng đến tính khí và cả sức khoẻ của trẻ cũng như các thành viên khác trong gia đình.  

10/ Các hoạt động thể chất:
Bạn hãy thực hiện những cách thể hiện tình cảm như ôm, hôn, xoa lưng, cù vào bụng với trẻ. Điều này giúp cho trẻ biết rằng  xúc giác có khả năng làm dịu đi những căng thẳng và làm phấn chấn tinh thần. Ngoài ra, bạn hãy để con bạn hoạt động. Dù cho hoạt động tích cực đó có giải phóng các chất gây hưng phấn của não bộ như các chất endorphin  hay chỉ là một hoạt động mang tính thử thách về thể chất, thì trẻ cũng hạnh phúc khi hoàn thành những công việc đó. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp tâm trạng vui vẻ hơn. Hơn nữa, các bé có cơ thể khoẻ mạnh sẽ tích cực hơn các bé ít vận động. Bạn hãy cùng bé chạy, nhảy, bơi lội, đi xe đạp và chơi bóng trong những ngày cuối tuần.

Lê Khoa ( ST)

 


Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý