Trao đổi về tình trạng xâm hại tình dục của thanh thiếu niên
11/03/2014
Những vấn đề về ngôn ngữ của trẻ Tự Kỷ
15/03/2014
Trao đổi về tình trạng xâm hại tình dục của thanh thiếu niên
11/03/2014
Những vấn đề về ngôn ngữ của trẻ Tự Kỷ
15/03/2014

“Con tôi vào lớp Một. Sợ quá!” ai sợ ? có lẽ cả mẹ lẫn con đều…sợ. Với con là một điều dễ hiểu, từ một môi trường thoải mái vui vẻ ở Mẫu giáo, nay phải đến một môi trường mới, lạ lẫm và phải tuân thủ nhiều nguyên tắc về kỷ luật với những người bạn chưa quen. Nhưng còn mẹ thì tại sao lại sợ ?


Học sinh lớp Một – vui chứ, sao lại sợ?
Ấy vậy mà không ít lần tôi nghe thấy các mẹ nói chuyện với nhau về việc chuẩn bị cho con đi học lớp một với gương mặt lo âu, thậm chí sợ hãi. Ai cũng có lý do để sợ. Sợ con quá nhỏ, còn dại dột, đối mặt thế nào với các vấn đề của trường học khi không được nương nhẹ như các em mẫu giáo nữa. Sợ cô mắng, con xì-chét. Sợ không biết sắp xếp kèm cặp con ra sao để con theo lớp kịp, khi mà hầu như đứa trẻ nào vào học lớp Một cũng đã có một hành trang phong phú là biết đọc, biết viết, thậm chí viết đẹp, biết làm toán..v..v.. Con mình thì sao?
Và đứa trẻ bé bỏng của chúng ta cũng vậy. Học sinh lớp Một, ngoài vài ngày đầu tiên vui mừng mặc áo đồng phục thơm phức xúng xính theo mẹ đến trường, ngoài những vui nhộn ồn ào của buổi đầu làm quen lớp mới thì ngay lập tức đã phải đối mặt với rất nhiều nỗi sợ. Đối với một đứa trẻ 6 tuổi, bắt đầu đi học lớp 1 đồng nghĩa với việc bắt đầu một cuộc sống mới. Đứa trẻ phải làm quen với môi trường mới, với cô giáo, bạn bè, và quan trọng hơn cả là một “tư cách công dân” mới. Học sinh lớp 1, đó là không còn được chơi nhiều như hồi Mẫu giáo, là đến trường đúng giờ, là tuân thủ kỷ luật của trường của lớp, là làm bài tập về nhà, là nhận điểm số, là học cách ngồi lâu hơn, nhìn lên bảng nghe cô giảng lâu hơn, là học cách hoà đồng hoặc đối mặt với một đám đông là các bạn cùng lớp, cùng trường .v…v.. nghĩa là đứa trẻ không ít thì nhiều cũng phải chịu đựng áp lực của một cuộc sống mới.



Làm sao bây giờ?


1. Hãy nhớ lại và khẳng định
– con học lớp Một là con bắt đầu một bước trưởng thành và đó là lý do để vui. Những việc khác còn lại chỉ là “ba cái chuyện lẻ tẻ” không đáng lo lắng thái quá. Các bậc phụ huynh chớ để cảm xúc tiêu cực lại lấn át cảm xúc tích cực lẽ ra phải có. Việc tạo cho trẻ cảm xúc vui vẻ, hào hứng quan trọng hơn là tìm lớp học thêm để học trước, chỉ chăm chắm lo sao cho khi vào lớp con đã đọc thông viết thạo. Theo tôi, cả gia đình hãy luôn nhắc đến sự kiện con sắp vào lớp 1 với sự phấn khởi, thậm chí, tỏ ra thán phục. Trẻ cần có ý nghĩ rằng: em đã lớn! Bố mẹ cùng xem lại album ảnh với những hình ảnh của con từ hồi bé tí cho đến bây giờ, để con thấy, thực sự con đã lớn và đi học là một sự kiện đáng để con tự hào. Sau đó, bố mẹ cùng con chuẩn bị đồ dùng học tập thật đầy đủ,thật gọn gàng, đẹp mắt. Hướng dẫn trẻ bọc vở, cất sách vở ngăn nắp, cùng trẻ lập sẵn Thời khoá biểu với những hình vẽ của bố mẹ, của con. Nghĩa là cả nhà cùng nhau hướng tới sự kiện đi học của bé. Cảm xúc tích cực và an tâm là bố mẹ luôn là “hậu thuẫn”, là đồng minh của mình… sẽ khiến trẻ bước vào chặng đường mới một cách tự tin và hứa hẹn một khởi đầu tốt đẹp.

2.Ta chỉ sợ những gì ta không biết – nhiều khi sự tưởng tượng khiến nỗi sợ càng lớn hơn. Có nghĩa là, hãy cố gắng cùng con tìm cách “biết” nhiều hơn về môi trường mới, chuẩn bị tốt về mặt tâm lý để con có được sự tự tin khi xung quanh là người lạ. Bố mẹ có thể dành thời gian cùng trẻ đến tham quan ngôi trường con sẽ học, lớp học của con ở đâu, biết tên cô giáo, biết các phòng chức năng khác của trường, chỗ chơi, thư viện, phòng vệ sinh. Có thể cùng nhau tưởng tượng những tình huống khó khăn có thể xảy ra và giải quyết trong tưởng tượng, giống như một trò chơi.
Chẳng hạn, chơi trò: “Thế nhỡ?” – Thế nhỡ con không nhìn thấy chữ trên bảng thì con làm gì? Thế nhỡ cô giáo mắng con thì con sẽ nói sao? Thế nhỡ có bạn trong lớp đánh con thì con phải làm sao? Thế nhỡ con muốn đi tè trong khi cô đang giảng bài thì con làm thế nào?… tức là chuẩn bị về mặt tâm lý để trẻ đối mặt với những tình huống có thể gây áp lực hoặc lúng túng cho bé. Bằng cách xây dựng trò chơi, trẻ sẽ không hoảng sợ mà hào hứng tham gia tìm các phương án giải quyết. Sau này, khi đối mặt tình huống trên thực tế, chắc chắn trẻ sẽ không quá hoảng sợ.

3. Chuẩn bị về tâm lý và thể chất : Ngoài việc chuẩn bị về mặt tâm lý, trẻ cần được chuẩn bị tốt về mặt thể chất nữa. Hãy quan tâm đến việc nâng cao khả năng miễn dịch của trẻ – uống vitamin, tranh thủ đưa trẻ ra ngoài thiên nhiên chạy nhảy trong mùa hè trước khi con đi học, nếu đi biển được thì càng tốt, đồng thời cùng trẻ làm quen với chế độ sinh hoạt mới cho phù hợp như dậy mấy giờ, ăn sáng lúc nào, tối đi ngủ mấy giờ để đảm bảo sức khoẻ khi đi học và tăng khả năng tập trung lúc ngồi học. Nghĩ ra một bài tập thể dục vui nhộn để khởi động một ngày của bé. Có thể làm điều này cùng một bài hát, một bản nhạc quen.

4. Hãy tìm mọi cách hỗ trợ cho sự tự tin. Có nhiều cách để làm trẻ thêm tự tin khi đến môi trường mới. Đó là quần áo đẹp đẽ gọn gàng. Đó là sách vở, đồ dùng học tập đầy đủ, không thiếu thốn bất kỳ thứ gì. Đó là việc tranh thủ làm quen với một vài bạn học cùng lớp, với bố mẹ các bạn ấy để trao đổi thông tin, giao lưu, nhắc nhở nhau về những việc cần làm, hỗ trợ nhau khi cần thiết. Chủ động tạo ra một cộng đồng nhỏ khi chưa và không thể ngay lập tức biết hết tất cả các bạn, các phụ huynh trong lớp. Trò chuyện với cô giáo và nhắc đến cô giáo hàng ngày ở nhà với sự thân tình. Điều đó khiến trẻ sẽ an tâm hơn. Tuyệt đối không đem cô ra dọa như “Mẹ sẽ đến nói với cô để cô có ý kiến với con”, “Ăn nhanh lênkhông có mẹ sẽ thông báo với cô giáo để cô phê bình, lớp 1 rồi mà ăn chậm như Mẫu giáo ấy!”…

5. Rèn luyện thói quen… ngồi yên và tập trung. Trước và trong khoảng thời gian đầu năm học mới, bố mẹ hãy kín đáo luyện cho con cách ngồi học tập trung trong vòng 10 phút và tăng dần cho đến 20 phút. Không nhất thiết phải ép con ngồi học toán, tập viết chữ đẹp… mà con có thể thực hiện bất kỳ hành động gì, bài tập gì, miễn là ngồi được một chỗ chăm chú trong một khoảng thời gian nhất định mà không chán. Ví dụ, cùng chơi xếp hình, ghép hình với con, cùng vẽ với con, cùng đọc truyện xem tranh… – nhất thiết phải ngồi làm ở bàn học chứ không phải ngồi dưới sàn nhà hoặc trên giường. Cùng con tạo dựng một hệ thống những nguyên tắc để con áp dụng trong thời kỳ mới của cuộc đời. Nhắc nhở, HỌC KHÔNG PHẢI LÀ CHƠI, – có thể học thông qua trò chơi nhưng bản thân sự học của con ở môi trường lớp Một là một hoạt động nghiêm túc, mới mẻ và đòi hỏi ý thức rõ ràng về điều này.

6. Chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với con. Bất kỳ vấn đề nào con gặp phải ở trường cũng có thể khiến con rơi vào trạng thái stress. Nhưng bất kỳ trạng thái stress nào cũng giải tỏa được nếu có thể chia sẻ với người thân. Bố mẹ hãy chủ động kể cho con nghe những câu chuyệnđi học của mình, tìm những chi tiết vui vẻ, hài hước khiến những buổi thủ thỉ trò chuyện giữa bố mẹ và con cái trở nên thú vị, nhẹ nhàng. Những ngày đầu tiên con đi học, hãy tìm thời gian trò chuyện với trẻ nhiều hơn. Trò chuyện chứ không phải “moi thông tin” và kiềm chế không phát biểu đánh giá, chê bai, phê phán con hoặc các bạn con. Hưởng ứng cảm xúc của trẻ – cười cùng trẻ, cố gắng đồng cảm với đánh giá của trẻ trước một sự việc nào đó. Ví dụ: “Ừ, công nhận là thế thì buồn cười thật.” “Mẹ cũng thấy thế là không hay lắm, con nói đúng đấy…”.

7. Không tạo thêm sức ép cho con và cho mình. Những đứa trẻ bắt đầu có sự thay đổi trong môi trường sống thường bị kêu ca là nhõng nhẽo hơn, dễ xúc động hơn, dễ cáu và bướng bỉnh hơn. Đó chính là những biểu hiện ban đầu của stress. Chúng sẽ qua đi nếu bố mẹ kiên nhẫn đợi chúng qua đi. Chớ “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách mắng, quát, phát cáu lên: “Sao đi học mà hư thế? Sao dạo này khó bảo thế?, hay thậm chí là dùng đến bạo lực, roi vọt. Những ngày đầu tiên đi học, bố mẹ hãy chịu đựng một chút nếu về nhà trẻ nói to hơn thường ngày, dễ khóc nhè hơn, đồ chơi để bừa hơn… Có thể giúp trẻ làm những việc mà trước đó nó thường làm một cách tự lập, nhưng giao hẹn với sự thấu hiểu: “Mẹ biết hôm nay con đi học rất mệt nên mẹ giúp con dọn đồ chơi nhé? Mấy hôm nữa con quen rồi, hết mệt thì con lại làm lấy, đúng không?”. Đương nhiên cũng không thái quá đến mức nuông chiều, con đòi gì cũng cho, mua quà cáp để bù đắp..v..v…

Ngoài ra, bố mẹ có thể tạo điều kiện cho con “xả xì-chet” – Chẳng hạn, đi ra thiên nhiên nhiều hơn. Hay chơi trò hò hét, xé giấy vụn, ném gối… – những trò chơi thường các phụ huynh không ủng hộ nhưng lại là cách xả stress nhanh chóng và hiệu quả.


8. Hướng dẫn cách học chứ không kèm học. Có thể các bố mẹ đều muốn giúp đỡ con những lúc ban đầu, cùng học với con, ngồi bên cạnh sốt ruột nhìn con tô tô vẽ vẽ, làm toán – vội vàng chỉ ra chỗ sai và giục con làm lại. Riêng cá nhân tôi phản đối chuyện này. Bố mẹ có thể hướng dẫn con nhưng không nên tạo cho con một thói quen như một phản xạ có điều kiện: cứ học là bố mẹ ngồi bên hoặc cứ bố/mẹ ngồi bên thì mới học. Trẻ cần có góc học tập riêng, khoảng không gian riêng để nó thử nghiệm, suy nghĩ, tư duy. Ở đó, nó có thể viết xấu, viết sai, sau đó tự nhận ra cái xấu, cái sai và tự mày mò sửa… Học là cả một quá trình cơ mà! Như thế sẽ bình tĩnh hơn rất nhiều nếu lúc nào cũng có ai đó kè kè ở bên. Việc “giám sát” dưới dạng “kèm cặp” này sẽ cản trở quá trình tư duy độc lập của con người. Khi xem bài cho con, hướng dẫn con, hãy đề nghị trẻ mang vở, mang sách ra bàn của bố mẹ chứ không thực hiện điều ấy ở bàn học của riêng con. Cần có khái niệm đúng đắn về sự TỰ DO. Trẻ có quyền có được tự do lựa chọn thứ mình muốn học, cách thức mình học – theo hệ thống nguyên tắc mà người lớn cùng trẻ đã lập nên.

9. Hãy thư giãn cùng nhau, tạo không khí bình tâm cho cả gia đình. Ông bà, bố mẹ hãy tâm niệm rằng: lớp Một quan trọng thật đấy nhưng dù sao cũng mới chỉ là lớp Một thôi mà. Phía trước là cả một quãng đời rộng lớn. Vì thế, hãy suy nghĩ giản dị hơn, không quan trọng hóa vấn đề, không thổi phồng chuyện Đi Học trở thành chuyện kinh khủng khó chịu. Bố mẹ đón nhận những thử thách của năm học đầu tiên trong cuộc đời con một cách bình tĩnh để sự bình tĩnh ấy truyền được sang con. Gia đình hãy cùng nhau chơi đùa nhiều hơn khi ở nhà để bé được giải tỏa mọi ức chế về thần kinh có thể có trong những ngày đầu tiên đến lớp.

10. Học để làm gì? Xác định mục đích của việc học hóa ra lại là việc quan trọng nhất. Không chỉ xác định cho trẻ mà chính các bậc phụ huynh cũng cần suy nghĩ nghiêm túc để trả lời câu hỏi này. Phương pháp rèn luyện và hỗ trợ con trong quá trình học phụ thuộc rất lớn vào thái độ của bố mẹ đối với sự học, vào quan niệm: chú trọng đến kết quả hay quá trình học tập. Học để trở thành người tốt? Học để giỏi và sau này vào được đại học, có công ăn việc làm, không phải… đi quét rác? Học để bố mẹ được tự hào? Học vì gia đình có truyền thống học tập? Hay, như giáo sư Hồ Ngọc Đại nói, học để trẻ có thể “trở thành chính mình”, hiểu và phát triển được mặt mạnh của mình?

Nếu không vụ điểm, không nệ thành tích thì bố mẹ sẽ bình tĩnh hơn khi nhìn thấy những điểm kém của con. Hỗ trợ con để con hiểu cách học – với trẻ lớp 1 chẳng hạn, bố mẹ cần giúp con nắm được cách cầm bút, cách sắp xếp sách vở, cách dùng vở nháp, cách nhìn những con số với “con mắt thân thiện” bằng cách biết sắp xếp chúng một cách logic để trẻ không thấy sợ, thấy ngợp, thấy quá sức; phương pháp đọc nhanh bằng cách nhìn bao quát mấy dòng chứ không nhìn từng chữ ..v..v. Điều đó quan trọng hơn là chạy theo chữa từng bài toán, bắt tẩy từng con chữ viết hơi xiên xẹo… Tôi nghĩ rằng, để đạt được điểm 10, trẻ có thể cần trải qua điểm 4,5, 6… và đó cũng là những trải nghiệm thú vị. Hãy khen ngợi kịp thời khi nhận ra những tiến bộ của con: mấy hôm trước viết chữ chưa đúng li, hôm nay đã nhớ được chữ nào mấy li rồi; mấy hôm trước đọc chậm, hôm nay đã nhanh hơn và diễn cảm hơn nhiều… Quá trình học, từ sai đến đúng, từ chưa hiểu đến hiểu ra, rồi hiểu rất rõ, từ chưa nhớ đến thuộc nằm lòng – quá trình ấy đem lại niềm hứng khởi cho trẻ, tạo động lực học tập thậm chí nhiều hơn cả những kết quả đẹp đẽ tròn trịa cuối năm. Tôi càng thấm thía điều này khi nhìn một em bé nhận giấy khen học sinh Giỏi một cách thờ ơ (“vì lớp con ai cũng được học sinh Giỏi ạ!”).

Mọi điều sẽ qua đi, chỉ có cảm xúc và ấn tượng là còn lưu lại, nhớ mãi. Chúc các bậc phụ huynh có thể cùng các em bé lớp Một của mình xây dựng những cảm xúc tích cực và lưu giữ những ấn tượng đẹp đẽ của năm đầu tiên cắp sách đến trường.

TSGD Nguyễn Thụy Anh
(Mẹ & Bé)

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý