Trò chơi giúp trẻ phát triển IQ
17/05/2011
Giá trị của sở thích
18/05/2011
Trò chơi giúp trẻ phát triển IQ
17/05/2011
Giá trị của sở thích
18/05/2011

Chúng ta có câu : “Dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về” để nói lên nguyên tắc trong việc giáo dục nhân cách cho con trẻ và giúp cho người vợ biết hoà nhập với gia đình chồng là càng sớm càng tốt.

 

Nhưng còn việc tạo dựng cho con một khả năng và kiến thức để có một ngành nghề khi bước vào đời thì chỉ khi nào đứa con bắt đầu vào cấp III, hay sau khi thi tốt nghiệp và chuẩn bị thi vào các trường Cao Đẳng hay Đại học, vấn đề này mới được đặt ra. Thậm chí nhiều gia đình không cần đến điều đó vì đối với họ thì con cái chỉ có một con đường là phải bằng mọi giá, vào được đại học và dĩ nhiên là phải vào những trường “thời thượng” hay theo học trong những lĩnh vực mong muốn của gia đình.

Trước đây có câu: ‘Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa”, với tình hình hiện nay thì việc chọn trường đã đa dạng hơn, song những ngành liên quan đến kinh tế, ngoại thương, ngoại ngữ, Y dược hay  Tin học vẫn luôn chiếm một tỷ lệ cao và vấn đề được cha mẹ đặt ra là hãy chọn ngành nào mà sau này dễ kiếm việc làm và dễ kiếm tiền, chứ không phải là ngành nghề nào phù hợp với tính cách, sở thích và năng lực của con mình !

Hiện nay,  việc ép buộc con theo học những ngành nghề mà cha mẹ mong muốn vì có thể đó là những ước muốn bất thành của chính cha mẹ khi còn trẻ, đã không còn nhiều. Thay vào đó là những tác động từ các thông tin bên ngoài xã hội và cả những điều tư vấn dựa trên cảm nhận về sở thích theo thị hiếu ngày càng trở nên một phong trào. Hàng năm cứ đến mùa tuyển sinh Đại học thì “đến hẹn lại lên” đâu đâu cũng mở ra những ngày “hội tuyển sinh – hội hướng nghiệp”! Nhưng phần lớn chỉ mang tính cung cấp thông tin có chủ đích mà chủ yếu là  quảng bá thương hiệu . Trong khi đó thì dựa trên theo thị hiếu và việc đánh giá năng lực không mấy chính xác, các bạn trẻ đã hình thành những xu thế nhất thời, định hướng không đúng cho  việc thi tuyển mà có thể chỉ sau một vài năm học thì sự mệt mỏi và chán nản đã thay thế cho niềm vui khi bước vào cánh cửa của ngôi trường “tưởng là” mơ ước. Đó là chưa kể đến những bạn trẻ đã không vượt qua được kỳ thi tuyển, lại cho rằng mình chỉ là kẻ bất tài, thậm chí có thể đi đến cái chết vì sự thất vọng của gia đình và bản thân quá lớn.


HƯỚNG NGHIỆP LÀ ĐỊNH HƯỚNG HAY TÁC ĐỘNG?

Trong xã hội hiện nay, việc hướng nghiệp được xem là các hoạt động nhằm hỗ trợ mọi cá nhân chọn lựa và phát triển chuyên môn nghề nghiệp phù hợp nhất với khả năng của họ, để đáp ứng  nhu cầu nhân lực cho xã hội. Được xem là hoạt động tư vấn nhằm giúp cho các bạn trẻ có được sự lựa chọn một nghề yêu thích, hay một trường cao đẳng hay đại học phù hợp. Nhưng đó chỉ là một góc cạnh của hoạt động hướng nghiệp, vì nó còn bao gồm cả việc đánh giá nghề, quản lý nghề và phát triển nghề hay đúng hơn là hướng dẫn những kỹ năng nền tảng để có thể học và làm việc theo ngành nghề đã chọn một cách hiệu quả nhất.

Vì thế hướng nghiệp nên được xem là một quá trình  tác động liên tục ngay từ khi trẻ còn nhỏ, trải qua quá trình học tập và định hướng  một cách rõ ràng và hiệu quả về cả ba phương diện: Nhân cách, Nhận thức và kỹ năng. Khi mỗi cá nhân có được sự tự tin vào giá trị bản thân, có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm với gia đình và xã hội, có kiến thức và kỹ năng chuyên môn vững vàng phù hợp, họ sẽ có nhiều cơ hội có một nghề nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cá nhân. Ở một góc độ khác, hướng nghiệp có hiệu quả tạo ra một lực lượng lao động có định hướng rõ ràng, do vậy họ có năng lực nghề nghiệp tốt, làm tăng năng suất lao động, góp phần cho sự phát triển về kinh tế xã hội. 

Nói cách khác, hướng nghiệp nên được xem là hoạt động giúp trẻ phát triển về năng lực, xác định sở thích, xây dựng tinh thần tự tin để từ đó có khả năng chọn lựa cho mình một định hướng tốt nhất cho bản thân hoặc có khả năng thích nghi cao, có thể đáp ứng mọi yêu cầu nghề nghiệp với tinh thần cầu thị và ham thích. Vì thế gia đình và xã hội nên quan tâm đến việc hướng nghiệp cho giới trẻ ngay từ nhỏ và liên tục cho đến khi tốt nghiệp cấp III. Điều này sẽ giúp cho các em có đủ sự tự chủ và năng lực trong việc chọn cho mình một nghề nghiệp sau này.

Cv.TL Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý