Kỹ năng Giải quyết Căng thẳng
06/09/2014
Cải thiện tình trạng kém tập trung trong việc học
13/09/2014
Kỹ năng Giải quyết Căng thẳng
06/09/2014
Cải thiện tình trạng kém tập trung trong việc học
13/09/2014

Bước vào năm học mới, sau một thời gian ngắn học tập, một số phụ huynh nhận ra con em mình hầu như không tập trung được trong các buổi làm bài hay ôn tập tại gia đình. Trước khi đánh mắng hay đưa các em đến các chuyên viên tâm lý giáo dục, chúng ta hãy thử áp dụng một số biện pháp giúp các em cải thiện được tình trạng kém tập trung của mình.

1. Xác định những nguyên nhân thường quấy rầy sự tập trung

Để giúp các em học sinh nâng cao khả năng tập trung trong các buổi ôn tập bài vở tại nhà, các phụ huynh cần lưu ý đến các yếu tố có thể gây ra sự mất tập trung của con em mình. Những yếu tố ấy có thể là:

Tác động đến từ bên ngoài (khách quan): tiếng ồn ( do nói chuyện, do xe cộ chạy bên ngoài), ti vi ( các chương trình quảng cáo, ca nhạc…), điện thoại di động ( nhạc, tin nhắn) và nếu ánh sáng quá chói hay quá mờ cũng có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến sự tập trung ..

Tác động đến từ bên trong (chủ quan): cơ thể bạn không được khỏe (do bạn đói, mệt, bệnh, thiếu ngủ); những cảm xúc tiêu cực (căng thẳng, chán nản, lo lắng); bạn hay mơ mộng; bạn không thích một môn học nào đó hay bạn đang gặp khó khăn trong việc giải bài tập…

Sau khi đã xem xét và xác định được các yếu tố trên thì hãy tìm cách khắc phục đến mức có thể các yếu tố khách quan : hạn chế tiếng ồn, loại bỏ các phương tiện như điện thoại, máy tính bảng..trên bàn học và cải thiện môi trường : Không quá sáng, quá tối và quá nóng/ lạnh.

Sau khi đã xem xét các yếu tố khách quan, hãy xét đến các yếu tố chủ quan để cải thiện bằng những biện pháp phù hợp một cách nhẹ nhàng và kiên trì.


 

2. Các biện pháp giúp duy trì khả năng tập trung

Chăm sóc cơ thể

– Ăn uống đủ chất, đúng bữa và tránh ăn quá nhiều trước buổi học. Vì với cái bụng no thì cơ thể sẽ muốn được nghỉ ngơi hơn là làm việc.

– Nhắc nhở các em đii ngủ đúng giờ và đủ giấc để cơ thể được nghỉ ngơi

– Tập thể dục thường xuyên có tác dụng làm tăng khả năng tập trung , đặc biệt các bài tập thể dục về hơi thở để thư giãn và cung cấp oxy cho não.

Hướng dẫn các em cách thở sâu :

         Hít một hơi thật dài và thở ra chầm chậm nhưng thoải mái;

         Hít một hơi khác dài hơn và thở ra chầm chậm mang theo những căng thẳng .

         Hít thở với nhịp bình thường; tập trung vào hơi thở và nhận biết lúc nào trẻ đang hít vào và thở ra.

Nghỉ giải lao một cách đều đặn trong giờ học ( Chia buổi học nếu dài trên 1 giờ ra làm hai và có ít nhất 5 phút giải lao ) hoặc nghỉ ngơi trước khi trẻ thấy mệt mỏi hay hoàn toàn mất tập trung để có thể duy trì khả năng tập trung một cách tốt hơn.

Tập những thói quen tốt

– Chọn cho các em một chỗ học tập thích hợp (ít người qua lại, có ánh sáng đầy đủ, hạn chế tiếng ồn, tạm thời rời xa ti vi, điện thoại,…) và chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho việc học.

– Giành một ít phút để thư giãn đầu óc và cơ thể (có thể thực hiện bài tập hít thở sâu) và tránh những hoạt động sôi nổi trước giờ học.

– Ngồi học ở một vị trí cố định và vào một thời gian nhất định. Thói quen học tập này sẽ giúp trẻ tạo được mối liên hệ về thời gian, không gian giữa việc học và tập trung. Chính mối liên hệ này giúp trẻ có thể bắt tay vào việc học ngay sau khi ngồi vào bàn học.

Khuyến khích các em huy động sự tham gia tích cực của các hoạt động và các giác quan vào việc học (sử dụng miệng, tay thay vì chỉ dùng mắt) để tâm trí trẻ không có cơ hội đi lang thang như dùng bút dạ quang làm nổi bật những từ, câu quan trọng; tự đặt và trả lời các câu hỏi; tóm tắt lại bài học bằng cách vừa vẽ sơ đồ ( Áp dụng các sơ đồ tư duy đơn giản ) vừa nói thành lời.

Dành thời gian để lo lắng

– Hãy giành cho các em một thời gian cụ thể mỗi ngày để nghĩ về những thứ có thể chen ngang sự tập trung của trẻ. Nghiên cứu khoa học cho thấy những người dành một thời gian nhất định để suy nghĩ và lo lắng thì thời gian lo lắng đó sẽ giảm đi 35 % sau bốn tuần. Vậy phụ huynh hãy hướng dẫn cho các em biết đặt một thời gian lo lắng cụ thể trong ngày, ví dụ từ 5:00 đến 5:30 chiều (không nên ngay trước khi đi ngủ vì thời gian này sẽ rất dễ lấn át giờ ngủ của các em).

– Hãy nhắc nhở và khuyến khích các em giữ lời hứa với bản thân mỗi khi đến giờ (thời gian lo lắng) và dừng ngay khi thời gian kết thúc.

– Tập cho trẻ thói quen mỗi khi bị phân tâm, trẻ hãy để suy nghĩ đó đi qua và nhắc nhở mình là đã có khoảng thời gian cho những suy nghĩ này rồi và sử dụng kỹ thuật “hãy tập trung” bên dưới.

Hãy tập trung

– Hướng dẫn trẻ biết cách phát hiện tâm trí mình đang đi lang thang, ví dụ đang ngồi trong lớp nghe giảng bài trẻ lại chợt nhớ sắp đến sinh nhật người bạn thân hay bạn nghĩ về trận đá banh sắp tới với lớp bên cạnh, trẻ hãy nói với bản thân “Hãy tập trung” để nhẹ nhàng đưa sự chú ý trở lại đúng vị trí của nó. Nếu tâm trí của bạn tiếp tục đi lang thang, các em hãy lặp lại “hãy tập trung” và đưa sự chú ý trở về.

– Thay vì cố gắng đẩy những suy nghĩ đặc biệt nào đó ra khỏi tâm trí (bằng cách này trẻ đã vô tình tạo điều kiện cho nó ở lại lâu hơn trong tâm trí mình) các em hãy để nó nhẹ nhàng trôi qua và nói với bản thân “hãy tập trung” và trở lại với thực tại.

– Thực hiện biện pháp này thường xuyên sẽ giúp trẻ duy trì sự chú ý được lâu hơn và tất nhiên tâm trí các em sẽ ít đi lang thang hơn.

Cứ bỏ qua

– Nhắc nhở các em rằng khi trẻ bị bắt buộc phải ngồi học trong một nơi ồn ào, có nhiều tác nhân dễ làm các em phân tâm như gần ti vi, có nhiều người qua lại, trẻ con chơi đùa, hay do một phần các bạn trong lớp ồn ào làm trẻ không học được… Vì không thể thay đổi được những tác nhân này nên trẻ đừng tức giận mà hãy tự nhủ “cứ bỏ qua” và cho phép nó như thế.

– Hãy hít vào một hơi thở thật sâu và đưa những căng thẳng, khó chịu ra ngoài cùng với hơi thở ra. Bạn hãy nói với bản thân “hãy tập trung” và đưa sự chú ý của bạn trở lại thực tại.

“Quay lại ngay bây giờ”

Phương pháp này nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra lại là cách khá hữu hiệu.

Nhắc nhở trẻ khi các em nhận thấy rằng những gì bạn đang nghĩ bị phân tán, hãy nói với chính mình: “Quay lại ngay bây giờ”. Rồi nhẹ nhàng kéo sự chú ý của mình về với vấn đề bạn đang suy nghĩ.

Chẳng hạn như: Trẻ đang học và em chợt nhớ tới một buổi đi chơi, hay là trẻ nhớ ra rằng mình đang đói hãy nói với chính mình: “Quay lại ngay bây giờ”ác em

Quay trở lại với công việc trẻ đang làm và tập trung vào công việc đó lâu nhất có thể. Khi bạn lại cảm thấy mất tập trung, hãy nhắc lại: ”Quay lại ngay bây giờ”. Rồi lại một lần nữa nhẹ nhàng kéo sự chú ý của mình về với vấn đề trẻ đang suy nghĩ.

Hãy cố gắng rèn luyện lặp đi lặp lại. Các em sẽ đạt được hiệu quả! Thay vì cố gắng để xua đuổi ý nghĩ về một cái gì đó, hãy chỉ đơn giản “quay lại” nghĩ về việc trẻ đang làm.

Trẻ có thể tập làm việc này cả trăm lần trong một tuần. Các em sẽ nhận ra rằng, mình càng ít bị mất tập trung hơn sau mỗi tuần. Vì vậy hãy kiên trì hướng dẫn và nhắc nhở. Các em sẽ có những tiến bộ rõ rệt.

Đừng đòi hỏi quá nhiều ở bản thân trẻ mà hãy cứ thoải mái trong tập luyện. Việc đó đã là quá đủ để chứng minh rằng các em đang cố gắng, và rằng trẻ đang đi đúng hướng. Sau những lần thành công và dĩ nhiên là cả thất bại, rốt cuộc thì việc luyện tập của trẻ cũng sẽ đạt được kết quả.

 

3. Tận dụng một cách đúng đắn năng lượng của trẻ.

Hãy xem xét con bạn, trẻ cảm thấy sung sức nhất khi nào? Các em tỏ ra trùng xuống nhất là lúc nào? Bởi vì có những em thuộc mẫu người “ Chim Sơn Ca” thì thường dậy sớm và có khả năng tốt nhất vào buổi sáng. Còn có những em thuộc mẫu người “ Chim Cú” thì lại tỏ ra sáng suốt vào buổi tối và thường ngủ trễ. Từ các biểu hiện về năng lực của từng loại trẻ, phụ huynh hãy tập cho các em biết cách học những môn học hoặc làm những việc khó vào những lúc trẻ thấy khỏe khoắn nhất. Còn vào những lúc trẻ trùng xuống? Hãy học những môn học hoặc làm những việc thấy hứng thú nhất vào lúc đó.

Phần lớn học sinh thường hoãn những môn khó học nhất tới tận chiều muộn, hoặc người lớn thì hoãn những việc khó đến cuối ngày. Lúc đó thì khó ai có thể tập trung được sau một ngày dài. Hãy làm ngược lại quy trình đó. Dành khoảng thời gian sung sức nhất của chúng ta để giải quyết những vấn đề khó nhất, và dành những việc dễ dàng thú vị cho những lúc các em trùng xuống. Chỉ riêng việc thực hiện “đúng giờ đúng việc” như thế cũng đã giúp các em tập trung hơn.

Cv,Tl Lê khanh

( Theo : Những kỹ năng học tập cần thiết của tổ chức CEEA )

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý