Hiểu đúng về Tự Kỷ
01/04/2015
Trẻ bị Tự Kỷ không phải do cách nuôi dưỡng của bố mẹ
03/04/2015
Hiểu đúng về Tự Kỷ
01/04/2015
Trẻ bị Tự Kỷ không phải do cách nuôi dưỡng của bố mẹ
03/04/2015

Hiện nay việc đưa các hoạt động giáo dục kỹ năng sống vào nhà trường đã dần dần trở nên phổ biến, nhưng để dạy như thế nào cho hiệu quả vẫn còn là một ẩn số và thách thức. Vì thế cũng cần có những hiểu biết, nhận định và đề xuất những biện pháp giáo dục KNS một cách tích cực.

 

Kỹ Năng Sống được hiểu như thế nào?

Nói một cách đơn giản thì KNS là những kỹ năng giúp chúng ta sống một cách an toàn, lành mạnh và sống có ích cho bản thân cũng như cho xã hội.

Theo WHO thì xem KNS bao gồm các kỹ năng trong 3 phạm trù là tâm lý – xã hội và giao tiếp, có thể học hỏi để ứng xử với các vấn đề trong cuộc sống – Con UNICEF cũng tương tự về phạm trù và cách ứng xử, chỉ bổ sung thêm đó là những hành động tạo ra những tác động đến môi trường xung quanh.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản, kỹ năng sống là những hành động xuất phát từ những điều mà con người đã được học hỏi nhằm ứng phó một cách hiệu quả với những tình huống hay tương tác một cách thích hợp với những người xung quanh.

Qua đó, việc giáo dục KNS dù đi theo chiều hướng nào, dù áp dụng các hình thức tổ chức hay bao gồm những nội dung nào trong hệ thống các giáo trình KNS được đề xuất trong các dự án, kế hoạch hay theo đề nghị của bộ Giáo dục thì điều then chốt của nó là phải có sự ứng dụng, có thể thực hành một cách thường xuyên trong cuộc sống.

Những KNS thiết yếu cho học sinh và sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Tại sao?

Theo đề xuất của bộ Giáo dục thì trong tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên , có các nhóm kỹ năng sống cần thiết cho HS – SV là :

  1. 1.Nhóm kĩ năng tự nhận thức:
  2. 2.Nhóm kĩ năng giao tiếp.
  3. 3.Nhóm kĩ năng suy nghĩ sáng tạo.
  4. 4.Nhóm kĩ năng ra quyết định.
  5. 5.Nhóm kĩ năng làm chủ bản thân.

Mỗi nhóm, trung bình có khoản 3 – 6 Kỹ năng, tổng cộng là 22 kỹ năng. .Ngoài ra cũng có những đề xuất cho 12 kỹ năng liên quan đến các phạm vi giao tiếp ứng xử, làm chủ bản thân, nhận biết về giới tính ..v.v nhưng nếu nói một cách chính xác thì đó là những kỹ năng mềm mà tùy theo nhu cầu và khả năng tiếp thu mà các em HS/SV sẽ được hướng dẫn.

Tuy nhiên, đó chỉ là những đề xuất mang tính lý thuyết, còn vận dụng vào thực tế như thế nào, dạy cho các em HS từ mẫu giáo, tiểu học lên đến trung học cơ sở, trung học phổ thông và cả SV như thế nào thì vẫn là điều chưa thể xác định, bởi còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ chủ quan đến khách quan, từ sự quan tâm của bản thân các em, gia đình các em cho đến nhà trường và địa phương của các em nữa. Nó cũng còn tùy vào nhu cầu và mục đích của nhà trường, tùy vào thời gian cho phép để tổ chức và điều quan trong nhất là tùy vào năng lực của người đứng ra tổ chức các hoạt động này.

Vì vậy mà cho đến nay, việc đưa ra những giáo án mẫu, những kỹ năng chuẩn để hướng dẫn các em HS vẫn không thể thực hiện vì điều đó còn tùy vào từng địa phương, từng quan điểm về KNS nơi các nhà quản lý các cấp trong ngành giáo dục khi chấp nhận các giáo án hay chủ đề của đơn vị cung cấp chương trình GD KNS

Nói cách khác, là hiện nay việc xây dựng các chương trình giáo dục KNS là dựa vào các nhu cầu thực tế của địa phương thông qua các đơn vị cung cấp các chương trình GD KNS được “đo ni đóng giầy” cho vừa với yêu cầu của thực tế, cố gắng đưa vào đó những kỹ năng sống được cho là thiết yếu dưới nhiều hình thức khác nhau.

Vì thế cũng khó có thể đưa ra những kỹ năng nào là cần thiết cho các em HS SV một cách chính xác và cụ thể trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai. Tuy nhiên, với những gì chúng tôi đã làm và đang xây dựng, cũng xin đưa ra một số các đề xuất như sau :

Có 3 nhóm kỹ năng chính là :

Nhóm kỹ năng tự nhận thức – Các em cần được xây dựng cho mình 3 yếu tố quan trọng : Tự giác – tự chủ và tự tin . Các em cần nhận biết về giá trị bản thân để vừa có lòng tự tôn về chính mình vừa có lòng tự hào về con người Việt Nam, đất nước Việt Nam của mình. Có tính linh hoạt, biết tư duy sáng tạo và có sự tự trọng về các kiến thức mà mình có được do khả năng học tập chứ không phải là sao chép !

Nhóm kỹ năng Giao tiếp – Ứng xử ; Các em cần phải xây dựng các thói quen tốt trong cách chào hỏi, cách nói lời cám ơn, xin lỗi, xin phép để trở thành một hành vi phản xạ, chứ không chỉ là các hình thức xã giao bên ngoài. Các em cũng phải biết trình bầy một lá thư, một cái đơn về một vấn đề gì đó , biết ứng xử với sự tôn trọng những người thân trong gia đình và với những thành phần khác nhau ngoài xã hội. Biết tổ chức và tham gia các lễ hội, các buổi tiệc bên ngoài một các lịch sự.

Nhóm kỹ năng bảo vệ bản thân : Biết các yếu tố nguy cơ, biết xử lý các tình huống đem lại an toàn cho bản thân , biết sử dụng những công cụ phục vụ cho đời sống , biết đạp xe đạp, biết sửa các hư hỏng đơn giản của xe đạp, xe gắn máy, các hư hỏng điện nước trong nhà, biết nấu cơm, làm bếp và các biện pháp sơ cấp cứu. Biết về an toàn tình dục và có ý thức về tình cảm, tình yêu.

Đây chính là ba nhóm kỹ năng thiết yếu mà các em cần phải được hướng dẫn và rèn tập.cho các em HS từ tiểu học đến trung học, được sắp xếp tùy theo cấp lớp để đưa vào bằng các hoạt động thực tiễn.



Những điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo tính khoa học, chuyên nghiệp và có chất lượng đối với các nhà cung cấp chương trình đào tạo/ giáo dục KNS?

Để trở thành một nhà cung cấp chương trình đào tạo hay giáo dục Kỹ năng sống, như đã nói, điều đầu tiên là phải có sự cộng tác của các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý giáo dục. Trong hoàn cảnh hiện nay thì các chuyên gia này thường là giám đốc hay có trong vai trò trong ban giám đốc. Điều đó bảo đảm được tính chủ động và linh hoạt trong việc xây dựng chiến lược cho đơn vị cũng như thích nghi với hoàn cảnh của địa phương, yêu cầu của các cơ quan quản lý giáo dục, cụ thể là với các trường học.

Điều thứ hai là đơn vị đó phải hình thành được một bộ khung giáo trình hoàn chỉnh, dựa trên các đề xuất hay yêu cầu của ngành giáo dục hoặc có thể do chính môi trường mà đơn vị đó đang hoạt động. Bộ khung này dựa trên các kỹ năng cơ bản, nhưng triển khai như thế nào, với liều lượng ra sao, dưới hình thức nào thì phải có sự chủ động khi thiết kế cũng như khi thực hiện. Nói cách khác, đó là chương trình gốc do chính chuyên gia hay nhóm các chuyên viên kỹ năng sống của đơn vị đó biên soạn, triển khai và có khả năng đưa vào hiện thực một cách cụ thể, hiệu quả cho đơn vị mình, chứ không phải chỉ là những chương trình Kỹ năng sống lấy từ các tài liệu trên mạng , hoặc dựa vào một nội dung nào đó mà mình mua lại từ một đơn vị khác hay của một chuyên gia bên ngoài đơn vị mình. Điều đó sẽ không bảo đảm được tính chủ động và linh hoạt trong việc thực hiện, hay nói khác đi, đơn vị của mình qua hoạt động đó thể hiện như một đơn vị kinh doanh bằng chất xám của người khác mà mình chỉ là môi giới để thực hiện chứ không phải là một đơn vị giáo dục .

Điều thứ ba là cơ sở nền tảng của chương trình mà đơn vị triển khai cần dựa trên các yếu tố vũng chắc từ sự phát triển tâm sinh lý theo lứa tuổi của các em học sinh, đến cơ sở lý luận của các phương pháp sư phạm và với những giá trị thực tiễn phù hợp với nhu cầu cuộc sống. Điều này là một điểm khác biệt với các nội dung giáo dục đang triển khai trong nhà trường với các môn học, các bài học của các cấp lớp được áp dụng thống nhất trong mọi vùng miền của đất nước. Còn với hệ thống giáo dục kỹ năng sống thì phải có sự cân nhắc, chọn lọc các nội dung sao cho phù hợp với các đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau, các khu vực xã hội khác nhau. Bởi điều quan trọng, kỹ năng sống không phải là các kiến thức mang tính lý thuyết mà các em phải học, mà kỹ năng sống là những hành động thực tiễn mà các em bộc lộ ra trong các sinh hoạt hàng ngày tại môi trường sống của các em.

Những gợi ý mang tính định hướng cho hoạt động đào tạo/ giáo dục KNS trong và ngoài trường học hiện nay?

Trong khuôn khổ nhà trường :

Nội dung các kỹ năng sống được thực hiện theo các chủ đề, chủ điểm hàng tuần được thực hiện như một hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Hình thức và nội dung có sự khác biệt tùy theo các đơn vị thực hiện các hoạt động này .

Nội dung các kỹ năng sống được hướng dẫn như một môn học với các bài tập thực hành, được triển khai hàng tuần trong giờ học do chính các giáo viên trong trường thực hiện với điều kiện là các giáo viên này phải am hiểu về các kỹ năng giảng dạy và hướng dẫn các em thực hiện các bài tập trong lớp.

Nội dung các kỹ năng sống được tích hợp vào các môn học, không triển khai một giờ riêng và giáo viên phải am hiểu kỹ năng tích hợp này. Trên thực tế thì tại nhiều địa phương, dù không nói là tích hợp, nhưng có nhiều GV cũng đã đưa các ý nghĩa, giá trị và các biện pháp giáo dục chủ động cho HS mình áp dụng, và được xem là một hoạt động tích hợp, nhưng thực sự là hiệu quả không cao vì nhiều hạn chế từ chủ quan đến khách quan.

Ngoài các hình thức trên còn có các buổi sinh hoạt cho tất cả các em HS, dưới hình thức câu chuyện dưới cờ, cũng được xem là một hình thức giáo dục kỹ năng sống và có một hình thức khác là đưa vào nhà trường một chủ đề kỹ năng sống nào đó và hướng dẫn cho tất cả các em, hay các em HS một số khối lớp dưới sân trường. Các hoạt động về hình thức thì hấp dẫn và dễ thực hiện, nhưng hiệu quả gây những tác động đến các em HS thì không cao, nhất là nếu được triển khai lâu lâu một buổi, thì chỉ có giá trị tuyên truyền chứ không đạt hiệu quả về sự cảm nhận và không có giá trị thực hành.

Ngoài khuôn khổ nhà trường :

Các em HS được hướng dẫn kỹ năng sống khi tham gia một cách tự nguyện vào các tổ chức giáo dục thanh thiếu niên như các câu lạc bộ, đoàn Hướng đạo, đoàn Sao Bắc Đẩu… Đây là một hình thức giáo dục KNS có hiệu quả và giá trị cao, nhưng điều này tùy thuộc vào những biện pháp giáo dục, tác động đến các em HS như thế nào, xây dựng các ý thức và giá trị sống ra sao cũng như đòi hỏi một đội ngũ rất nhiều các GV hướng dẫn. Nhưng tất cả GV đều phải trải qua những kỳ huấn luyện, những chương trình đào tạo nghiêm nhặt thì mới có thể đem lại hiệu quả cho các mục tiêu giáo dục KNS của từng đơn vị.

Các lớp kỹ năng sống được tổ chức theo từng khóa ngắn hạn hay trung hạn, tập trung vào một số chủ điểm do các trung tâm giáo dục kỹ năng sống tổ chức. Có những lớp kỹ năng sống đã trở nên một hoạt động định kỳ, mỗi khi hè đến lại tổ chức như chương trình Học kỳ Quân Đội. Có những lớp thực hiện theo từng khóa ngắn hạn vào cuối tuần…. Nhưng đòi hỏi nhưng chuyên đề đáp ứng được nhu cầu xã hội và khả năng tổ chức chuyên nghiệp.

Như vậy, chúng ta đã thấy một thực tế là các nội dung giáo dục KNS được tổ chức hết sức đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau, và mỗi hình thức đều có cái hay, cái dở, cái được, cái chưa được… điều này tùy thuộc rất nhiều vào đội ngũ các giáo viên, các chuyên viên huấn luyện, các huynh trưởng của các em phải vừa có kỹ năng, vừa có tấm lòng yêu trẻ và phải dựa trên một nền tảng của một giáo trình kỹ năng sống có tính khoa học và phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý của các em học sinh.

Có hai hoạt động giáo dục KNS nên được tổ chức một cách bài bản và hoàn thiện . Đó là :

          Cho các em tham gia các hoạt động giáo dục KNS thông qua các tổ chức đoàn thể sinh hoạt ngoài trời như phong trào Hướng Đạo, Đoàn Sao Bắc Đẩu , các Câu lạc bộ kỹ năng

          Đưa giáo dục KNS vào trong nhà trường thông qua các buổi sinh hoạt giáo dục ngoại khóa – ngoài giờ lên lớp với một giáo trình đảm bảo tính khoa học và hiệu quả.

Còn đối với các hoạt động giáo dục KNS do các đơn vị trung tâm giáo dục KNS triển khai ngắn hạn thì có thể tổ chức vào mùa Hè để tạo thêm cho các em những sân chơi lành mạnh , bổ ích nhưng phải chú trọng đến yếu tố thực hành, mang tính định hướng chiến lược chứ không nên là các hoạt động chú trọng đến hình thức, mang tính cưỡi ngựa xem hoa với một mức phí cao mà hiệu quả lại thấp.

Tất cả các định hướng đó thực sự đã và đang diễn ra, chỉ cần có sự đầu tư về chất lượng hơn nữa, chú ý đến những giá trị đích thực và phải có một đội ngũ giáo viên, chuyên viên kỹ năng sống có kinh nghiệm thực tiễn để có thể dẫn dắt các em HS một cách hiệu quả, để hỗ trợ cho nhà trường trong việc giáo dục một thế hệ không chỉ biết học mà còn biết thực hành và am hiểu các điều mình đã học để có thể hòa nhập với một xã hội văn minh và tiến bộ trong thế kỷ 21 này.

 

Cv Tl Lê Khanh

PGĐ chuyên môn Trung tâm  Rồng Việt Vũng Tàu.

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý