Cô Bán hàng mỹ phẩm ở Seoul
15/10/2014
Giúp trẻ phát triển khả năng tập trung
01/11/2014
Cô Bán hàng mỹ phẩm ở Seoul
15/10/2014
Giúp trẻ phát triển khả năng tập trung
01/11/2014

Khả năng tập trung trong việc học là điều quan trọng giúp cho các em HS phát triển. Đài TH Bà Rịa Vũng Tàu đã có một buổi trao đổi với thày Lê Khanh – P.GĐ Trung Tâm Rồng Việt Vũng Tàu về việc này tại văn phòng Trung tâm ngày thứ Ba 14/10/2014.

 

Câu 1: Thưa thầy, tinh thần, thái độ học tập ảnh hưởng như thế nào đến kết quả học tập của chúng em ạ?

Có thể nói, yếu tố tinh thần hay thái độ học tập có một vai trò quan trọng, góp phần vào việc giúp cho các em HS nâng cao năng lực học tập. Đó là một trong ba yếu tố nền tảng mà các HS cần phải có là :

          Sự quan tâm, hứng thú học tập ( Yếu tố tinh thần )

          Kỹ năng, phương pháp học tập ( yếu tố kỹ năng )

          Sức bền, khả năng ổn định về sức khỏe ( yếu tố thể chất )

Như vậy, để nâng cao năng lực học tập, các em HS phải biết mục tiêu của việc học : Chúng ta học để làm gì ? việc học sẽ giúp ích gì cho bản thân và gia đình và các em hãy tìm ra cho mình những niềm vui trong học tập thông qua việc giao tiếp tốt với bạn bè, thầy cô và có một môi trường học tập lành mạnh.

Câu 2: Thầy ơi, nhiều bạn nói rằng, đã bước vào năm học mới được hơn 1 tháng, mặc dù rất chăm chú nghe thầy giảng bài nhưng vẫn khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng. Nguyên nhân do đâu ạ?

Thông thường, ta chỉ chú ý những điều chúng ta thích, chỉ quan tâm đến những điều chúng ta muốn, bởi vậy để nâng cao khả năng tiếp thu bài, chúng ta cần phải biết mình có khả năng tốt nhất trong môn nào ( môn Văn hay môn Toán ) Từ đó hãy tập trung sự hứng thú và năng lực của mình vào môn mình giỏi hơn. Điều này sẽ dễ hơn là phải tập trung vào môn mình kém hơn. Từ việc nâng cao được khả năng học tập trong môn học mà mình giỏi, các em sẽ dần dần có thêm sự tự tin và năng lực để tiếp tục quan tâm đến môn mình kém hơn.

Điều thứ hai, chúng ta thường học bài theo cách đối phó, nghĩa là chỉ đến khi vào lớp khi thầy cô giảng đến bài nào, thì chúng ta mới bắt đầu học đến bài đó, và đa phần chỉ cố học cho thuộc chứ không học để hiểu và có thể vận dụng. Vì vậy, chúng ta nên xem và tìm hiểu bài học trước khi thầy giảng đến, từ đó chúng ta cần phải biết cách đặt ra những câu hỏi về những điều mà ta chưa hiêu. Khi thầy giảng, chúng ta nên mạnh dạn đưa ra một vài câu hỏi, để bổ sung vào sự hiểu biết của mình về bài học đó. Như thế chúng ta sẽ dễ tập trung hơn trong việc tiếp thu bài giảng.

Chúng ta nên nhớ rằng, sự tập trung có thể có nguyên do từ khả năng của hệ thần kinh. Có nhiều bạn có yếu tố của chứng Hiếu động kém chú ý ( ADHD) ở mức độ nhẹ. Các bạn này không có khả năng để tập trung trong việc học bài, làm bài và cả các việc khác tại gia đình. Vì thế nếu một HS mà mất tập trung trong một thời gian dài, thì gia đình cần đưa em đi để thăm khám, chẩn đoán về trạng thái tâm lý , phát hiện sớm những khó khăn về khả năng tập trung để từ đó có những biện pháp can thiệp phù hợp. Trong trường hợp chỉ mất tập trung trong một số buổi, một vài môn học… thì chúng ta cần xem lại 3 yếu tố như đã nêu : Em đã xác định được mục tiêu học tập chưa ? em có biết kỹ năng học tập như thế nào cho dễ nhớ, dễ hiểu hơn không ? và sức khỏe của em hôm đó ra sao ? có mệt mỏi, nhức đầu, đau bụng gì không ? vì nếu cơ thể của chúng ta mà trục trặc, thì đầu óc cũng rất khó mà tập trung để học bài cho được.


 

Câu 3: Thưa thầy, có bạn lại cho rằng do môn học không thú vị, phương pháp giảng bài của giáo viên không hay nên không thể tập trung tiếp thu bài giảng. Ý kiến của thầy như thế nào ạ?

Dĩ nhiên là không thể có trường hợp mà bất cứ môn học nào cũng có những giáo viên giỏi, có phương pháp giảng dạy thú vị. Hơn nữa điều này còn liên quan đến việc chúng ta có năng lực, có sự quan tâm về môn học nào ? Chúng ta thường chỉ chú ý đến những môn mà mình thích, chính điều đó góp phần vào việc tạo hứng thú và sự tập trung của mình.

Vì vậy, trong trường hợp giáo viên giảng không hay, thì chúng ta có thể tự mình tìm hiểu thêm về nội dung bài học, các thông tin liên quan đến bài học để bổ sung thêm sự hiểu biết mà có thể do thầy chưa đề cập đến. Nói cách khác, chúng ta hãy học tập một cách chủ động hơn là chỉ đợi đến khi thầy giảng hấp dẫn, vui vẻ thì mới có hứng thú học tập.

Các em cũng lưu ý, khả năng tập trung của chúng ta cũng có mức độ và dễ chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài. Vì vậy, ngay tại lớp học, chúng ta cũng không nên nói chuyện riêng, nghịch ngợm, chọc phá bạn bè để tạo ra một không gian học tập ồn ào, nhốn nháo. Nếu mỗi người trong lớp đều biết chủ động giữ yên lặng khi giáo viên giảng bài thì sẽ giúp cho khả năng tập trung được cao hơn.

 

Câu 4: Vậy, chúng em phải khắc phục tình trạng mất tập trung khi đang học trên lớp cũng như việc học bài, làm bài ở nhà như thế nào ạ?

Để nâng cao năng lực tập trung, chúng ta phải có sự sắp xếp tổ chức việc học tập ở nhà một cách khoa học, có thứ tự, có giờ học, giờ chơi, ăn, nghỉ và phụ giúp việc nhà. Chúng ta đừng xem thường các hoạt động giúp gia đình trong các việc lặt vặt như xếp dọn phòng, gấp quần áo, phơi quần áo, dọn cơm …chính những hoạt động đó cũng giúp cho chúng ta vừa giải tỏa bớt sự căng thẳng về áp lực học tập, vừa giúp nâng cao khả năng tập trung hơn.

Bên cạnh đó chúng ta cần biết các phương pháp học tập hiệu quả như phương pháp học đa giác quan, phương pháp học qua sơ đồ tư duy… đây không phải là những phương pháp cao siêu, khó hiểu.. cần phải đi học bên ngoài, mà bản thân mỗi học sinh hay phụ huynh các em đều có thể tìm hiểu và ứng dụng để giúp cho các em có những kỹ năng học tập tốt hơn.

Việc tham gia các hoạt động giáo dục nhân cách và kỹ năng sống cũng là một yếu tố để giúp các em nâng cao sự tự tin, biết cách làm việc nhóm và phát triển các năng lực cá nhân, hỗ trợ cho khả năng học tập, chứ không phải là tiếp tục nhồi nhét, hay đối phó bằng việc giải quyết 100% các bài tập về nhà ở các trung tâm Bồi dưỡng văn hóa. Những hoạt động học thêm ngoài giờ một cách quá mức đ6i khi đem lại những hậu quả xấu cho tâm lý các em chứ không phải giúp cho các em phát triển khả năng năng học tập.

Câu 5: Thầy ơi, thầy có nhắn nhủ điều gì tới các bạn học sinh trong việc duy trì sự tập trung để học tập tốt ạ?

Các em và các phụ huynh cần xác định được động cơ học tập, không phải là học để đạt danh hiệu HS Giỏi bằng mọi cách, không phải để lấy được tấm bằng tốt nghiệp … mà là học để phát triển nhân cách, tăng cường kỹ năng, học hỏi kiến thức để từ đó có được một động cơ học tập tích cực. Ngoài ra, một thời khóa biểu hợp lý cần đối giữa việc học, việc nghỉ ngơi, giải trí và tham gia các hoạt động trong gia đình cũng như ngoài xã hội, cũng là một cách tạo cho các em một sự quân bình về tâm lý và thể chất, để có thể bảo đảm được khả năng học tập lâu dài. Bất cứ một áp lực học tập nào, một thời khóa biểu học tập từ sáng đến tối nào cũng không phải là một giải pháp tốt cho việc cải thiện khả năng tập trung, nâng cao năng lực học tập cho các em học sinh.

Chúng ta học là để có sự hiểu biết, có kiến thức để vận dụng vào thực tế và có năng lực để định hướng được tương lai. Đó mới là mục tiêu tốt nhất cho việc học của các em.

Lê Khanh

TT Rồng Việt Vũng Tàu.

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý