Phân biệt dấu hỏi ngã trong Tiếng Việt
10/06/2013
Một nền giáo dục tuyệt vời
17/06/2013
Phân biệt dấu hỏi ngã trong Tiếng Việt
10/06/2013
Một nền giáo dục tuyệt vời
17/06/2013

Có rất nhiều các phương pháp giáo dục khác nhau, có những phương pháp dựa trên nền tảng lý luận chắc chắn, hay dựa trên các trường phái tâm lý đã được trải nghiệm. Nhưng cũng có nhiều phương pháp rất mơ hồ hay lạ lùng, không có cơ sở lý luận mà chỉ là những kinh nghiệm trên thực tiễn hay những biện pháp màu mè, tốn kém.

Vì thế, điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần có tham khảo và cộng tác với các nhà chuyên môn hầu xây dựng một phương pháp phù hợp với tình trạng của con em mình

1.Chăm sóc trẻ Chậm nói :

Với những trẻ chậm nói, bố mẹ thường cho rằng trẻ không thích nghe, không hiểu câu nói của mình, nên đã không tiếp tục trò chuyện, tạo nhiều cơ hội giao tiếp bằng lời nói, tiếp xúc qua làn da để tạo sự “thấu cảm” với trẻ. Điều đó lại càng làm cho những buổi “tập nói” trở nên khó khăn và nặng nề hơn, vì thế phụ huynh cần biết rõ các nguyên tắc sau đây :

Trong việc tập nói cho trẻ, ta cần dùng nhiều công cụ khác nhau như :

 

  • Dùng con rối, búp bê, tranh ảnh, các món đồ chơi tượng hình (Con thú, đồ vật, dụng cụ )
  • Dùng các món đồ thật (ly, chén, muỗng, khăn, banh … ) không bể, vỡ gây nguy hiểm.
  • Dùng các tranh ảnh kết hợp với các câu chuyện kể hay các bài hát ru, bài vè, đồng dao với các trò chơi.và một số phương tiện máy móc (Máy ghi âm. Băng dĩa, phần mềm vi tính…)

Các phương tiện này được sử dụng với các nguyên tắc sau đây:

  • Ngắn gọn, sinh động, lập lại thường xuyên với sự thay đổi hình thức, cách diễn tả.
  • Giới thiệu với những câu nói đơn giản, có các từ cụ thể
  • Trẻ được tham gia tích cực, được quyền “lái” câu chuyện theo ý mình, khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, kích thích trí tò mò nơi trẻ.

Khi trẻ đã có một hiểu biết kha khá, ta có thể chơi trò đoán vật, nhớ vật để gia tăng khả năng hình dung cho các em theo các bước sau:

  • Bỏ các vật vào trong một cái túi
  • Cho trẻ thò tay vào cầm lấy vật và đoán (không được thấy ).
  • Cho trẻ nhìn vật bên ngoài túi (chỉ thấy một phần nổi lên) và phải đoán ra là vật gì

Chúng ta có thể bầy trên bàn từ 3 – 5 vật khác nhau rồi lấy khăn che đi, sau đó giở ra cho trẻ xem, rồi đậy lại yêu cầu trẻ nhớ lại và đoán (nói đúng tên món đồ)

Buổi tối nên có giờ kể chuyện cho trẻ nghe, bước đầu có thể là rất khó, dễ gây sự chán ngán cho bố mẹ khi trẻ tỏ ra chẳng chú ý gì vào câu chuyện, vì vậy những câu chuyện nên có sự kết hợp với tranh ảnh, với con rối, búp bê cho thêm phần sinh động và không quá dài ( tối đa khoảng 5 phút).

       Nên có những câu chuyện mang tính mô tả, mà trong đó trẻ là nhân vật chính.( Có thể dựa vào một câu chuyện tranh, ta thay đổi nhân vật chính trong chuyện bằng trẻ ). Các phương tiện máy móc, nếu biết sử dụng một cách khéo léo, hợp lý thì cũng tạo ra những hiệu quả tốt, nhưng điều quan trọng là bố mẹ luôn phải là người tham gia, hướng dẫn , nhắc nhở, kích thích sự quan tâm của trẻ, động viên trẻ có những phản ứng lại. Việc bỏ mặc trẻ với các phương tiện nghe nhìn (TV/Vidéo) là một điều hết sức tai hại.


2.Chăm sóc trẻ đặc biệt

Trẻ đặc biệt là những trẻ có tình trạng rối nhiễu và có khó khăn về giác quan và khả năng giao tiếp, điều này thường được phát hiện sớm các vấn đề của các em nếu có sự quan tâm, từ đó có thể đưa ra những kế hoạch chăm sóc ngay từ khi sinh ra, thậm chí trước khi sinh ra, tại sao lại phải như vậy ?

Chăm sóc tốt trước khi sinh: Việc chăm sóc tốt cho trẻ hay đúng hơn là cho thai nhi sẽ góp phần làm giảm thiểu tình trạng khó khăn của trẻ rất nhiều, thậm chí điều đó sẽ ngăn cản việc hình thành các vấn đề về tâm lý và những trở ngại về phát triển sau này của trẻ. Khi có thai, bạn nên có những sự thăm khám đều đặn và theo đúng các hướng dẫn của bác sĩ. Có chế độ ăn uống quân bình, lành mạnh và tránh việc dùng thuốc càng nhiều càng tốt, không sử dụng rượu, bia thuốc lá và nhất là cần giữ một tâm lý bình ổn lạc quan, điều đó sẽ góp phần tích cực để tạo ra một thai nhi lành mạnh.

Xây dựng một tập thể xung quanh: Việc chăm sóc trẻ là một công việc nặng nhọc và nhàm chán nếu bạn phải làm một mình, hãy xây dựng một tập thể xung quanh bạn, ông bà, vợ chồng, những người trong họ hàng, hay những câu lạc bộ của các bố mẹ có con có tình trạng như con bạn, là những nhân tố tích cực trong việc hình thành một tập thể có khả năng nâng đỡ cho bạn rất nhiều. Ngay cả các nhà chuyên môn mà bạn đã tìm đến để thăm khám cho trẻ cũng là những người mà bạn nên có sự nối kết và những trao đổi thường xuyên sẽ góp phần tích cực cho việc giáo dục trẻ.

Tương tác với con bạn một cách hợp lý: Đây là một vấn đề dễ gây những ngộ nhận cho bố mẹ, vì việc không có thì giờ chăm sóc đến con là một yếu tố trong việc phát triển những rối nhiễu tâm lý. Vì thế, có những phụ huynh dù biết rằng việc tương tác với con là điều cần thiết, nhưng do công việc, nhu cầu kiếm sống họ đã không thể có những thu xếp thích hợp vì họ cho rằng đó là điều rất tốn kém thời gian. Lại có những phụ huynh khác thì lại bỏ hết công ăn chuyện làm, nhất là các bà mẹ để suốt ngày quanh quẩn bên con, họ ôm ấp đứa con quá mức trong việc làm thay cho trẻ, điều này vô tình lại hạn chế những khả năng phát triển mà đứa trẻ cần đạt được bằng sự nỗ lực của bản thân. Vì vậy, việc dành cho con một số giờ thích hợp trong ngày để tạo ra sự tương tác tích cực là điều mà bố mẹ cần hết sức quan tâm. Bạn có thể trao đổi với các nhà chuyên môn để tìm kiếm một phương pháp phù hợp trong khoản thời gian dành cho con.

Xây dựng những nguyên tắc và luật lệ : Việc chăm sóc con là một quá trình kéo dài, có khi từ năm này qua năm khác vì vậy cần có những nguyên tắc và luật lệ rõ ràng, nó không những giúp trẻ biết được những yêu cầu mà trẻ cần đạt được và những giới hạn để nó không thể vượt qua, mà còn có thể giúp cho các phụ huynh kiểm soát được mức độ mà mình dành cho trẻ, giúp cho họ có sự ổn định trong việc tiến hành việc giáo dục cho trẻ.

Chúng ta cũng nên biết rằng, việc nuôi dưỡng một trẻ có nhu cầu đặc biệt sẽ có những tác động nhất định lên môi trường gia đình, đó là những áp lực mạnh mẽ lên các mối tương giao của các thành viên gia đình, đó vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của những tan vỡ gia đình. Có những bất hòa, mâu thuẫn trong cách nuôi dạy và cả những tốn kém thái quá cũng có có thể dẫn đến những cãi vã, lo lắng và căng thẳng trong quan hệ giữa bố mẹ. Vì vậy, việc chăm sóc giáo dục trẻ không chỉ là những biện pháp tập trung vào trẻ, mà còn bao gồm cả những biện pháp tạo ra bầu khí lành mạnh và những phương pháp nâng đỡ thể chất và tinh thần cho chính bố mẹ của trẻ.

Kỹ Thuật hướng dẫn trẻ học tập: Giáo dục trẻ đặc biệt bằng những bài tập ở nhà là một việc hết sức vất vả nhưng cần thiết, tuy nó không đòi hỏi những kỹ thuật đặc biệt nhưng một phương pháp đúng đắn, sự kiên nhẫn, vui vẻ và nhất quán là những yếu tố không thể thiếu trong một chương trình học tập tại gia đình.

            Tuỳ theo tình trạng và khả năng của trẻ, mà phụ huynh với sự hướng dẫn của nhà chuyên môn, có thể xây dựng một chương trình phù hợp, cho từng mức độ khó khăn khắc nhau của trẻ

            Nhưng dù cho đặt trọng tâm vào một chủ điểm nào đi nữa, một chương trình học tập tại gia đình cần có những điểm chung sau đây:

  1. 1.Tính tiệm tiến: Chúng ta cần ý thức, một chương trình giáo dục là một kế hoạch lâu dài từ năm này qua năm khác, vì vậy không thể thúc đẩy để rút gọn hay chồng chất những mục tiêu khác nhau lên trong những bài tập đa dạng. Chương trình phải tiến hành từng chút một, qua từng giai đoạn, giải quyết từng mục tiêu một cách nhẹ nhàng và bền bỉ.
  2. 2.Tính nhất quán : Phải xác định được mục tiêu cần đạt trong một ngày, trong một tuần, trong một tháng và kiên quyết tập trung vào mục tiêu đó bằng một số biện pháp ( Trò chơi, hình vẽ, bài hát… ) giống nhau từ đầu cho đến khi có thể đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn chúng ta cũng có thể linh động điều chỉnh, thay thế một số công cụ, thời gian hay cách tiếp cận cho phù hợp, nhưng khi đã xác định mục đích cần đạt, thì đó là điều không thay đổi.
  3. 3.Tính liên tục: Thông thường, trong giai đoạn đầu của kế hoạch giáo dục, các bậc cha mẹ thường rất hăng hái trong việc tập luyện cho con mình, nhưng sau một thời gian sẽ có những ngày bận rộn, mệt mỏi cha mẹ và sẽ bỏ qua một vài buổi tập luyện vì cho rằng, điều đó chắc không ảnh hưởng gì đến cà một chương trình dài dằng dặc. Nhưng việc bỏ qua một vài buổi học sẽ là khởi điểm cho việc bỏ qua ngày càng dài hơn, đôi khi hàng tuần lễ và điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ trở lại vạch xuất phát dù cho đã tiến hành được cả một năm rồi !
  4. 4.Tính đơn giản: Một kế hoạch càng rõ ràng, càng đơn giản sẽ càng cho hiệu quả cao vì điều đó giúp cho cả người hướng dẫn lẫn đứa trẻ dễ tập trung vào nội dung và nắm bắt một cách nhẹ nhàng. Chúng ta sẽ sử dụng những công cụ đơn giản, những lời hướng dẫn ngắn gọn, và trong một không gian học tập êm ả, một bàn học không có gì khác ngoài bài tập trước mặt, đó là những điều đơn giản mà nhiều khi chúng ta không chú ý khiến cho trẻ bị mất tập trung, và chúng ta lại cho rằng đó là do sự thiếu cố gắng hay năng lực yếu kém của trẻ.

Bên cạnh các yếu tố cơ bản trên, việc giáo dục trẻ cần có sự hợp tác tích cực, không chỉ là giữa trẻ và người hướng dẫn, mà cón là giữa bố mẹ với nhau, hay giữa bố mẹ với giáo viên tập luyện, mọi kế hoạch mọi ý tưởng đều cần được bàn bạc, trao đổi rốt ráo. Có thể có những tranh luận trong giai đoạn này, nhưng khi đã đưa ra được một chương trình, thì mọi người đều cùng thực hiện hay áp dụng các yêu cầu như nhau, có những trao đổi hay hướng dẫn trẻ giống nhau và theo chiều hướng tích cực.

3.Chăm sóc trẻ Rối nhiễu tâm lý

Trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ rối nhiễu tâm lý, thì cha mẹ phải được xem là những giáo viên chính vì họ có điều kiện tiếp xúc và giao tiếp hầu như cả ngày với trẻ. Việc đưa trẻ đến các bệnh viện, các trung tâm giáo dục đặc biệt chỉ chiếm một thời lượng rất ít, vì vậy chủ yếu là dành để kiểm tra sự tiến bộ của trẻ, giải đáp những thắc mắc, hay điều chỉnh, hướng dẫn thêm những kỹ thuật mới mà cha mẹ có thể tiếp tục vận dụng cho con mình trong các kế hoạch áp dụng tại gia đình. Vì vậy, cha mẹ cần nắm vững các kỹ thuật dưới đây:

Một chương trình giáo dục hiệu quả cần đáp ứng các yêu cầu sau:

  1. 1.Nguyên tắc từng bước một: Các công việc hàng ngày đối với chúng ta và ngay cả đối với trẻ bình thường cũng rất đơn giản, nhưng với trẻ rối nhiễu tâm lý thì lại rất phức tạp, vì trẻ không có khả năng phân tích và tổng hợp. Vì thế bất cứ một hoạt động nào cũng cần chia ra từng bước một và tiến hành hướng dẫn cho trẻ từ những bước đơn giản nhất, chỉ khi nào trẻ làm được, mới tiến lên bước kế tiếp.
  2. 3.Nguyên tắc Tự làm: Đây là nguyên tắc quan trọng, trẻ chỉ có thể đạt được các khả nang khi có thể tự làm, vì thế việc hướng dẫn trẻ phải luôn nhắm đến mục đích sao cho trẻ có thể tự làm, dù không thể làm tốt nhưng phải để trẻ có cố gắng trong việc tự hoàn thiện.
  3. 4.Nguyên tắc về sự ổn định, thói quen, nghi thức: Một đứa trẻ bình thường khi phải sống trong một môi trường luôn xáo trộn, bừa bãi đồ đạc và những giờ giấc sinh hoạt lộn xộn thì rất khó có thể tập được những thói quen tốt về tính ổn định hay ngăn nắp huống chi lại là một trẻ bản chất đã bất ổn ? Vì vậy việc tổ chức một môi trường ngăn nắp , ít nhất là trong căn phòng của trẻ hay một khu vực nào đó, với những nghi thức, thói quen mang tính ổn định là điều cần phải đặt ra.
  4. 5.Nguyên tắc về vận dụng Giác quan: Cần phải giúp trẻ có thể vận dụng càng nhiều giác quan trong việc học tập càng tốt, trẻ cần được nghe, nhìn, ngửi, nếm, sờ vào các dụng cụ, đồ vật khi học tập các kỹ năng trong cuộc sống.
  5. 6.Nguyên tắc về tính cá nhân: Sự phát triển của trẻ không trẻ nào giống trẻ nào, vì thế kế hoạch giáo dục, chăm sóc trẻ phải là một kế hoạch giáo dục cá nhân. Kế hoạch này chỉ được xây dựng trên những nền tảng chung, nhưng phải được áp dụng một cách linh hoạt tuỳ theo khả năng tiếp nhận của trẻ.
  1. Nguyên tắc lặp lại : Trẻ không thể nào nhớ ngay những gì đã hướng dẫn mà cần phải nhắc đi nhắc lại trong cùng một môi trường và trong các môi trường khác nhau. Chỉ khi nào trẻ làm được trong một môi trường mới nên chuyển sang môi trường khác.
  1. Nguyên tắc động viên: Trẻ phải được chăm sóc trong một môi trường giáo dục mà ở đó :
  • Không có sự sợ hãi và ép buộc, mà phải là một không khí thân thiện, lạc quan
  • Không có sự chán nản, mà phải là một sự vui vẻ ham thích các hoạt động.
  • Có sự vui thích thông qua các trò chơi, bài hát, chuyện kể
  • Không có sự trừng phạt cái sai mà chỉ có sự khuyến khích cái đúng.

Giáo dục các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày

            Kỹ năng sinh hoạt hàng ngày là các hoạt động giúp trẻ rối nhiễu tâm lý tiến đến cuộc sống độc lập hơn. Các kỹ năng này bao gồm các hoạt động xảy ra trong một ngày của một đứa trẻ, từ việc ăn uống, mặc quần áo, vệ sinh cơ thể cho đến các kỹ năng cao hơn như phụ việc nhà, sử dụng một số công cụ và các kỹ năng giao tiếp xã hội, ứng phó với những tình trạng nguy hiểm.

            Đối vói trẻ rối nhiễu tâm lý, đây chính là mục tiêu của hoạt động chăm sóc và giáo dục chứ không phải những kiến thức hay khả năng về phương diện văn hóa như khả năng vẽ, tô màu, đánh vần, nhớ mặt chữ, nhớ số … hay khả năng hát múa …

            Đây cũng là một hoạt động cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người giáo viên chăm sóc các em và cha mẹ các em. Chỉ khi nào cả hai cùng tiến hành được những biện pháp giống nhau, xác định được các mục tiêu cần đạt đến thì chừng đó hoạt động giáo dục cho trẻ mới có thể có hiệu quả.

            Các kỹ năng trẻ cần đạt đến:

  • Kỹ năng ăn, uống: Cần giúp trẻ có thể tự ăn, uống một cách đon giản nhất
  • Kỹ năng Vệ Sinh: Biết khi nào cần vệ sinh, biết sử dụng nhà vệ sinh và một số công cụ vệ sinh : Vòi nuớc, Giấy vệ sinh, khăn lau, bàn chải…
  • Kỹ năng tắm rửa và chải tóc : Trẻ có thể sử dụng vòi sen, biết múc dội, biết xoa xà bông, biết dùng lược chải tóc.
  • Kỹ năng mặc quần áo: Trẻ biết mặc quần lưng thun, biết tụt xuống, cởi ra, kéo lên, tròng vào, cài cúc áo. Nếu khá hơn là có thể dùng dây kéo. Biết mặc bít tất, xỏ thắt lưng.
  • Kỹ năng vận động: Biết từng buớc về các kỹ năng vận động thô – vận động tinh , vì đây chính là cơ sở để phát triển khả năng tâm lý và tạo sự ổn định cho trẻ.
  • Các kỹ năng xã hội và Giao tiếp : Đây là mục tiêu cao nhất mà các trẻ rối nhiễu có thể đạt đến sau một thời gian dài được chăm sóc tích cực và đúng phương pháp. Các em biết phân biệt người lạ, quen, biết chào, biết hỏi ý trước khi làm, biết chấp nhận đám đông, biết hạn chế những hành vi thiếu ổn định ở chỗ đông người. Chấp nhận sự chờ đợi …

Có thể nói, mỗi một nhóm trẻ đều có những khó khăn và thuận lợi khác nhau, nhưng nhìn chung thì trong việc chăm sóc các trẻ này, đều có một số quy tắc chung là:

  • Có sự nhẫn nại, quyết tâm khi vận dụng.
  • Không quá nôn nóng, hăng hái ban đầu rồi nản dần về sau và cuối cùng là buông xuôi.

Linh động và sáng tạo trong việc phối hợp, điều chỉnh các phương pháp giáo dục, điều gì phù hợp với trẻ thì làm, điều gì không hợp thì bỏ, không nhất thiết phải bám sát các nguyên tác cứng nhắc.


CV.TL LÊ KHANH

TRUNG TÂM TÂM LÝ – GIÁO DỤC RỒNG VIỆT

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý