Biện pháp giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội
23/10/2013
Nhận biết tâm lý qua ngôn ngữ cơ thể
30/10/2013
Biện pháp giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội
23/10/2013
Nhận biết tâm lý qua ngôn ngữ cơ thể
30/10/2013

Chứng tự kỷ ảnh hưởng đến cách thức trẻ nhận biết về thế giới và làm cho trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội. Trẻ mắc chứng tự kỷ cũng có thể có những hành vi lặp đi lặp lại hoặc có những sở thích hạn chế.

Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của mỗi trẻ mắc chứng tự kỷ đều khác nhau trong các lĩnh vực khiếm khuyết (giao tiếp, tương tác xã hội, và hành vi lặp đi lặp lại). Con bạn có thể không có những triệu chứng giống những trẻ khác hoặc thậm chí có các triệu chứng hoàn toàn khác mặc dù các trẻ này đều có chung chẩn đoán là tự kỷ.

Tình trạng tự kỷ là cá biệt

Dù chứng tự kỷ thường kéo dài cả đời, song những triệu chứng của nó có thể thay đổi theo thời gian. Hậu quả lâu dài rất khác nhau. Một số trẻ sẽ thuyên giảm theo thời gian, trong khi số khác vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều trẻ có khả năng nhận thức bình thường, mặc dù chúng có hạn chế về khả năng ngôn ngữ và giao tiếp xã hội. Hầu hết các em mắc chứng tự kỷ đều phát triển khả năng nói và học được cách giao tiếp với người khác. Can thiệp sớm có thể tạo ra những khác biệt rõ rệt trong quá trình phát triển của con bạn. Những gì con bạn có thể làm được bây giờ có thể rất khác với những cái chúng có thể làm được sau này.

Những triệu chứng giao tiếp xã hội

Ngay từ ban đầu, trẻ sơ sinh phát triển bình thường đã có những kỹ năng giao tiếp xã hội. Từ thuở đầu đời, chúng đã nhìn chúng ta, hướng về giọng nói, nắm lấy ngón tay và mỉm cười. Trái lại, hầu hết trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc học biết cách phản ứng qua lại của con người. Ngay trong năm đầu tiên, nhiều trẻ có thể chỉ thích chơi với đồ vật và không thể bập bẹ và chơi trò chơi bắt chước. Giao tiếp bằng mắt có thể chỉ thoáng qua. Phần đông trẻ gặp khó khăn trong việc dùng các động tác như chỉ trỏ, vẫy tay tạm biệt, và khoe vật gì đó với người khác. Nghiên cứu cho rằng mặc dù trẻ tự kỷ luôn gần gũi với bố mẹ nhưng biểu hiện gần gũi này lại bất thường và khó hiểu. Đối với một số phụ huynh, thì dường như con họ không gần gũi với họ chút nào.

Trẻ tự kỷ thường chậm trong việc học cách diễn giải những điều người khác nghĩ và cảm nhận. Những gợi ý biểu cảm xã hội như một nụ cười, một cái vẫy tay, hoặc một cái nhăn mặt có thể không có ý nghĩa gì với một đứa trẻ bị tự kỷ. Đối với trẻ không hiểu được gợi ý này thì câu nói “Lại đây” cũng chỉ mang cùng một nghĩa, dù cho người nói có đang cười, đang dang rộng cánh tay chờ đón một cái ôm, hoặc đang nhăn nhó, đứng chống nạnh. Do trẻ bị tự kỷ không có khả năng tự diễn giải các cử chỉ và nét mặt của người đối diện, với chúng xã hội dường như rất khó hiểu. Nói chung là trẻ tự kỷ rất khó nhận biết quan điểm của người khác. Hầu hết trẻ lên 5 tuổi đều hiểu được là người khác sẽ có ý kiến khác, cảm giác khác và mục tiêu khác mình. Trẻ tự kỷ có thể không hiểu những điều này. Vì không có khả năng đó, trẻ tự kỷ không thể đoán được hay hiểu được hành động của người khác.

Mặc dù không phải là ai cũng vậy nhưng thường thì những người tự kỷ gặp khó khăn trong việc điều hòa cảm xúc của mình. Việc này có thể được gọi là những hành vi “trẻ con”, chẳng hạn như khóc trong lớp học hoặc bộc phát những lời nói không phù hợp đối với những người xung quanh. Đôi khi người tự kỷ cũng có thể trở nên rất hung hăng và hay gây rối, làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên khó khăn hơn. Họ có xu hướng “mất kiểm soát” đặc biệt khi ở trong môi trường lạ lẫm và bị choáng ngộp, hoặc khi họ tức giận và bực dọc. Thỉnh thoảng họ đập vỡ đồ đạc, đánh người khác, hay tự làm tổn thương mình mình. Trong khi bực dọc, họ có thể tự đập đầu, tự bứt tóc hoặc là tự cắn tay mình.

May mắn là trẻ tự kỷ có thể được dạy cách hoà nhập xã hội, cách dùng cử chỉ, và cách nhận biết những biểu cảm trên khuôn mặt. Cũng có nhiều chiến lược nhằm giúp trẻ tự kỷ đối phó với sự bực dọc để chúng không bị sa vào những hành vi không phù hợp.

Những khó khăn trong giao tiếp

Hầu hết trẻ con khi lên 3 đều đã trải qua những cột mốc quan trọng trong việc học ngôn ngữ, một trong những cột mốc sớm nhất là bập bẹ nói. Khi trẻ tròn một tuổi, chúng có thể nói được 1 đến 2 từ, có thể quay lại và biết quay lại nhìn khi nghe ai đó gọi tên mình, có thể dùng tay chỉ món đồ chơi chúng thích, và khi ai đó cho chúng cái chúng không thích, chúng trả lời dứt khoát là “không”. Dù một số ít người mắc chứng tự kỷ không thể sử dụng lời nói, nhưng phần lớn vẫn phát triển ngôn ngữ nói, và sau cùng tất cả đều có thể học cách giao tiếp bằng phương thức nào đó. Hầu hết những trẻ sơ sinh có dấu hiệu tự kỷ khi trong những tháng đầu đời chúng có thể bập bẹ tiếng “gù gù” (tiếng gù của chim bồ câu) rồi sau đó đột nhiên mất đi không nói được nữa… Một số khác có thể chậm nói, ngôn ngữ chỉ phát triển khi lên 5 đến 9 tuổi. Một số trẻ học cách giao tiếp bằng cách dùng hình ảnh hay ra dấu. Nhiều đứa trẻ tự kỷ có thể nói được, nhưng cách dùng ngôn ngữ của chúng lại bất thường. Chúng dường như không biết cách kết hợp từ ngữ lại thành những câu có ý nghĩa. Một số chỉ nói được những từ đơn lẻ, trong khi một số khác thì cứ lặp đi lặp lại mỗi một cụm từ nhất định. Một số trẻ tự kỷ nhái lại những gì chúng nghe được, người ta gọi đây là tình trạng lặp lại máy móc lời nói (echolalia- tiếng vọng lại). Mặc dù nhiều trẻ cũng trải qua giai đoạn hay lặp lại những gì chúng nghe thấy, nhưng khi lên 3 tuổi thì chúng không còn thế nữa.

Trẻ bị tự kỷ nhẹ cũng thường chậm phát triển ngôn ngữ hay ngược lại là biết nói sớm và có vốn từ lớn đến mức ngạc nhiên, hoặc không có khả năng duy trì một cuộc hội thoại. Quan niệm “cho và nhận” sẽ rất khó khăn với trẻ. Chúng có thể độc thoại huyên thuyên về một chủ đề chúng ưa thích mà không ai có thể xen vào được. Một khó khăn khác nữa với trẻ tự kỷ là không có khả năng hiểu ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu, hay “kiểu nói lái”. Trẻ tự kỷ có thể hiểu các câu hàm ý mỉa mai như “Ồ, tuyệt chưa kìa” theo nghĩa điều đó ĐÚNG LÀ rất tuyệt ( chứ không hiểu theo kiểu mỉa mai ). Người khác có thể không hiểu được người bị chứng tự kỷ muốn nói gì hay cử chỉ cơ thể của trẻ mang ý nghĩa ra sao. Nét mặt, vận động, cử chỉ hiếm khi trùng khớp với lời nói của chúng. Giọng điệu của chúng cũng không phản ánh được cảm xúc bên trong. Những giọng cao vút, ngân nga, ngang phè hay giống kiểu robot là những giọng thường thấy. Một số trẻ có kỹ năng ngôn ngữ khá tốt thì nói năng như mấy ông bà cụ non, không có được “kiểu nói trẻ con” như bạn đồng trang lứa. Do không có khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ hay bằng cử chỉ để yêu cầu điều gì đó, nên những người tự kỷ thường lạc lõng vì người khác không thể biết họ đang cần gì. Kết quả là, họ chỉ biết gào thét hoặc giựt lấy cái mình muốn. May mắn là trẻ bị tự kỷ có thể được dạy dỗ để học cách giao tiếp phù hợp chứ không gào thét.

Trẻ bị tự kỷ gặp khó khăn trong việc làm cho người khác biết chúng đang muốn hoặc đang cần gì, cho đến khi chúng được dạy cách giao tiếp hoặc là bằng lời nói, hoặc là bằng cử chỉ hoặc là bằng các phương thức khác.

Những hành vi lặp đi lặp lại

Dù trẻ tự kỷ có thể chất bình thường, song những hành động kỳ quặc lặp đi lặp lại của chúng có thể làm chúng xa rời khỏi những đứa trẻ khác. Những hành vi đó có thể nghiêm trọng, dễ thấy, hoặc chỉ là những hành vi nhỏ nhặt khó nhận ra. Một số trẻ và cả người tự kỷ lớn tuổi thường vẫy tay liên tục hay cứ đi nhón chân. Một số trẻ còn bất chợt đứng sững lại. Trẻ tự kỷ có thể ngồi hàng giờ để xếp mấy chiếc xe đồ chơi theo cách riêng của chúng, thay vì giả vờ chơi lái xe. Nếu ai đó vô tình di chuyển một chiếc xe, thì chúng có thể tỏ ra rất giận dữ. Trẻ tự kỷ thường cần, và muốn có được một môi trường đồng nhất. Dù có một thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày – như cách ăn một bữa ăn, cách thay đồ, cách tắm, hay là đi học vào một giờ nhất định hoặc chỉ đi một con đường nhất định– có thể khiến trẻ tự kỷ trở nên rất căng thẳng. Hành vi lặp đi lặp lại đôi khi có dạng của một sự quan tâm tột bực và dai dẳng. Những sở thích này có thể khá bất thường về nội dung (ví dụ như thích những cái quạt hoặc nhà vệ sinh) hoặc bởi cường độ xúc cảm (như thích tìm hiểu thông tin thật chi tiết của toa xe lửa).

Ví dụ, trẻ bị tự kỷ có thể bị ám ảnh trong việc tìm hiểu mọi thứ về máy hút bụi, lịch trình xe lửa, hoặc những ngọn hải đăng. Thường những trẻ tự kỷ lớn tuổi hơn có một sở thích với những con số/ký tự, biểu tượng, ngày tháng hoặc những chuyên đề khoa học. Rất nhiều trẻ tự kỷ cần và đòi hỏi sự nhất quán tuyệt đối trong môi trường của chúng.

Những khả năng đặc biệt có thể có :

Dù trẻ tự kỷ có nhiều khuyếm khuyết, bạn cũng có thể thấy được chúng có nhiều mặt mạnh. Dù không phải người tự kỷ nào cũng có biệt tài, nhưng không hiếm những người tự kỷ có kỹ năng đặc biệt trong toán học, âm nhạc, nghệ thuật, và đọc hiểu và nhiều thứ khác. Những lĩnh vực chuyên môn này có thể đem đến sự thoả mãn và tự hào cho trẻ bị tự kỷ. Nếu được, hãy tìm cách kết hợp những lĩnh vực chuyên môn của con bạn vào những hoạt động hàng ngày của chúng và coi đó là một cách học cho trẻ bất cứ lúc nào có thể.

Người tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong nhiều lĩnh vực nhưng họ cũng có nhiều điểm mạnh đặc biệt. Một số điểm mạnh có thể thấy ở những người tự kỷ bao gồm:

  • Khả năng hiểu những khái niệm luật lệ và trình tự cụ thể.
  • Kỹ năng nhớ lâu
  • Kỹ năng trong toán học
  • Kỹ năng với máy vi tính
  • Khả năng âm nhạc
  • Năng lực nghệ thuật
  • Khả năng suy nghĩ trực quan
  • Khả năng giải mã ngôn ngữ viết từ rất sớm (Khả năng này được gọi là Hyperlexia. Một số trẻ có thể giải mã ngôn ngữ viết trước khi chúng có thể nhận thức được nó) ta gọi là biết đọc nhưng không hiểu nghĩa ( nhất là nghĩa bóng của từ ngữ )
  • Trung thực – đôi khi rất trung thực một cách ngây ngô.
  • Khả năng tập trung cao độ – nếu họ đang làm một công việc ưa thích
  • Cảm giác phương hướng vượt trội

Ngay lúc này có thể bạn đang nghĩ về những thứ mà đứa con bị tự kỷ của mình đã học được ở độ tuổi nhỏ hơn so với những đứa trẻ khác bạn biết. Và vâng, bạn đã đúng: có nhiều thứ trẻ tự kỷ tự học nhanh hơn những trẻ bình thường cùng lứa hoặc anh chị em chúng. Ví dụ, chúng có thể rất giỏi trong việc học cách lấy cái đĩa DVD ưa thích của mình ra khỏi chồng đĩa, ngay cả khi chúng không nằm trong hộp đĩa. Chúng có thể học cách điều khiển TV và đầu đọc DVD bằng cái điều khiển (remote controls) từ khi chúng còn rất nhỏ, chúng có thể tua lại những đoạn phim mà chúng ưa thích (hoặc tua nhanh những đoạn mà chúng không thích). Chúng có thể rất sáng tạo trong việc tìm ra cách leo lên bàn để với tới cái tủ, nơi để loại ngũ cốc mà chúng thích, hoặc thậm chí biết cách dùng chìa khoá mở chốt cửa sau để có thể ra ngoài chơi xích đu. Rõ ràng đây không phải là những hành động mà bạn có thể nghĩ đến để dạy dỗ một đứa trẻ lên hai. Và tất nhiên vài trẻ tự kỷ đã tự có được những kỹ năng này. Làm sao chúng ta có thể hiểu sự mâu thuẫn giữa những điều mà trẻ tự kỷ làm được và điều mà chúng không học được? Làm thế nào mà một đứa trẻ không thể chơi ghép hình lại có thể bật TV, rồi bật đầu đọc DVD, rồi bỏ đĩa DVD vào, và bấm nút “play”? Làm thế nào mà một đứa trẻ không thể hiểu nổi một lời yêu cầu đơn giản như “lấy áo khoát của con” lại có thể xoay sở tìm được cách mở khóa cửa để ra ngoài?

Điều gì giải thích cho lối học hỏi đặc biệt này? Gọn một từ: động lực. Chúng ta dồn sự chú tâm vào những gì chúng ta thích, nên chúng ta học những thứ này nó hiệu quả hơn. Hiểu được động lực nào thúc đẩy con bạn (mỗi trẻ mỗi khác) sẽ là một trong những chìa khoá giúp trẻ học tốt hơn và giúp tăng cường kỹ năng cho trẻ.. Những biệt tài của con bạn có thể là một phần của cách học và bản chất vốn có duy nhất của con bạn.

Những vấn đề về thể chất và y học :

Rối loạn co giật (Seizure Disorders)

Rối loạn Co giật, còn được gọi là Động kinh, xảy ra với khoảng 39% số người mắc chứng tự kỷ. Thường thì Rối loạn này xảy ra ở những trẻ bị chậm phát triển trí tuệ nhiều hơn. Vài nghiên cứu cho rằng rối loạn co giật xảy ra nhiều hơn ở trẻ có biểu hiện thoái hoá hoặc mất đi các kỹ năng.

Có nhiều loại và nhóm động kinh, và trẻ tự kỷ có thể trải qua nhiều loại. Loại dễ nhận thấy nhất là động kinh “cơn lớn” (hoặc tonic-clonic). Nhóm còn lại gồm động kinh “cơn nhỏ” (hoặc không có cơn co giật) và co giật cận lâm sàng (cơn vắng ý thức), chỉ có thể hiện ra qua điện não đồ (EEG, Electroencephalogram). Vẫn chưa rõ co giật cận lâm sàng có gây ảnh hưởng đến ngôn ngữ, nhận thức, và hành vi hay không. Những co giật đi kèm với chứng tự kỷ thường bắt đầu ngay từ thời thơ ấu hoặc xảy ra suốt thời niên thiếu, nhưng cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu bạn lo rằng con mình có thể bị co giật, bạn nên đưa con đi gặp bác sỹ thần kinh. Họ sẽ yêu cầu bạn làm một vài xét nghiệm trong đó có thể gồm đo điện não đồ EEG, chụp cộng hưởng từ (MRI, Magnetic Resonance Imaging), chụp CT (Computed Axial Tomography), và xét nghiệm máu (CBC, Complete Blood Count). Trẻ em và người lớn bị co giật thường được điều trị bằng thuốc chống co giật để làm dịu hoặc chấm dứt những cơn động kinh. Nếu con bạn bị động kinh, bạn phải gặp bác sĩ thần kinh để được hướng dẫn dùng loại thuốc có ít tác dụng phụ nhất đồng thời cũng học cách ứng phó tốt nhất để đảm bảo an toàn cho con bạn trong khi chúng có những cơn co giật.

Đột biến gien (Genetic Disorders)

Khoảng 10-15% trẻ tự kỷ có các yếu tố thần kinh di truyền có thể nhận diện được, như Hội chứng Fragile X, Hội chứng Angelman (Angelman’s Syndrome), chứng rối loạn thần kinh biểu bì gọi là chứng xơ cứng củ (Tuberous Sclerosis), Hội chứng nhiễm sắc thể kép số 15 (Chromosome 15 Duplication Syndrome) và vài nhiễm sắc thể bất thường khác. Nếu con bạn có những triệu chứng lâm sàng, như những triệu chứng về mặt thể trạng hoặc bệnh sử của gia đình, đó là đặc trưng của những rối loạn này, bác sĩ nhi có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm hoặc yêu cầu đưa con bạn đến gặp bác sĩ nhi chuyên về phát triển trẻ em, bác sĩ di truyền học và/hoặc một bác sĩ thần kinh nhi . Khả năng mắc phải những bất thường này cao hơn một chút nếu con bạn bị thiểu năng về mặt nhận thức hoặc chậm phát triển trí tuệ. Nếu con bạn có một số yếu tố về thể trạng liên quan đến một số hội chứng nhất định, thì khả năng mắc bệnh là cao hơn. Dù là không có cách chữa lành cho các hội chứng này, điều quan trọng nên biết là nếu con bạn mắc phải một trong những hội chứng này, cháu sẽ có nhiều khó khăn liên quan về mặt y khoa. Khi chúng ta biết được là co chúng ta mắc chứng tự kỷ vì đột biến gien, chúng ta có thể hạn chế nguy cơ sinh thêm một đứa con thứ hai mắc chứng tự kỷ.

Rối loạn tiêu hoá (Gastrointestinal Disorders)

Nhiều bậc phụ huynh cho biết là trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp khó khăn về vấn đề về tiêu hoá (GI, gastrointestinal). Không có thống kê chính xác những vấn đề về tiêu hoá, như viêm dạ dày, táo bón mạn tính, viêm đại tràng, và viêm thực quản với trẻ mắc chứng tự kỷ. Kết quả từ một số các cuộc khảo sát cho thấy có khoảng từ 46 đến 85% trẻ tự kỷ gặp trở ngại trong vấn đề tiêu hoá như táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính. Có một nghiên cứu cho thấy 70% trẻ tự kỷ đều có các triệu chứng liên quan đến tiêu hoá (như đi cầu bất thường, táo bón thường xuyên, ói mửa liên tục và thường đau bụng dưới). Nếu con bạn có những triệu chứng như đau bụng kéo dài hoặc định kỳ, ói mửa, tiêu chảy, hoặc táo bón, bạn hãy tham vấn bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá ( nếu là bác sĩ có kinh nghiệm về chứng tự kỷ thì tốt hơn). Bác sĩ gia đình có thể giúp bạn có những liệu pháp thích hợp. Những cơn đau liên quan đến vấn đề tiêu hoá đôi khi rất dễ nhận ra thông qua những thay đổi trong hành vi của trẻ, như tự làm cho đỡ đau bằng cách lắc lư qua lại hoặc trẻ trở nên hung hăng, hoặc tự làm tổn thương mình. Hãy nhớ rằng con bạn không có đủ ngôn ngữ để có thể diển tả cho bạn biết được những con đau đó là do vấn đề tiêu hoá gây ra. Điều trị những vấn đề liên quan đến tiêu hoá có thể giúp cải thiện hành vi của con bạn. Có những bằng chứng cho thấy có thể khắc phục được các vấn đề về tiêu hoá cho trẻ bằng cách can thiệp vào chế độ ăn uống, không cho trẻ ăn các loại thực phẩm chứa bơ sữa và gluten. Dù bạn theo phương cách điều trị nào, tốt nhất bạn nên tham vấn với bác sĩ của con bạn để phát triển một kế hoạch điều trị tổng quát.

Xáo trộn giấc ngủ (Sleep Dysfunction)

Con bạn có gặp khó khăn trước và trong khi ngủ không? Những khó khăn liên quan đến giấc ngủ rất phổ biến ở trẻ và thiếu niên tự kỷ. Nếu con bạn gặp khó khăn trong giấc ngủ, điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn thể gia đình. Nó cũng có thể tác động khả năng tiếp thu của con bạn trong quá trình điều trị. Đôi khi những vấn đề về giấc ngủ gây ra bởi các vấn đề y khoa như ngưng thở khi ngủ hoặc do tắc nghẽn hoặc trào ngược dạ dày, nếu xác định được những nguyên nhân y khoa và điều trị y sẽ giúp giải quyết được vấn đề. Đối với các trường hợp, trẻ gặp trở ngại trong giấc ngủ không vì nguyên nhân y học, những rắc rối về giấc ngủ có thể được kiểm soát bằng cách can thiệp hành vi bao gồm đo lường “vệ sinh giấc ngủ”, như giới hạn thời gian ngủ ngày, và tập thói quen đi ngủ đúng giờ. Mặc dù melatonin có hiệu quả trong việc giúp cho trẻ ngủ dễ hơn, nhưng cần phải có thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Do vậy, bạn không nên cho con mình uống thuốc melatonin hay bất kỳ loại thuốc ngủ nào mà không có ý kiến của bác sĩ.

Xáo trộn tổng hợp giác quan (Sensory Integration Dysfunction)

Nhiều trẻ tự kỷ có phản ứng bất thường với các dạng kích thích cảm giác, hoặc tín hiệu kích thích. Những phản ứng này là do những khó khăn trong việc xử lí và tổng hợp các thông tin cảm giác. Thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác, cảm giác về chuyển động (hệ tiền đình) và cảm giác về vị trí (thể giác) đều có thể bị tác động. Điều này có nghĩa là những thông tin dường như được cảm nhận bình thường, nhưng trẻ tự kỷ lại lĩnh hội theo cách rất khác. Đôi khi sự kích thích có vẻ “bình thường” với người khác nhưng sẽ trở nên rất đau đớn, và khó chịu đối với các trẻ tự kỷ có rối loạn tổng hợp về giác quan (thuật ngữ y khoa gọi là SID, Sensory Integration Dysfunction). (SID còn được gọi là Rối loạn tiến trình giác quan (Sensory Processing Disorder) hoặc Rối loạn tổng hợp giác quan (Sensory Integration Disorder)). Rối loạn tổng hợp về giác quan gây ra sự quá nhạy cảm, hay còn gọi là chế ngự giác quan, hoặc mẫn cảm. Ví dụ về sự quá nhạy cảm là trẻ không chịu được chuyện mặc quần áo trên người, không cho người khác đụng vào mình, hoặc không thể ở trong một căn phòng có ánh sáng bình thường. Sự mẫn cảm có thể thấy qua mức độ chịu đựng các cơn đau của trẻ hoặc trẻ luôn cần có các kính thích về giác quan. Để điều trị rối loạn tổng hợp giác quan, chuyên gia trị liệu sẽ đưa ra các phương pháp trị liệu điều hoà giác quan.

Pica

(Pica là chứng rối loạn ăn uống liên quan đến việc ăn những thứ không phải là thức ăn. Trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi thường ăn những thứ không phải là thức ăn, nhưng đây là biểu hiện của sự phát triển bình thường. Một số trẻ tự kỷ và trẻ khiếm khuyết về phát triển từng trải qua giai đoạn phát triển bình thường này nhưng vẫn tiếp tục tìm ăn những thứ như đất cát, đất sét, phấn hoặc bột màu. Những trẻ có biểu hiện liên tục mút ngón tay hoặc bỏ đồ vật không phải là thức ăn hay đồ chơi vào miệng cần phải đưa đi làm xét nghiệm để kiểm tra nồng độ chì trong máu, đặc biệt đối với trẻ ở trong môi trường nghi ngờ có nguy cơ bị nhiễm chì.

Như vậy, để chẩn đoán một trẻ tự kỷ, cần có những kinh nghiệm lâm sàng và những thông tin đầy đủ từ phía gia đình hơn là những công cụ máy móc thiết bị hay là một đội ngũ chuyên gia nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, điều quan trọng là sau khi xác định hay chẩn đoán, phụ huynh phải học được cách chấp nhận tình trạng của con mình và biết phối hợp với các chuyên gia tâm lý lâm sàng và các chuyên gia trị liệu khác để áp dụng những biện pháp can thiệp thích hợp với từng tình trạng khác nhau của trẻ trong chính gia đình mình.

CvTL Lê Khanh

( Biên soạn theo nguồn : http://nuoicontuky>. )

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý