Tăng cường tư duy logic qua trò chơi trí tuệ
22/05/2014
Giúp trẻ Tự kỷ phát triển ngôn ngữ
28/05/2014
Tăng cường tư duy logic qua trò chơi trí tuệ
22/05/2014
Giúp trẻ Tự kỷ phát triển ngôn ngữ
28/05/2014

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một nhu cầu cần thiết và là một biện pháp hiệu quả để giúp cho các em phát triển về nhân cách và khả năng thích nghi với xã hội. Đài PTTH Bà Rịa Vũng Tàu đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia tâm lý Lê Khanh về hoạt động này.

1.Thưa ông, hiện nay, rất nhiều phụ huynh mong muốn cho con em mình được tham gia các lớp kỹ năng sống bên cạnh việc học văn hóa. Ông có thể cho biết lý do vì sao mà các em cần phải được trang bị các kỹ năng sống và các kỹ năng này sẽ giúp ích gì cho các em sau này?

Để giúp một học sinh phát triển toàn diện, thì bên cạnh việc trau dồi kiến thức, các em còn cần được hướng dẫn để biết cách vận dụng những kiến đó vào thực tiễn. Ngoài ra để thành công trong cuộc sống bên cạnh trí thông minh các em còn phải biết phát huy về trí tuệ cảm xúc , chính các kỹ năng thích nghi, tự chủ , biết giá trị của sự hợp tác và tôn trọng người khác mới là cơ sở để đem lại thành công .

Vì thế việc trang bị cho các em sự am hiểu về các giá trị sống và khả năng thực hành các kỹ năng sống là điều hết sức hiệu quả và cần thiết không chỉ cho hiện tại trong trường học mà còn cho các em một tương lai tốt đẹp trong trường đời. Các em sẽ biết các làm việc nhóm, biết lắng nghe và trình bầy, biết tôn trọng và cảm thông, biết yêu thương và chia sẻ, và nhất là nhận biết được giá trị bản thân để có sự tự tin vào chính mình và tự hào về gia đình, nhà trường và tổ quốc.


2.Hiện nay, các nhà trường cũng đã có nhiều môn học có tích hợp các nội dung giáo dục kỹ năng sống, tuy nhiên, học sinh Việt Nam vẫn luôn bị đánh giá là thiếu và yếu về các kỹ năng mềm. Theo ông, lý do vì sao lại có tình trạng này?

Có thể nói, kỹ năng sống là khả năng thực hành, vì thế bất cứ môn học nào cũng cần phải có, có học thì phải có hành , nhưng đó không phải là những lời giảng dạy bay bổng hay những kỹ thuật truyền đạt mà giáo viên có thể chia sẻ cho các em học sinh. Kỹ năng sống là thực hành và thực hành một cách thường xuyên trong một thời gian dài để biến những hiểu biết thành hành động, từ hành động thành một thói quen.

Một ví dụ : HS nào cũng được dạy, phải biết nói lời cám ơn khi nhận, biết xin lỗi khi sai, biết xin phép khi cần.. thế nhưng nếu các em không biết thực hành thường xuyên các câu nói này để trở thành một thói quen, một phản xạ tự nhiên thì chắc chắn các em sẽ không thể mở miệng khi hữu sự.

Đó mới chỉ là lời nói huống chi là những kỹ năng cao hơn như biết lắng nghe, biết tôn trọng, biết quản lý thời gian và tài chính… vì thế các em vẫn phải có những buổi hướng dẫn về các kỹ năng sống này. Chúng ta cũng phân biệt giữa kỹ năng sống và kỹ năng mềm. Kỹ năng sống là khả năng thực hành cho bản thân , các kỹ năng này được hướng dẫn qua các buổi thảo luận và trò chơi tập thể . Khi am hiểu thì các em sẽ thông hiểu và biết áp dụng các kỹ năng mềm trong quá trình giao tiếp với người xung quanh.



3.Để giúp các em học sinh có cái nhìn khái quát hơn về cuộc sống cũng như có được những kỹ năng cần thiết để có thể tự lập được, chí ít là về trong suy nghĩ, thì ngoài công việc của nhà trường, sự tham gia của phụ huynh là điều không kém phần quan trọng. Vậy ông có lời khuyên gì với các bậc phụ huynh trong việc giúp con em họ tự trang bị các kỹ năng trong cuộc sống?

Có thể nói gia đình hay cụ thể là các bậc cha mẹ có một vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp con em họ có được các kỹ năng trong cuộc sống. HS đến trường để học kiến thức, tham gia các hoạt động giáo dục kỹ năng sống là để quay về gia đình ứng dụng, thực hiện các điều mà mình đã được nhận lãnh và khai mở, nếu gia đình không am hiểu, không biết cách tạo các điều kiện cho các em và đồng hành với các em thì chắc chắn những gì các em học được sẽ mau chóng qua đi hay có khi bị lệch lạc.

Ví dụ : Các giá trị và kỹ thuật các em nhận biết được trong chương trình : Học kỳ quân đội, nếu không được duy trì và tạo điều kiện tiếp tục sau khi các em trở về nhà thì chắc chắn, sau một thời gian ngắn, mèo lại hoàn mèo. Chính vì thế, một chương trình giáo dục kỹ năng sống hiệu quả không thể và không nên triển khai trong một vài buổi học, cho dù là được hướng dẫn với những điều kiện tối ưu, mà cần và phải là một chương trình giáo dục tiệm tiến, có sự am hiểu và phối hợp với gia đình trong một thời gian dài từ vài ba tháng đến một hai năm, thì từ đó mới mong phát huy được tác dụng của những kỹ năng mà các em được hướng dẫn.

Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi của chúng tôi.

THANH XUÂN

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý