“Cháy” hết mình cùng con
17/03/2012
Làm mẹ khi tuổi vị thành niên (1)
18/03/2012
“Cháy” hết mình cùng con
17/03/2012
Làm mẹ khi tuổi vị thành niên (1)
18/03/2012

Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng có thể trao đổi với con về vấn đề này, chỉ khó là họ chưa biết đề cập đến vấn đề này nh­ư thế nào. Bài viết dưới đây là một gợi mở để cha mẹ biết cách trao đổi vấn đề này như thế nào. 


Nên khởi sự sớm

Việc nói về giới tính cho trẻ có thể bắt đầu từ lúc trẻ biết nói chuyện từ 3- 5 tuổi. Con trẻ thường cho bạn rất nhiều cơ hội để trả lời những thắc mắc về đủ mọi thứ. Điều quan trọng là đừng làm lơ hoặc từ chối trả lời những thắc mắc từ nhỏ này của chúng ngay cả với những điều khó nói hay “nhạy cảm” cũng không nên bỏ qua.

Chẳng hạn câu hỏi của một bé gái ba tuổi “Tại sao bạn Dũng lại đứng đái khác con?”; “Tại sao bụng của bà kia lớn quá vậy?”. Hãy tìm câu trả lời đơn giản để giúp bé hiểu.

Ðây là câu trả lời cho câu thứ nhất.”Vì nó là bé trai nên có con chim, còn con là bé gái con có bộ phận sinh dục kiểu khác. Khi lớn lên, bộ phận này sẽ giúp cho Dũng là một người cha, còn con sẽ là người mẹ “.

Ðể trả lời câu hỏi thứ hai, ta có thể nói “Bụng bà ta lớn vì có một bé con trong bụng. Khi có một em bé lớn lên trong bụng thì ta nói là mang thai. ít nữa đây bà đó sẽ có một em bé trai hoặc bé gái”. Những câu trả lời đơn giản này được nói một cách rõ ràng sẽ làm cho đứa bé thấy vấn đề tính dục là một vấn đề thông thư­ờng trong đời sống và sẽ khuyến khích trẻ hỏi thêm.

Khi trẻ lớn hơn, các câu hỏi sẽ chi tiết hơn, điều đó có thể gây nhiều bối rối cho cha mẹ. Nhưng với một hình thức trò chuyện một cách công khai nếu được ta chuẩn bị đầy đủ, thì ta vẫn có thể trả lời đ­ược cho các cháu.

Dạy đúng các từ

Cần dạy trẻ đúng các từ ngữ dùng chỉ về các cơ quan của cơ thể chúng như dương vật hay âm hộ thay vì nói quanh co để chúng hiểu chính xác và làm quen hơn, để khi đụng chuyện (như khi bị gạ gẫm tình dục), chúng biết cách diễn tả cho cha mẹ biết. Nếu ta thấy ngại ngùng thì có thể dùng cách nói hài hước cũng được như “con chim” và “con bướm”

Nhiều khi con trẻ đang suy nghĩ để hỏi chúng ta về vấn đề sinh lý, chúng có thể chưa biết hỏi cách nào, bạn hãy bắt chuyện với chúng. Ví dụ : “Khi lớn lên, con sẽ không thích mình mập và mang bầu như mẹ của bạn Liên, con sẽ mua một em bé” bạn hãy giải thích cho trẻ biết, em bé không phải là hàng hóa như búp bê, mà em bé là kết quả của một đám cưới. Qua những hình ảnh hoặc trò chơi mà con bạn chơi cũng giúp bạn có dịp giảng giải cho con.

Ðừng chờ đợi câu hỏi

Nhiều cha mẹ muốn nói với con cái về vấn đề này, nhưng chẳng thấy con cái họ thắc mắc. Những trường hợp như vậy cha mẹ có thể tính toán trước để biết khi nào và cách nào đưa vấn đề vào để nói chuyện. Biết bao sự việc quanh ta có thể lấy làm chủ đề để giảng giải cho con cái, một cách tình cờ mà chẳng cần phải lớp lang gì cả.

Ðiều cha mẹ thường lo lắng là họ không biết đầy đủ về những thông tin trong lĩnh vực tính dục để giúp con cái họ. Nhưng không vì thế mà cha mẹ né tránh trao đổi với con cái về các vấn đề giới tính. Nếu có lĩnh vực nào chưa rõ thì đấy cũng là dịp để cha mẹ và con cái cùng tìm hiểu, như qua các sách báo, các chương trình về giáo dục giới tính, qua các chuyên viên về tâm lý …

Như chúng ta đã đề cập, những hành vi và cách hành xử không lời của cha mẹ còn nói nhiều hơn những gì họ nói với con cái. Hãy thận trọng về các thông điệp không lời phát xuất từ cha mẹ. Chẳng hạn, khi cha mẹ dạy con cái là sự tôn trọng và tình yêu là phần quan trọng trong quan hệ vợ chồng, nhưng nếu bản thân cha mẹ thường hay xích mích hoặc điều qua tiếng lại với nhau, như vậy liệu có phải là hai thông điệp đã mâu thuẫn nhau. Chúng ta khó tránh khỏi những bất ổn trong quan hệ, nhưng ít nhất là không bộc lộ trước mặt con.

Minh bạch về các giá trị gia đình

Việc giáo dục giới tính vượt trên những sự kiện. Những sự kiện không tạo nên ý nghĩa nào ngoài những giá trị để con người biết cách hành xử với nhau như thế nào. Có những cái cần linh hoạt cho phù hợp với thời đại chứ không nên cứng nhắc, vì xã hội luôn thay đổi và con cái chúng ta sống trong môi trường xã hội khác với chúng ta. Những điều cơ bản của các giá trị đạo đức, luân lý thì không đổi, nhưng cách ứng dụng vào đời sống ít nhiều sẽ có những thay đổi theo sự tiến hóa của xã hội. Nhiệm vụ của cha mẹ là đem lại cho con cái những chân giá trị ấy để hướng dẫn chúng biết cách hành xử khi lớn lên.

Tránh dạy trẻ thẹn thùng và e sợ về giới tính

Khả năng để trẻ có được những mối quan hệ giới tính lành mạnh và tích cực khi lớn lên chịu ảnh hưởng mạnh bởi sự dạy dỗ của chúng ta. Những cách đối xử về các vấn đề giới tính trong gia đình (nhất là việc con cái thủ dâm) xem ra sẽ tác động đến thái độ của trẻ về tình dục. Khi một đứa trẻ bị đối xử tệ, bị phạt, bị làm cho xấu hổ, bị sợ hãi hay bị ghét bỏ như một phần của hình phạt, chúng sẽ thất vọng, sợ hãi và khi lớn lên chúng sẽ có những tình cảm tiêu cực ảnh hưởng đến hoạt động tình dục, e ngại trong các quan hệ luyến ái.

Việc giáo dục giới tính là một lĩnh vực trong việc nuôi dạy con cái. Chúng ta nuôi dạy con cái với hy vọng là chúng sẽ trở thành những con người trưởng thành, tiếp nối và chia sẻ những t­ư tưởng của chúng ta. Có điều, khi con cái lớn lên, chúng sẽ hoàn toàn độc lập và có thể có cuộc sống giống hoặc khác chúng ta. Ðây là một thực tế mà các bậc cha mẹ cần phải biết chấp nhận.

Vì thế, việc giáo dục giới tính còn bao hàm cả việc giúp con cái chuẩn bị cuộc sống độc lập sau này. Muốn được vậy, chúng ta cần giáo dục con cái về lòng tự trọng, đồng thời tôn trọng sự riêng tư và sự quyết định độc lập của chúng, nhất là khi con cái đã lớn khôn hơn. Giảm dần những áp đặt trên con cái, vì làm như vậy không có lợi cho khả năng sống độc lập của chúng sau này.

Những quan tâm theo lứa tuổi

Từ sơ sinh đến hai tuổi

Những tháng đầu đời trong cuộc sống, bé thường nhận được sự yêu thương chăm sóc, tin tưởng và an toàn qua những cử chỉ âu yếm, vỗ về và hôn chúng. Sự âu yếm này là căn bản theo một số quy luật trong cuộc sống. Khi đứa trẻ được vài tháng tuổi nó bắt đầu khám phá thân thể nó. Nó thường mân mê ngón tay ngón chân. Lớn hơn nữa, chúng bắt đầu khám phá và tò mò về bộ phận sinh dục của nó và biết rằng nếu sờ mó vào sẽ cảm thấy thích thú, sau đó chúng hay sờ mỗi khi chúng được thay quần áo. Vào khoảng hai tuổi, hầu hết chúng đã biết đi tiêu, tiểu (con gái thường biết sớm hơn). Khi tiêu, tiểu chúng cũng chú ý đến cơ quan sinh dục của chúng vì lúc này chúng đã hiểu biết hơn và đặt ra hàng lô câu hỏi liên quan đến cơ thể của chúng cũng như của người khác.

Từ ba đến năm tuổi

Ở lứa tuổi này, chúng thường tìm hiểu để phân biệt giữa nam và nữ. Chúng có thể đóng giả vai của cha mẹ khi chơi với nhau. Ta thường nghe chúng nói: Mày làm má, còn tao làm cha. Rồi trò chơi làm bác sĩ cho phép chúng khám thân thể của nhau.

Ở lứa tuổi này, chúng ta có thể dạy trẻ em các từ về cơ thể (các bộ phận thuộc cơ quan sinh dục .v.v.). Cho trẻ biết một số tiêu chuẩn cơ bản như không cho người lạ sờ mó vào cơ quan sinh dục của chúng. Trẻ từ năm tuổi trở lên đã có thể hiểu một cách đơn giản việc em bé từ đâu mà ra, việc em bé lớn lên trong bụng mẹ thế nào.

Giai đoạn từ sáu đến chín tuổi

Trong giai đoạn này trẻ em có thể thu nhận các sự kiện căn bản về việc giao cấu, mang thai và sinh sản. Chúng có thể tò mò các chuyện về thừa kế là thế nào, sinh đôi là sao,. các dị tật bầm sinh là gì .v.v. Nói chung, ở tuổi này, chúng còn phát triển tiếp những thắc mắc về giới tính qua quan hệ thường ngày với các bạn, chịu ảnh hưởng của bạn học và các bạn cùng lứa tuổi, chúng trở nên mạnh dạn hơn. Chúng bắt đầu nghe các câu chuyện về sự khác biệt giới tính: Chúng tập chửi thề và dùng tiếng lóng. Hãy giải thích các từ đó cho chúng hiểu, đồng thời cắt nghĩa thêm cho chúng về giới tính qua những câu chuyện mà chúng nghe được nhưng chưa hiểu rõ lắm.

Lứa tuổi từ chín đến mười hai

Lứa tuổi này chúng bắt đầu có những thay đổi của lứa tuổi dậy thì. Cha mẹ nên cho con cái hiểu trước những gì sắp diễn ra nơi cơ thể của chúng. Cả nam và nữ đều phải cần biết rõ về thời kỳ kinh nguyệt, sinh sản và mang thai. Các bậc cha mẹ cũng nên có tài liệu để thảo luận và giúp trả lời các câu hỏi về vấn đề kiểm soát sinh đẻ, các bệnh lây truyền qua đường sinh dục, những thông tin về việc lạm dụng tình đục trẻ em để chúng đề phòng.

Ở lứa tuổi này các em bắt đầu hiểu dần về ý nghĩa tình cảm xã hội, mối liên hệ về tình yêu. Vì vậy, đây là lúc tốt nhất để nói cho các em biết về các giá trị và tiêu chuẩn gia đình và cũng nên lắng nghe những gì mà trẻ đang nhìn ra thế giới.

Tuổi thiếu niên

Ở lứa tuổi này các bậc cha mẹ thường khó nói chuyện với con cái hơn lúc chúng còn bé, chúng thường có thái độ thách thức về các giá trị gia đình và nhắm vào các tiêu chuẩn của riêng chúng. Ðây chính là lúc cha mẹ cần chuẩn bị nhiều thông tin hơn để có thể giúp con cái.

Những năm ở tuổi dậy thì là khoảng thời gian để thanh thiếu niên thu thập kinh nghiệm và bắt đầu mở mang mối quan hệ xã hội, kể cả mối quan hệ tình dục, trong đó nổi cộm một số vấn đề cần lưu ý như:

– Kinh nguyệt – Mộng tinh – Thủ dâm – Việc giao hợp và mang thai – – Vấn đề kiểm soát sinh đẻ

– Các bệnh lây truyền qua đường sinh dục

– Ðồng tính luyến ái

Các bậc cha mẹ cần nỗ lực nắm bắt đầy đủ thông tin về những vấn đề trên, thẳng thắn trao đổi với con cái. Việc giáo dục giới tính có thể ví với việc dạy lái xe. Kiến thức và việc huấn luyện để điều khiển và kiểm soát chiếc xe như thế nào nếu chỉ được dạy ở trường, đọc trong tài liệu hay xem người khác lái thì không thể so với những người đã từng lái xe. Cũng vậy, việc đọc hay nói chuyện về những vấn đề tính dục khêu gợi cũng không sánh được với những người đã từng có kinh nghiệm là cha mẹ.

Những cha mẹ nào trao đổi cởi mở với con cái về các đề tài này, dành thời gian nói chuyện với chúng, biết tôn trọng các quan điểm của chúng, họ sẽ có các phong cách để trao đổi. Việc muốn chuyện trò và biết lắng nghe con cái còn quan trọng hơn là việc có thể trả lời hết mọi vấn nạn của con cái.

Lê Khoa ( ST)

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý