Phòng chống bệnh tật với Củ cải – Chanh – Nghệ
27/07/2012
Nền giáo dục tiến bộ nhất thế giới
02/08/2012
Phòng chống bệnh tật với Củ cải – Chanh – Nghệ
27/07/2012
Nền giáo dục tiến bộ nhất thế giới
02/08/2012

Một quốc gia thường được cấu thành bởi nhiều sắc tộc, có ngôn ngữ và phong tục tập quán cũng như tính cách khác nhau. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc chiến mà ta thường gọi là chiến tranh sắc tộc.

Ở một khía cạnh khác thì lại xảy ra tình trạng kỳ thị sắc tộc hay kỳ thị màu da, nó cũng là nguyên nhân cho rất nhiều xáo trộn mà nhiều quốc gia phải chấp nhận. Tại Việt Nam, thì người Việt hay người Kinh có số lượng hơn hẳn các sắc dân khác, nên tình trạng kỳ thị sắc tộc không bộc lộ một cách rõ rệt vì chúng ta có một tiếng nói chung là ngôn ngữ Việt và đều là dân “da vàng – mũi tẹt” !


Tính đặc thù của địa phương

Thế nhưng, không vì thế mà chúng ta lại không có những khác biệt trong cách nói và trong cách ứng xử do ảnh hưởng của môi trường địa lý. Về đại thể, chúng ta có ba miền là Bắc – Trung – Nam, dù cùng là người Việt, cùng nói, cùng viết một ngôn ngữ chung nhưng vẫn có những dị biệt, những phương ngữ, tiếng địa phương khác nhau mà những người vùng khác không hiểu được. Tính cách cũng có những nét đặc thù như “Quảng Nam hay cãi – Quảng Ngãi hay co” chính cái “hay” đó đã dẫn đến sự tự hào về “quê mình”, và khi đã có sự “tự hào” về người mình, thì bên cạnh những yếu tố tích cực như tình đồng hương, có sự bảo bọc, đoàn kết “người quê ta” cũng không thiếu những quan điểm và lối sống mang tính cục bộ, có thái độ hay quan điểm miệt thị những người không phải là “người mình” . Điều này khiến cho một số người dựa vào những mặt tiêu cực của một vài địa phương nào đó, để có những nhận định “vơ đũa cả nắm” mà một số bạn đã thể hiện trên các trang mạng.

Thực ra, việc phê phán những tính cách không tốt ở góc độ tích cực là điều cần thiết, từ những đánh giá về các phẩm chất chung của người Việt cho đến những đặc điểm của từng vùng miền. Điều này giúp cho chúng ta phải biết nhìn lại và điều chỉnh những hạn chế trong ứng xử. Nhưng khi việc phê phán mang tính miệt thị, đưa ra những cái xấu để sỉ nhục thì đó lại là sự phản ánh của một nhân cách thiếu tự trọng với sự nông cạn trong ứng xử.


Bản chất của vấn đề

Nhưng tại sao lại có tình trạng này ở giới trẻ ? Chúng ta đều biết “không có lửa thì sao có khói” phải chăng chính những biểu lộ hành vi, ngôn ngữ và cách hành xử không đẹp của những người ở một số địa phương, đã tạo ra cái cớ, cái ấn tượng để khiến các bạn trẻ phải “bức xúc một cách không chính đáng” với những ngôn từ “không đẹp” để nói về một phong cách cũng “không đẹp”! Cái gốc ở đây, có lẽ là do một trong những quan điểm sống của người “Việt mình” Đó là sự chỉ biết mình, chỉ biết gia đình mình và vô cảm với những trách nhiệm xã hội ! Ngay từ bé, trẻ đã nhận được sự chăm sóc, bảo bọc mà hầu hết là dẫn đến sự nuông chiều, khiến nhiều em trở nên ích kỷ và rất dễ tự ái. Thế nhưng, chính điều đó lại làm cho các em thiếu lòng tự trọng, và dễ đưa đến thói quen chỉ biết chỉ trích, miệt thị người khác và cũng chỉ biết và dám đến thế. Khi trẻ bắt đầu thể hiện những tính cách đó, các bậc cha mẹ lại không nhận ra, hoặc có khi lại còn khuyến khích, tiếp tay với những hành vi “chỉ biết ích lợi bản thân” vì cho rằng, đó mới là cách sống khôn ngoan. Điều này khiến một số bạn trẻ không còn biết đâu là giới hạn trong ứng xử.

Bên cạnh đó, chính thái độ “chỉ biết mình” cũng khiến chúng ta không mạnh dạn góp ý hay điều chỉnh các hành vi, thái độ tiêu cực của những người xung quanh, từ việc “vô cảm” trước những nỗi đau, những khó khăn của người xung quanh, cho đến sự làm ngơ trước những thói xấu trong cuộc sống. Nhưng đến khi cần lên tiếng, thì lại xử dụng những ngôn từ nặng nề mang nặng tính chê trách, thiếu tính xây dựng và phần lớn là “vơ đũa cả nắm”. Thế rồi, để phản ứng lại thì nhiều người lại tiếp tục xử dụng cũng những ngôn từ mà phần lớn vẫn mang nặng tính phê phán để “ném đá” một cách thiếu công bằng và tỉnh táo về những phê phán thiếu tế nhị, tuy nặng nề nhưng cũng không phải là quá đáng của một số bạn trẻ. Nói cách khác, chúng ta phê phán cái sai bằng một cái sai, và chúng ta lại phê bình cái sai đó cũng bằng một cái sai nữa ! Mặc dù điều đó có thể đem lại những kết quả, nhưng đó chỉ ở cái ngọn, hay ở ngoài da mà không làm cho các đối tượng phải “tâm phục – khẩu phục” để có những biến chuyển thật sự trong hành vi, ứng xử của mình.


Điều chỉnh từ gốc

Có thể nói, sự phân biệt kỳ thị vùng miền không chỉ là ở một số bạn trẻ, mà nó còn là một thái độ, hay thậm chí là một phản ứng của một bộ phận không nhỏ người Việt chúng ta từ xưa đến nay mà ông cha ta đã lưu ý “ Chém cha không bằng pha tiếng” để nhắc nhở con cháu trong thái độ ứng xử ngoài xã hội với những cách nói địa phương. Ngược lại, cũng chính những phản ứng thái quá mang tính “địa phương” do những yếu tố về tố chất và địa lý của những cư dân có nguồn gốc ở một số tỉnh thành đã đem lại thành kiến xấu về họ. Điều này đã kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác mà hầu như là không thể khắc phục. Vì thế, những lời phê phán từ nhẹ nhàng đến nặng nề đã và sẽ không thể cải thiện được, mà phải là những biện pháp giáo dục lối sống, hành vi ứng xử mà mỗi gia đình cũng như trong nhà trường cần phải được vận dụng một cách hợp lý và lâu dài để từng bước thay đổi nhận thức cho các bạn trẻ, mà có lẽ điều quan trọng nhất chính là sự làm gương của người lớn trong cách ứng xử với những người không phải là “người mình” ! Bên cạnh đó cũng phải có những quy định rõ ràng bằng một hệ thống văn bản pháp quy những biện pháp chế tài một cách hợp lý, đúng mức những hành vi, ngôn ngữ không thích hợp ngoài xã hội, nơi công cộng. Đó phải là những chuẩn mực để giúp cho mọi người biết đâu là điểm dừng để không được “xả rác” từ những vật dụng cho đến những ngôn từ và cách ứng xử sao cho đúng với một xã hội văn minh và có văn hóa.


CvTl Lê Khanh

( Báo Pháp Luật TP.HCM 23/7/2012)


Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý