Ảo vọng hay Hy Vọng !
24/12/2016
Những điều đặc biệt về Trẻ đặc biệt
07/01/2017
Ảo vọng hay Hy Vọng !
24/12/2016
Những điều đặc biệt về Trẻ đặc biệt
07/01/2017

Một trong những khiếm khuyết điển hình của trẻ tự kỷ là những rối loạn trong giao tiếp, bao gồm tình trạng chậm nói hoặc chỉ là những phát âm linh tinh không ai hiểu và những hành vi, thái độ bất thường khiến trẻ không thể hòa nhập và thích nghi được với môi trường xung quanh. Vì điều này nên tự kỷ được xem là một trong những khó khăn nhất trong các dạng khuyết tật trí tuệ ở trẻ.

Do đây là những dấu hiệu rõ ràng, dễ thấy nhất nên chúng ta hay xem  đó làm dấu hiệu chẩn đoán  cần có, khiến cho việc phát hiện trẻ tự kỷ thường khá chậm trễ, vì phải trên 2 tuổi thì những khó khăn về ngôn ngữ và giao tiếp mới thực sự bộc lộ.  Ngoài ra cũng vì xem đó là những  dấu hiệu tiêu biểu của chứng tự kỷ, nên có nhiều người cho rằng chỉ cần tác động, can thiệp hay điều trị sao cho trẻ có thể nói được, ít nhất là bật ra một số âm từ có nghĩa, và giảm đi những hành vi, cử chỉ bất thường trong giao tiếp là trẻ đã được xem có khả năng “ hồi phục” hay “ thoát khỏi”  tình trạng bất hạnh này.

Những dấu hiệu ban đầu :

Thực ra, những dấu hiệu báo động cho tình trạng “rối loạn giao tiếp” ở trẻ đã có ngay từ khi trẻ mới sinh ra đời, khi mà “ngôn ngữ – giao tiếp” của trẻ mới chỉ là những nụ cười – tiếng khóc, ánh mắt nhìn dõi theo khuôn mặt của bố mẹ và những cử chỉ “ phi ngôn ngữ” mà trẻ bộc lộ qua việc cầm, nắm, sờ chạm hay quay đầu để dõi theo một tác động nào đó.

Trong 3 tháng đầu đời, trẻ đã có thể nhận ra khuôn mặt quen thuộc của mẹ, có thể giao tiếp bằng tiếng khóc  và đã có những phản xạ cầm nắm. Đây cũng chính là các dấu hiệu để phát hiện nguy cơ tự kỷ nơi trẻ sơ sinh khi mẹ thấy bé tiếp xúc với mình bằng một cái nhìn thờ ơ, hầu như không có cảm xúc nào bộc lộ trên khuôn mặt. Trẻ cũng có những tiếng khóc đanh và cao, đồng thời phản xạ cầm nắm của trẻ rất lỏng lẻo.

Trong những tháng kế tiếp, trẻ thường thích được bạn ôm ấp, vuốt ve, biết lắng nghe những câu nói, đặc biệt là với những câu nói như hát, hay những bài vè, bài thơ mà trẻ “nghe bằng trái tim” . Trẻ cũng biết đòi bế, thích thú với những người thân đang ở xung quanh mình… thậm chí là có phản ứng khi được gọi tên dù trẻ hoàn toàn không hiểu nghĩa, mà chỉ cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương của bố mẹ. Ngược lại, nếu trẻ không có các phản ứng này thì phải xem đó là điều đáng báo động.

Với những trẻ có nguy cơ tự kỷ thì hầu như trẻ có vẻ như ngủ suốt ngày, khi thức giấc thì tỏ ra hiền lành đến mức lãnh đạm trước những tác động của những người xung quanh và cũng hề tỏ ra lo lắng, sợ hãi khi phải nằm một mình, xa cách người thân trong một khoảng thời gian.

Điều này cho thấy, việc thiếu quan tâm chăm sóc, thiếu sự ôm ấp gần gũi, cho bú mớm của  người mẹ không phải là nguyên nhân gây ra tự kỷ. Ngược lại, chính sự qun tâm chăm sóc sẽ giúp bố mẹ phát hiện ra những  thái độ lãnh đạm, ánh mắt thờ ơ, thiếu cảm xúc khi được ôm ấp … để có thể áp dụng ngay những biện pháp can thiệp , tuy không thể “ chữa lành” một tình trạng rối loạn  bẩm sinh nhưng có thể làm cho các khó khăn của bé giảm thiểu một cách đáng kể, chứ không nhất thiết phải đợi đến khi trẻ trên 2 tuổi, mới có thể đưa đến các bệnh viện phòng khám để được chẩn đoán xác định và sau đó mới áp dụng các biện pháp can thiệp sớm.

Phát triển vận động là tiền đề cho ngôn ngữ:

Khi trẻ được 6 tháng thì một trong những điều mà trẻ có thể làm được là bò, có thể trẻ biết bò sớm hơn hay trễ hơn thời điểm này một vài tháng, nhưng việc bò cũng là một dấu hiệu phát triển thần kinh cần có nơi trẻ, và những bé bỏ qua giai đoạn này mà ta thường gọi là trốn bò, cũng phải xem là một dấu hiệu cần lưu ý vì sự phát triển khả năng vận động thô, sau đó là các vận động tinh là tiền đề cho sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp sau này của trẻ.

Để giúp cho trẻ bò tốt, hay đúng hơn là phát triển được khả năng phối hợp tay chân, kiểm soát được sự vận động của cơ thể, thì ngay từ khi trẻ được 1 -3 tháng tuổi, chúng ta hãy kích thích phản xạ đeo bám cho bé, tập cho bé nằm lên hai cánh tay của bố hay mẹ, hai bàn tay của bố đỡ lấy đầu của trẻ , để cho hai tay bé ôm lấy 2 cổ cánh tay mình và hai chân vòng qua hai cùi chỏ, từ đó sẽ đung đưa nhẹ nhàng từ trái sang phải. Việc tập cho trẻ đeo bám lấy cánh tay hay một phần cơ thể của mẹ ngay từ bé, sẽ kích thích được cảm giác an toàn nơi bé, tạo được sự gắn kết với con, đây chính là những điều mà trẻ tự kỷ rất yếu và thiếu. Vì vậy việc tái tạo sự gắn kết với trẻ ngay từ nhỏ, sẽ có giá trị lớn trong việc giảm thiểu nguy cơ về phát triển của trẻ.

Khi cho trẻ nằm ngửa một cách thoải mái trên giường, tự do vận động tay chân cũng là một biện pháp kích thích khả năng vận động nơi trẻ. Chúng ta có thể nắm lấy hai bàn tay nhỏ bé và nâng hai cánh tay của bé lên vài lần. Cũng làm thế với hai chân khi chúng ta nắm lấy hai bàn chân của trẻ, vừa xoa bóp vừa đẩy lên đẩy xuống như đạp xe đạp… Nói cách khác hãy “ tập thể dục” một cách nhẹ nhàng cho trẻ trong tư thế nằm với những nụ cười, ánh mắt yêu thương và những bài hát nhẹ nhàng có vần điệu ngay từ 1 – 2 tháng tuổi để giúp trẻ phát triển khả năng vận động.

Để phát triển mối tương tác mẹ – con thì ngoài việc cho con bú, chúng ta hãy có những giờ phút thư giãn cùng con – Mẹ nằm ngửa trên sàn trải chiếu hay thảm, đặt con nằm trên ngực trần của mình, đầu của bé sẽ áp sát vào ngực mẹ, và lấy hai tay ôm lấy con, có thể co đầu gối lại để đặt hai bàn chân trên mặt sàn. Sau đó hít thật sâu và dướn mình cho xương sống ép sát xuống sàn, rồi từ từ thở ra thật nhẹ nhàng cho thật hết khí trong phổi, nín thở vài giây rồi tiếp tục hít vào, làm động tác này vài lần. Trẻ sẽ cảm nhận được nhịp đập của trái tim và làn hơi thở của mẹ. Hoạt động này sẽ giúp cho trẻ tái tạo lại mối gắn kết mẹ con, từ đó sẽ giảm đi những lo lắng.

Tất cả những điều này cũng như những tác động giúp trẻ phát triển khả năng nghe, nhìn, sờ chạm ngay từ nhỏ, sẽ là những biện pháp phòng ngừa tốt nhất , khiến cho tình trạng tự kỷ nếu có sẽ có thể giảm nhẹ ở mức thấp nhất. Sau này nếu trẻ bộc lộ những khó khăn trong giao tiếp thì cũng sẽ dễ dàng tiếp nhận những biện pháp can thiệp sớm của bố mẹ các em một cách hiệu quả hơn.

Chúng ta không đợi đến khi trẻ bộc lộ một cách rõ rệt tình trạng chậm nói, rối loạn hành vi mới đi tìm các phương pháp can thiệp, trị liệu bằng bất cứ giá nào, kể cả với những biện pháp phi khoa học với suy nghĩ : Đây là một căn bệnh, biết đâu sẽ có thể chữa lành.. để rồi tiền mất, tật còn, phí công mất sức với những tay lang băm tán hươu tán vượn. Bố mẹ hãy chủ động can thiệp ngay khi trẻ còn nhỏ, nếu thấy có những dấu hiệu nguy cơ.

Ngay cả khi trẻ không bộc lộ một dấu hiệu nguy cơ nào, và lớn lên một cách bình thường thì những hoạt động giúp trẻ phát triển giác quan và vận động, đáp ứng các nhu cầu cảm xúc cho trẻ ngay trong những năm tháng đầu đời qua trong việc ôm ấp, vuốt ve, chơi đùa để giúp trẻ phát triển giác quan – vận động – cảm xúc cũng hết sức cần thiết để trẻ có được những kỹ năng giao tiếp xã hội một cách đầy đủ hơn khi lớn lên.

CvTL LÊ KHANH

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý