Giúp con thích thú khi học tập
27/06/2012
Giá trị sống trong gia đình
04/07/2012
Giúp con thích thú khi học tập
27/06/2012
Giá trị sống trong gia đình
04/07/2012

(CATP) Những trận đòn roi phủ xuống đầu các em thơ, những hành động dạy con phản giáo dục đang làm cho nhiều đứa trẻ phải sống trong cảnh bất hạnh. Nạn nhân của tệ bạo hành trong gia đình giờ đây không chỉ là phụ nữ mà còn có cả trẻ em.

NHỮNG KIỂU DẠY CON KỲ LẠ

Mới đây, Báo CATP đã có bài phản ánh về việc em Châu Văn Phúc Thiên (SN 1999) bị cha mẹ ruột đánh đến chấn thương ở thôn Đắc Nhơn 2, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. Điều đáng nói vụ việc xảy ra vào đúng ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6. Trước đó, suốt nhiều ngày, Thiên đã bị mẹ xích vào cửa bằng sợi dây dài khoảng 3 mét, với ba ổ khóa. Cứ mỗi lần rượu vào là ông Châu Văn Tuấn (SN 1972, bố Thiên) lại lôi em ra đánh đập. Khoảng 13 giờ ngày 1-6-2012, bà Tô Thị Hồng Vân (SN 1976, mẹ Thiên) trước khi đi làm lại tiếp tục xích con vào cửa. 15 phút sau, ông Tuấn uống rượu say về bắt đầu hành hạ Thiên, đến mức bà Vân phải nhờ người cầu cứu công an xã.

Đại úy Đinh Đoàn Tư – Đội tuyên truyền, Phòng Công tác chính trị, Công an Ninh Thuận, một trong những người thực hiện đoạn phóng sự trên, phát sóng trên hai kênh truyền hình VTV và ANTV – cho biết: “Chúng tôi không thể hình dung tại sao lại có những người cha, người mẹ tàn ác như thế!”.

Cách đây chưa lâu, tại Đắk Nông cũng xảy ra trường hợp hy hữu: người cha bắt hai cậu con trai bò giữa phố vì chúng nghiện game, không chịu học hành tử tế. Ông này tâm sự: “Tôi thà mang tiếng ác, chỉ mong các con nên người”. Không chỉ ở các tỉnh mà ngay tại TPHCM cũng từng xảy ra những trường hợp đau lòng. Bé T.T.M ở quận 9 bị cha đẻ dùng ống nước quất tới tấp lên người vì trót lấy trộm tiền trong ống heo và hay đi chơi quậy phá. Vì mê game mà một cậu bé 13 tuổi phải đeo tấm bảng ghi dòng chữ “Tôi là thằng ăn cắp” ở quận Tân Bình…


Cháu Thiên bị mẹ xích lại cho bố đánh


THỰC THI QUYỀN TRẺ EM

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh – phụ trách Phòng tư vấn tâm lý trẻ em & gia đình TPHCM – cho biết, tình trạng cha mẹ đánh đập, hành hạ con cái là điều đã từng xảy ra. Tuy nhiên, đi đến mức bạo hành lại cho thấy những bất ổn trong cuộc sống gia đình hiện nay.

Trước hết, đứng về phương diện xã hội thì Luật trẻ em hay Công ước quốc tế về quyền trẻ em (đã được Việt Nam ký kết từ năm 1990) đến nay vẫn còn là một điều xa lạ, mơ hồ với không ít gia đình, đặc biệt là ở những vùng quê và trong các tầng lớp lao động. Điều này khiến quan điểm “con cái là quyền sở hữu của cha mẹ, có thể làm bất cứ điều gì với chúng” vẫn còn là nhận thức nông cạn mà đôi khi ngay cả với một số cán bộ địa phương cũng vướng phải. Khi đứng trước những vụ xâm hại, bạo hành trong gia đình, họ cho đó là chuyện trong nhà, người ngoài không có quyền can thiệp.

Ngoài ra, trình độ nhận thức kém cũng là một yếu tố khiến nhiều bậc cha mẹ cho rằng đòn roi là biện pháp giáo dục nhanh và hiệu quả nhất. Họ không hiểu rằng sau một vài kết quả ban đầu thì đứa trẻ ngày càng trở nên chai sạn hơn và điều đó làm cho mức độ trừng phạt phải tăng nặng, cho đến khi cha mẹ mất kiểm soát để trở thành hành vi bạo hành.

Những áp lực của cuộc sống trong việc mưu sinh cũng khiến cho nhiều bậc cha mẹ căng thẳng, mệt mỏi, nóng tính hơn. Khi đứng trước những vấn đề không giải quyết được, gặp phải những ức chế không giải tỏa nổi thì việc đánh đập con như một cơ hội để họ xả stress, chính điều đó dễ đưa đến tình trạng không còn giữ được bình tĩnh khi áp dụng biện pháp trừng phạt con. Cũng có khi do kinh tế ngày càng khó khăn, áp lực nuôi dưỡng con cái ngày một nặng nề hơn, trong khi đứa trẻ vốn đã được nuông chiều cứ vô tư đòi hỏi, không biết tiết kiệm hay tỏ ra quý trọng những gì mà cha mẹ mua sắm cho cũng khiến các bậc phụ huynh nổi cơn thịnh nộ và cuối cùng phản ứng bằng bạo lực.

Có thể nói, trong vấn nạn bạo hành trẻ em trong gia đình, chỉ có nạn nhân mà không có thủ phạm. Con cái là nạn nhân đã đành, nhưng chính cha mẹ cũng là nạn nhân của sự mất kiểm soát, của tình trạng căng thẳng về kinh tế – xã hội mà họ đang phải gánh chịu hằng ngày. Vì thế, việc cung cấp cho các gia đình những kiến thức từ kỹ năng làm cha mẹ cho đến những hiểu biết về luật pháp, cả những phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của người lớn đối với trẻ em cần được sự quan tâm, phổ biến một cách sâu rộng, tích cực hơn nữa.

Bên cạnh đó sự giám sát, can thiệp một cách tích cực, nhanh chóng và mạnh mẽ từ phía cơ quan chức năng đối với các quy định xử phạt vi phạm về quyền trẻ em một cách rõ ràng, cụ thể trong từng mức độ sai phạm cũng giúp cho thế hệ tương lai của đất nước được bảo vệ một cách hợp pháp, đầy đủ hơn trong xã hội ngày nay. Mặt khác, việc dạy dỗ con cái phải khoa học, hợp lý, tránh những việc thái quá rất dễ xảy ra sang chấn tâm lý khiến tâm hồn con trẻ bị tổn thương.


AN HÒA

( Báo Công An Thành Phố sô 2259 ngày 28/6/2012)


Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý