Ứng dụng của Tâm lý lâm sàng trong trị liệu và tham vấn
22/04/2011
Tâm lý trị liệu và vai trò nhà trị liệu
23/04/2011
Ứng dụng của Tâm lý lâm sàng trong trị liệu và tham vấn
22/04/2011
Tâm lý trị liệu và vai trò nhà trị liệu
23/04/2011

Trị liệu Hệ thống ( Thérapie systémique) là một trong những phương pháp trị liệu gia đình được xây dựng từ những năm 1955 – 1956, từng bước hình thành các khái niệm và biện pháp..

cũng như các công cụ trong thập niên 1980 với các nhà tâm lý như …Murray Bowell, Salvador Minuchin hay bác sĩ tâm thần Boszormenyi Nagy…

Phương pháp trị liệu tâm lý cho gia đình

Phương pháp này tìm kiếm các yếu tố của gia đình, hay đúng hơn là của các thành viên trong gia đình có khả năng tác động lên tâm lý một cá nhân, phát hiện những chiều kích đa dạng trong các mối quan hệ, sử dụng và khai thác cây gia hệ (génogramme) để phát hiện những mối tương quan xuyên thế hệ, những bí mật hay huyền thoại trong gia đình hay sự rối loạn chức năng (dysfonctionnelles) của gia đình để từ đó đưa ra những biện pháp tác động thích hợp.

Có thể nói, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rối nhiễu nói trên nơi trẻ em là do các mối quan hệ trong gia đình không ổn định. Vì vậy, khi sử dụng phương pháp trị liệu hệ thống để giúp cho cha mẹ các em nhìn ra vấn đề, hay thay đổi được cách nhìn về tình trạng rối nhiễu của các em thì nhà tâm lý đã tiến được một bước dài trong tiến trình tư vấn và trị liệu cho trẻ.

Chúng ta thường hình dung về gia đình như một nơi hội tụ, gắn bó những con người thân thương, cùng huyết thống, và cùng cư trú với nhau… Thế nhưng, cuộc sống của những con người ấy lại luôn chịu ảnh hưởng bởi những những luật lệ, những trật tự sắp xếp, cùng những vai trò của từng cá nhân thành viên bên trong gia đình – những điều mà tự lúc nào đã hình thành bên trong “gia đình gốc” của chúng ta, những quy định “bất thành văn”, từ đó khiến gia đình trở thành một thực thể có tổ chức riêng, có đặc tính phát triển đặc thù riêng của từng gia đình, dù vẫn tuân theo các quy luật vận hành chung của cả xã hội.

Có thể nói một cách khái quát, gia đình là tập hợp các thành viên có mối dây liên hệ gắn bó hoặc do cùng một huyết thống (cha mẹ – con, anh chị em ruột…) hoặc do luật định (vợ-chồng, con nuôi…), và những thành viên ấy cùng chia sẻ chung một (nhiều) nơi cư trú, và cùng chịu ảnh hưởng chung từ những quy luật vận hành nêu trên.

Đối với gia đình Việt Nam, thì những quy luật trong gia đình được gọi là Gia phong, đó là một hệ thống các khuôn mẫu, phép tắc, nhằm quy định, “cho phép” các thành viên trong gia đình tương tác, trao đổi với nhau, thông qua đó mỗi cá nhân trong gia đình phải tuân thủ các quy tắc và làm tốt các vai trò theo sự đòi hỏi của gia đình.

Salvador Minuchin, một nhà tâm lý trị liệu gia đình nổi tiếng người Mỹ gốc Argentina, quan niệm gia đình như một cơ cấu tổ chức, trong đó các thành viên được sắp xếp vào những thang bậc có trật tự, mỗi người đảm nhận những chức năng và vai trò cụ thể. Trong cơ cấu ấy, có những đường “ranh giới” phân chia giữa những người hoặc nhóm người có vai trò khác nhau.

Các hệ thống trong gia đình

Có một đường ranh giới phân chia giữa bố mẹ và các con thành hai tiểu hệ thống: tiểu hệ thống “bố mẹ” và tiểu hệ thống “con cái”; cả hai tiểu hệ thống đều thuộc về một hệ thống chung là cả gia đình và mỗi tiểu hệ thống đó lại có những vai trò, chức năng phụ thuộc qua lại với tiểu hệ kia. Bố và Mẹ đồng thời cũng tạo thành tiểu hệ thống “vợ chồng” – tương tự như vậy, các con cũng tạo thành tiểu hệ “anh chị em” – khi ta xem xét vai trò và chức năng giữa họ với nhau.

Minuchin nhấn mạnh vào vào tính chất linh hoạt của những đường ranh giới ấy; tính chất linh hoạt nhiều hay ít của các đường ranh giới thể hiện bản chất các mối quan hệ và sự giao tiếp giữa các thành viên, giữa các tiểu hệ bên trong gia đình. Các đường ranh giới phân chia giữa các cá nhân hoặc giữa các tiểu hệ thống với nhau có thể ở một trong ba trạng thái sau:

Ranh giới cứng nhắc: là loại ranh giới thể hiện sự xa cách rõ ràng giữa các thành viên, ngăn trở sự giao lưu, thông hiểu giữa các thành viên và các tiểu hệ.

Ranh giới lỏng lẻo: là loại ranh giới không rõ ràng, nó xóa nhòa tính cách riêng tư của các cá nhân, khiến các thành viên như bị “kết dính” lại, khó phân định được cái riêng và cái chung, làm hạn chế sự phát triển tính độc lập và bản sắc của các cá nhân.

Đường ranh giới được xem là lành mạnh gọi là ranh giới uyển chuyển (hay ranh giới rõ ràng): là loại ranh giới thể hiện trạng thái trong đó từng thành viên, từng cá nhân vẫn được phép phát triển như một chủ thể độc lập, trong khi vẫn duy trì những gắn bó tình cảm, giao lưu, trao đổi các thông tin hiệu quả với những thành viên khác bên trong gia đình.

Đường ranh giới có thể thay đổi tùy theo giai đoạn phát triển của gia đình. Khi cần một sự “kết dính”, để gia tăng sự gắn bó giữa các thành viên thành một khối, các đường ranh giới có thể bị xóa nhòa, lợi ích gia đình được ưu tiên hơn cá nhân, như trong những trường hợp gia đình đang trải qua đại nạn, đau thương, mất mát… Rồi những đường ranh giới cũng có lúc trở nên cứng nhắc, gia tăng tính khác biệt giữa các cá thể, hoặc khẳng định bước chuyển trong sự phát triển và trưởng thành của một cá nhân nào đó trong gia đình, như trong trường hợp gia đình có sự lớn lên của một trẻ vị thành niên, hoặc có một người con trưởng thành. Điều cần quan tâm là khi trong gia đình có nhiều đường ranh giới cứng nhắc sẽ khiến các thành viên trong gia đình trở nên xa cách, khó hình thành được những quan hệ gắn bó. Ngược lại, nếu có nhiều đường ranh giới lỏng lẻo, gia đình sẽ dễ có khả năng rơi vào trạng thái “hỗn độn”, các thành viên bên trong gia đình sẽ phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều, chuyện buồn vui của một người dễ “lây lan” thành chuyện của mọi người!

Tất cả những trạng thái “quá xa cách” hoặc “quá hỗn độn” nếu xảy ra với tính chất thường xuyên, hằng định, khó thay đổi theo yêu cầu của cuộc sống sẽ là yếu tố góp phần hình thành nên những vấn đề của gia đình.

Lâu nay, khi một người gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống, thường chỉ được xem xét dưới góc độ cá nhân. Căn nguyên được xét đến có thể là do nội tâm người đó có xung đột, cảm xúc thiếu ổn định hoặc do người đó thiếu những kỹ năng trong suy nghĩ và trong hành động khiến phát sinh vấn đề kém thích nghi trong cuộc sống. Ví dụ: một thiếu niên học tập sa sút và kỷ luật kém ở nhà trường thường được quy là do học lực kém, phương pháp dạy và học chưa phù hợp, hoặc là do em ở lứa tuổi “ham chơi”, thích phản ứng “bùng nổ” vv… Thế nhưng, khi quan sát cũng vấn đề ấy của thiếu niên ấy qua cái nhìn toàn cảnh gia đình thì sự việc em học kém, vi phạm kỷ luật lại có thể là chỉ báo của một “bệnh lý gia đình” – nói theo cách của những nhà tâm lý trị liệu theo quan điểm hệ thống. Sự kiện này khi xảy ra tự nó có ý nghĩa là nhằm “sửa chữa lại một cái gì đó không hay trong cơ cấu và sự vận hành của hệ thống gia đình đó”. Cụ thể là thiếu niên kia thể hiện triệu chứng như thể em đang “e ngại” việc mình sắp sửa trưởng thành; hoặc có thể em muốn cha mẹ quan tâm đến mình nhiều hơn; hoặc vì sâu xa em đang biến mình thành một “vấn đề chung” để hai cha mẹ đang mâu thuẫn phải cùng nhau giải quyết và nhích lại gần nhau hơn vv…

Hữu ích cho cá nhân

Cái nhìn toàn cảnh gia đình còn có thể được mở rộng hơn khi liên kết sự kiện này với các yếu tố “xuyên thế hệ”. Chẳng hạn, thiếu niên này có thể không học tập tiếp được vì để “thể hiện sự trung thành một cách vô thức với việc người cha cũng từng bị gãy đổ việc học trong quá khứ”? (sự việc này không xảy ra trong những gia đình lành mạnh, khi mỗi cá nhân “được phép” phát triển phù hợp với khả năng của bản thân và yêu cầu của xã hội; việc “con hơn cha” là điều được chấp nhận).

Nói tóm lại, vấn đề trở ngại trong cuộc sống của một cá nhân có thể là triệu chứng biểu hiện của một cơ cấu gia đình lệch lạc hoặc một sự vận hành đời sống gia đình kém hiệu quả. Thiếu niên có vấn đề kể trên được xem là “con bệnh được nêu danh” nói theo kiểu chuyên môn là “bệnh nhân chỉ định” hoặc gọi theo một cách thức ẩn dụ là “kẻ chịu tội thay” cho cả gia đình!

Và chính vì thế, khi một đứa trẻ rối nhiễu được đưa đến nhà tư vấn hay trị liêu hệ thống, thì nó không chỉ được xem xét, chẩn đoán trên bình diện cá nhân mà còn phải được xem như một nguyên nhân hay hậu quả của một sự thiếu ổn định trong gia đình, và việc có những tác động có thể làm bình ổn tình trạng này thì có thể làm giảm thiểu đi những rối nhiễu nơi đứa trẻ.

Cv.tL LÊ KHANH

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý