Chăm sóc trẻ sơ sinh
27/02/2016
Lớp Huấn Luyện Giáo Viên Đặc Biệt Khóa II
11/03/2016
Chăm sóc trẻ sơ sinh
27/02/2016
Lớp Huấn Luyện Giáo Viên Đặc Biệt Khóa II
11/03/2016

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên một trang báo mạng “vô danh tiểu tốt” bỗng dưng làm xôn xao dư luận bằng hai bài viết và một bài phỏng vấn chuyên gia – đều xoáy vào một đề tại không có gì là mới, nhưng lại luôn nóng bỏng : Chữa bệnh cho trẻ Tự kỷ.

 

 

Hội chứng được gọi là “bệnh tự kỷ” không phải như con virut Zika mới được phát hiện mới đây mà đã được khám phá ra từ những năm 1943 do BS Leo Kanner và đến năm 1999, các chuyên gia đã xếp chứng tự kỷ vào nhóm các rối loạn lan tỏa ( sách DSM IV –TR năm 2000 ) nhưng đến sách DSM – V ( 2013 ) thì lại xem tự kỷ là những rối loạn – suy kém trong giao tiếp xã hội và có những hành vi kỳ quặc hay lập đi lập lại. Còn về biểu hiện thì những nghiên cứu khoa học cho thấy có từ 75-88% trẻ em Tự kỷ đã bộc lộ những rối loạn trong 2 năm đầu đời và có 31-55% biểu hiện triệu chứng trong năm đầu tiên ( Young&Brewer 2002). Như vậy có đến gần một nửa trẻ tự kỷ được chẩn đoán phát hiện trong năm đầu tiên của cuộc sống. Điều này cho thấy đây không phải là một căn bệnh do những tác nhân bên ngoài tác động mà là do những yếu tố bẩm sinh ngay từ khi trẻ còn là thai nhi. Vì thế cho đến nay trên thế giới vẫn chưa có một loại thuốc hay một phương pháp nào đơn lẻ mà có thể điều trị cho trẻ tự kỷ trở lại bình thường.

Tại Việt Nam, sự hiểu biết về Tự kỷ mới chỉ có từ 20 năm trở lại đây mà xuất phát điểm là từ hội thảo đầu tiên về Tâm lý Lâm sàng trẻ em tại Hà Nội năm 1991 do trung tâm nghiên cứu Tâm lý trẻ em N-T tổ chức. Cho đến nay, thì hầu hết mọi người trong giới chuyên môn từ Y khoa đến tâm bệnh lý đều đã có những hiểu biết nhất định về tự kỷ. Thế nhưng bên cạnh những biện pháp chú yếu là can thiệp bằng các hoạt động giáo dục và trị liệu tâm lý đã được minh chứng có hiệu quả ít nhiều trên đứa trẻ, tùy theo tình trạng nặng – nhẹ và sự quan tâm của gia đình bằng những tác động hợp lý , thì cũng phát sinh rất nhiều những biện pháp mơ hồ, thiếu cơ sở khoa học dựa vào tâm lý lo lắng và mong đợi sự “bình phục hoàn toàn” như một “bệnh lý” của phụ huynh, để đưa ra những hình thức trị liệu kỳ quặc mà xuất phát chủ yếu là do sự mê tín dị đoan hay thiếu kiến thức của chính những người giới thiệu các liệu pháp này.

Chúng ta phải xác định là bên cạnh Tây y với những loại thuốc hay kỹ thuật trị liệu đã được minh chứng, thì còn những nền y học cổ truyền, thậm chí là bí truyền hoặc những mẹo chữa bệnh mà khoa học cũng khó giải thích. Nhưng đó là những kỹ thuật “điều trị” đối với những bệnh căn có nguồn gốc thể chất, từ việc trúng gió, đau bụng cho đến các chứng gây ra tổn thương về hệ thống thần kinh, xương khớp…

Nói cách khác, đây là những tổn thương xẩy đến cho một cơ thể bình thường, khỏe mạnh…do một hay nhiều yếu tố từ bên ngoài, hay trải qua một số tai nạn, khiến cho cơ thể bị tổn thương, mất đi sự quân bình của các cơ quan bên trong, khiến cơ thể trở nên suy yếu, đau đớn.. Các biện pháp trị liệu sẽ tác động để trả lại cho cơ thể người bệnh sự bình thường vốn có của họ.

Còn đối với các tật chứng, mà khoa học đã xác nhận là mang tính bẩm sinh về mặt tâm thần hoặc tinh trạng khuyết tật các giác quan về mặt thể chất, thì chỉ có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ mang tính phục hồi các khả năng đã khiếm khuyết ngay từ nhỏ. Đó là một nguyên lý mà ai cũng phải chấp nhận.


Nếu dựa vào cơ sở lý luận để xác định về nguyên nhân thì các phương pháp được mệnh danh là “thần kỳ” như việc điều trị “bệnh tự kỷ” bằng cạo gió của bà Lang Nùng, hay mơ hồ hơn là bằng việc tu ttâm dưỡng tánh, ăn chay nằm đất của lương y Võ hoàng Yên thì chúng ta thấy được gì ?

Theo lý giải của bà Lục Thị Bích, nguyên nhân dẫn đến chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ có thể là do khí hàn thâm nhập vào nội tạng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là sự phát triển của não bộ. Bà Bích lý luận: “Khi dạy cho tôi về nghề y, các bà mế cũng nói kỹ về chứng tự kỷ của trẻ – chúng tôi gọi là chứng “trống đánh trong đầu”.

Ví dụ, có cháu chậm cắt rốn hoặc có cháu bị lạnh đột ngột, cái lạnh ăn vào phổi, rồi ảnh hưởng đến tim gan, xông lên não. Hoặc, cũng có thể do cháu bé uống kháng sinh quá sớm, dẫn đến sức đề kháng kém đi, làm khí lạnh dễ dàng thâm nhập.

Với chứng bệnh như vậy, lấy gió là phương pháp rất đúng đắn, có tác dụng giải trừ khí lạnh trong cơ thể đứa bé, giúp cháu phát triển bình thường”.

Còn với ông Yên: Thường 10 trẻ tự kỷ đến Trung tâm Võ Hoàng Yên ở Hà Tĩnh, có đến 9 cháu bị từ chối. Lý do rất đơn giản là chưa đến duyên. Chữ duyên trong đạo Phật rất mênh mông và vi diệu, nhiều người nghe không hiểu được.

Tự kỷ không phải là thân bệnh mà là tâm bệnh. Thần y Hoa Đà nói rằng: “Người bệnh là gốc, thầy thuốc là ngọn”. Nhưng với trẻ tự kỷ thì bố mẹ của người bệnh là gốc.

Như vậy, hai phương pháp do 2 người được gọi là lương y khi nói về nguyên nhân đã hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Một người thì cho rằng trẻ sinh ra bình thường nhưng do khí lạnh xâm nhập vào mà phát bệnh. Còn một người thì nói là tâm bệnh, không phải do trẻ mà do bố mẹ của trẻ có lẽ là do ăn ở thiếu đức, thiếu tâm nên con mới bị như thế.

Khoan nói đến những cơ sở khoa học, nếu chỉ dựa trên  cơ sở lý luận Đông Y mà trong đó, yếu tố Khí và Huyết cũng như sự quân bình Ậm Dương là điều quan trọng, thì việc nói rằng khí lạnh xâm nhập vào phổi, rồi từ phổi “xông lên não” là hoàn toàn phi lý. Bởi vì chỉ cần khí lạnh xâm nhập vào phổi thì cơ thể đã phản ứng bằng việc ho và có tình trạng cảm lạnh, đặc biệt với trẻ nhỏ thì chắc chắn phải có biện pháp điều trị..còn đợi đến khi nó “xông lên” não để gây ra “bệnh Tự kỷ” thì có được bao nhiêu người ? Còn nếu nói là do trẻ uống kháng sinh khiến sức đề kháng yếu đi, thì đứng về mặt tây y, trẻ uống kháng sinh nhiều và sớm, có thể xẩy ra tình trạng lờn thuốc, khi bị bệnh sẽ phải uống liều cao hơn. Và nếu cơ thể bị nhiễm lạnh thì sẽ có tình trạng cảm lạnh, hoặc ho, hoặc viêm phổi, hoặc nóng sốt …. Chứ tại sao lại bị Tự kỷ. Có bao nhiêu trẻ không hề bị nhiễm lạnh, không hề dùng nhiều kháng sinh mà vẫn có tình trạng này thì lý giải như thế nào ? Từ trước đến giờ, có lẽ bà Lang này là người đầu tiên phát hiện ra là nếu cơ thể trẻ em bị nhiễm lạnh sẽ phát sinh “bệnh tự kỷ”

Đối với ông Võ Hoàng Yên mặc dù tài năng của ông về phương pháp bấm huyệt ( theo kiểu của các thày võ mà ông học được từ khi còn ở trong chùa lúc còn trẻ ) để chữa cho các bệnh nhân câm điếc hay bại liệt là có tác dụng tương đối và được tung hô là “thần y” thì cũng không phải là cơ sở mà ông có thể dựa vào đó để “phán” về lĩnh vực ‘tâm bệnh” . Một lĩnh vực hoàn toàn nằm ngoài tầm hiểu biết của ông.  Do không xác định được nguyên nhân, nên ông đã đưa ra những kiểu trị liệu nếu không gọi là buồn cười thì phải gọi là “dã man” – nếu ai đã từng coi một cuốn video clip quay cảnh một đệ tử của ông Yên, bấm huyệt chữa cho một trẻ tự kỷ thì mới thấy là sự “cuồng tín” nó nguy hiểm đến như thế nào.

Hãy thử nghe ông Yên lý giải về cách chữa như sau : “ Nếu bố mẹ không tích cực hợp tác thì tôi có cố gắng đến mấy cũng thất bại. Bố mẹ phải nghiến răng lại để cứu con, nếu không sẽ mất con vĩnh viễn.

Trước hết, không được chịu thua trẻ tự kỷ. Nếu thua một lần thì sẽ phải thua cả đời. Biểu hiện của người bệnh thường hung hãn, hay gây sự, hành động không theo ý của người khác. Có cháu mới 3 tuổi mà gặp ai cũng cắn, cũng đánh.

Bố mẹ phải bằng mọi biện pháp, làm nhụt tính hung hãn của trẻ và tập cho trẻ biết vâng lời, bảo ngồi yên là phải ngồi, bảo lên giường nằm là phải lên giường. Nếu không nghiêm khắc, trẻ sẽ không nghe đâu.

Cái này khó vì bố mẹ thường rất thương con. Con bị thiệt thòi so với những đứa trẻ khác nên bố mẹ càng yêu chiều hơn. Và làm như thế sẽ có hại cho trẻ. Sau đó, bố mẹ phải cho trẻ ăn chay trường để làm sạch cơ thể.

Ăn chay là nạp vào cơ thể trẻ năng lượng sạch. Ăn chay cũng gieo vào cơ thể trẻ cái mầm từ bi. Nếu không biết thương những con vật nhỏ bé nhất thì người ta có thể gây hại cho những con vật to lớn hơn, thậm chí là cả đồng loại.

Như vậy, ông Yên cho rằng trẻ tự kỷ rất hung hăng, hay đánh cắn người khác nên cần phải khép mình vào kỷ luật sắt và ăn chay. Điều này có lẽ là do chính kinh nghiệm của ông khi còn ở trong chùa lúc còn trẻ chăng ? Ông hoàn toàn không biết rằng, sở dĩ trẻ hung hăng, đánh cắn người khác kể cả bố mẹ, là vì trẻ hoảng loạn và lo sợ , trẻ không kiểm soát được hành vi của mình nên chỉ biết kêu khóc và dãy dụa. Đây cũng là phản ứng của bất cứ đứa trẻ nào, thậm chí ngay cả người lớn nếu bị tấn công không rõ nguyên nhân thì cũng sẽ có phản ứng như thế.

Chỉ riêng điều này, chứng tỏ dù là một lương y, thậm chí được mệnh danh là “thần y” ông chỉ biết chữa bệnh theo các kinh nghiệm bản thân và những trường hợp khỏi bệnh ( các chứng câm điếc và bại liệt ) cũng chỉ là tương đối và không thiếu những trường hợp thất bại như bất cứ với một phương pháp điều trị nào.( http://vtc.vn/su-that-ve-than-y-vo-hoang-yen.394.302893.htm ) thì như thế ông hoàn toàn không có cơ sở để bàn về chứng tự kỷ, tình trạng mà ông không biết từ nguyên nhân đến biểu hiện là thế nào.

Trở lại trường hợp bà Lang Bích, thì bà cũng cho biết là bà đã chữa cho hơn 100 trường hợp bị tự kỷ, từ trẻ hơn 1 tuổi đến sinh viên đại học” và bà lý luận là đa số là do “phong hàn ăn sâu vào não bộ” Nhưng chính cái kết quả này nó lại ngược với cái nguyên nhân gây bệnh tự kỷ do cảm lạnh, phong hàn mà bà đã nêu ra. Có thể là một đứa trẻ do cảm lạnh nên bị tự kỷ, nhưng một người tự kỷ ở lứa tuổi sinh viên đại học không lẽ bị cảm lạnh, phong hàn từ nhỏ mà gia đình không biết đưa đi chữa ? Còn nếu nói về các phương thuốc từ Đông Y đến Tây Y, không thiếu gì các phương thuốc chữa được phong hàn, cảm lạnh. Như thế, khi một trẻ tự kỷ do phong hàn được chữa khỏi phong hàn từ nhỏ mà vẫn không hết tự kỷ cho đến khi trưởng thành, phải đợi đến khi bà Lang ra tay chữa khỏi phong hàn thì mới thoát khỏi chứng tự kỷ ?

Rõ ràng, chưa cần xét đến 100 trường hợp khỏi tự kỷ mà lại không “tung hô” lên cho mọi trẻ tự kỷ toàn quốc kéo đến cho bà lang có cơ hội nổi tiếng và có thể làm giàu, mà phải đợi đến khi phóng viên của trang mạng nầy đến viết bài quảng cáo thì mọi người mới có cơ hội biết đến một “thần y” chỉ cần cạo gió là có thể chữa khỏi chứng tự kỷ. Một tình trạng rối loạn giao tiếp mà cả thế giới còn gặp rất nhiều trong việc can thiệp điều trị !

Có thể nói, chỉ cần có chút tư duy logic và kiến thức cơ bản trong cuộc sống về y học và tâm lý, thì một người bình thường cũng có thể nhận ra sự vô lý và bất bình thường qua các phương pháp chữa bệnh kỳ cục này. Nhưng có bao nhiêu phụ huynh của trẻ tự kỷ có được cái tư duy đơn giản này, và biết suy xét cẩn thận ?  Hay do cái quan điểm : “Đây là một căn bệnh nên có thể chữa khỏi” đã ăn sâu vào tâm thức, để cứ mong chờ một liệu pháp “thần kỳ” trả lại cho mình đứa con yêu dấu mà họ quên rằng, chính họ và các biện pháp chăm sóc, giáo dục, can thiệp phù hợp với cơ sở lý luận, có nền tảng khoa học được áp dụng một cách kiên trì trong gia đình với sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn mới là cách tốt nhất để giúp trẻ tự kỷ phát triển, hội nhập trong gia đình và xã hội .

CVTl. Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý