Hân hoan gặp lại độc giả
12/12/2011
12 bước giúp trẻ phát triển ngôn ngữ
14/12/2011
Hân hoan gặp lại độc giả
12/12/2011
12 bước giúp trẻ phát triển ngôn ngữ
14/12/2011

Theo Phòng công tác học sinh – sinh viên, Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2011-2012 sở yêu cầu 100% trường tiểu học, THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên phải có phòng tư vấn học đường cho học sinh.

Đối với các trường, trung tâm không có cán bộ tư vấn chuyên nghiệp thì phải bố trí giáo viên có kinh nghiệm lâu năm làm công tác này.


TƯ VẤN HỌC ĐƯỜNG – MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU

Đã từ lâu, công tác tư vấn tâm lý học đường đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay. Thế nhưng, ngành giáo dục chỉ biết đưa ra những yêu cầu những chỉ thị mang tính duy ý chí và nặng về hình thức mà không hề nghĩ đến việc xây dựng nền tảng cơ bản nhất trong lĩnh vực này, đó chính là yếu tố con người hay đội ngũ chuyên viên tư vấn tâm lý học đường.


Đối với các nước tiên tiến, thì tư vấn học đường từ lâu đã là một chuyên ngành trong lĩnh vực tâm lý , nó đòi hỏi không chỉ là một sự đào tạo bài bản mà còn cả một kinh nghiệm sống cũng như một vai trò độc lập trong nhà trường, bởi vì đó là một công việc của sự lắng nghe và tôn trọng, cảm thông và đồng hành, đồng thời cũng là một vị trí cần có những quyền hạn nhất định khi đứng trước những khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi cho các em học sinh.

Từ trước đến nay, dưới nhãn quan của ngành giáo dục thì hoạt động tư vấn chỉ là việc đưa ra những lời khuyên nhủ, dạy dỗ có tính khích lệ với các em HS, mà để làm điều đó thì chỉ cần có chút kiến thức, biết cách ăn nói, nếu cần “chuyên môn” thì đi học bồi dưỡng vài tháng về kỹ thuật tư vấn là có thể đảm nhận được rồi. Và vì thế, không cần thiết phải sử dụng đến các chuyên viên, mà chỉ cần các giáo viên kiêm nhiệm là đủ, nếu không thì có thể sử dụng cả giáo viên tổng phụ trách đoàn, đội cũng xong vì nói chung thì chỉ là những hoạt động mang tính hình thức để báo cáo là đã có “hoạt động tư vấn”.

Chính vì không nhận thức được tầm quan trọng và có những hiểu biết nhất định về công tác tư vấn tâm lý học đường nên không chỉ khiến cho công tác này phát triển một cách ì ạch trong nhiều năm qua, mà tại những trường có phòng “tư vấn” cũng không nhận được sự đáp ứng của các em học sinh, mặc dù đó là một nhu cầu cấp bách. Thử tưởng tượng, vì không thu xếp được một căn phòng tươm tất với những yêu cầu tối tiểu cho việc tư vấn, có trường xử dụng ngay phòng bảo vệ nơi cổng ra vào để đặt một cái bàn tư vấn ! Có trường thì xếp ngay bên cạnh văn phòng hiệu trưởng, làm sao học sinh dám vào ? Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn là chủ trương dùng giáo viên “được bồi dưỡng” hay “có kinh nghiệm” để làm công tác tư vấn ! Điều này cũng tương tự như việc nhờ cầu thủ vừa đá bóng vừa làm công tác trọng tài!



NGUỒN NHÂN LỰC VỪA THỪA – VỪA THIẾU

Trong khi đó, ngoài lực lượng các bạn sinh viên tốt nghiệp các khoa tâm lý giáo dục, tâm lý lâm sàng của một số trường đại học trong thời gian qua tuy còn hạn chế một phần về kinh nghiệm sống, nhưng với những kiến thức được học, các bạn cũng có thể đảm trách nếu được tin tưởng và có sự tuyển chọn dựa trên năng lực. Ngoài ra, còn có một bộ phận các chuyên viên tư vấn tâm lý đã được đào tạo có kinh nghiệm sống có thể đảm trách với những điều kiện thích hợp về sự tôn trọng và mức lương phù hợp. Nhưng tất cả đều không được xem là lực lượng chủ lực, vì những quan điểm “không giống ai” :

          Thêm một nhân sự, thêm một vị trí mà không thêm biên chế, không cấp kinh phí thì trường lấy gì trả lương cho chuyên viên này ? và vì thế giải pháp kiêm nhiệm với thù lao mang tính bồi dưỡng tuỳ theo sự xoay sở của trường là điều thích hợp.

          Những vấn đề bức xúc của các em HS thường xoay quanh các mối quan hệ : Quan hệ bố mẹ – với nhà trường, quan hệ Thày với Trò và quan hệ giữa các em , đặc biệt là trong vấn đề tình cảm và giới tính. Thế nhưng, một nhân sự vừa làm một “nhân viên tư vấn” vừa làm giáo viên thì có thể giữ được sự khách quan trong các mối quan hệ này ? Và vì thế, một mặt các em dù có bức xúc và thắc mắc cũng không dám “nói thẳng – nói thật” và các biện pháp tư vấn chủ yếu vẫn là “ vừa đấm vừa xoa” chỉ có tác dụng để “báo cáo”.

          Nhân viên Tư vấn tâm lý được xem như một nhân sự đặt dưới sự điều động của hiệu trưởng và nhiều trường đã gắn luôn công tác phong trào cho người này. Điều này một mặt giúp cho nhà trường có thêm một nhân viên làm việc, nhưng lại làm giảm đi sự tôn trọng và tin tưởng cần thiết với các em HS, mà đây là một yêu cầu hết sức quan trọng cho công tác tư vấn tâm lý.

Có lẽ, chỉ khi nào ngành giáo dục ý thức được giá trị và trọng trách của ngành tâm lý trong lĩnh vực giáo dục  nói chung và chuyên ngành tư vấn tâm lý học đường nói riêng cũng như có được sự đầu tư thích đáng thì việc phát triển công tác này mới có để đạt được những kết quả , đáp ứng nhu cầu cho các gia đình và các em học sinh như hiện nay. Tiếc thay, điều này hình như là một việc ..quá sức !

Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý