Giúp trẻ khám phá bản thân
22/03/2012
Giúp trẻ đạt kết quả tốt khi học tập
22/03/2012
Giúp trẻ khám phá bản thân
22/03/2012
Giúp trẻ đạt kết quả tốt khi học tập
22/03/2012

Khuyến khích hành vi tích cực ở trẻ nhỏ là một trong những nội dung về giáo dục trẻ do công ty Bạn Của Bé tổ chức – nhằm giới thiệu với các phụ huynh về những biện pháp giáo dục hiệu quả cho con em.

Căn phòng có sức chứa 80 người tại quán cà phê Up ngày thứ bảy 10/3 chỉ được lấp đầy bằng 30 người, nhưng 30 người ấy, những cha mẹ tuyệt vời đang và sẽ có con từ 0 – 6 tuổi, đã chăm chú lắng nghe Cô Kathy, Bác sĩ Kiều Tố Quỳnh, và Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên lần lượt trình bày về phương pháp “Sinh hoạt thú vị cùng thức ăn”, “Khuyến khích hành vi tích cực ở trẻ” và “Kỷ luật không nước mắt”. Tuy nhiên, với thực trạng bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng, và “kỷ luật thô bạo của cha mẹ” đã được chỉ ra là nguyên nhân làm tăng mức độ hung hãn ở thanh niên (nghiên cứu năm 1993 của Sampson, R., & Laub, J.), thì “Kỷ luật không nước mắt” – phương pháp đang mở ra một con đường giáo dục mới êm đềm và hiệu quả hơn – đã trở thành tiêu điểm của buổi nói chuyện.

Là người đã từng có kinh nghiệm giảng dạy môn “Tư duy phản biện” ở trường Đại học Hoa Sen và cũng là diễn giả của lớp học dành cho phụ huynh “Master Parents Certificate”, ThS.Ái Liên đã lôi cuốn người tham dự bằng phong cách trình bày sinh động và kiến thức mới mẻ.


“Quy tắc thưởng phạt”

Các bậc cha mẹ Việt Nam, những người đã thuộc nằm lòng câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt” đã phần nào bất ngờ với “Quy tắc thưởng/phạt”, “Nghệ thuật khen/chê” và “Quy tắc ứng xử” mà ThS. Ái Liên trình bày. Không cổ súy cho việc “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, bà đề nghị cha mẹ phạt con, nhưng với nguyên tắc “phạt trên cái muốn, không phạt trên cái cần”. Cha mẹ có thể phạt không cho con ăn món quà vặt con thích, chứ không được phạt con không được ăn bữa cơm chính. Ngoài ra, những người tham dự hôm đó chắc chắn sẽ thuộc lòng điều mà họ đã đồng thanh “đối với trẻ em, chơi đùa là việc nghiêm túc”. Vâng, “chơi đùa” chính là cái cần của con trẻ mà cha mẹ cần ghi nhớ là họ không bao giờ có quyền ngăn cản.

Vậy cha mẹ sẽ thưởng con như thế nào? Trước hết, họ phải hiểu “thưởng” khác với “hối lộ”. Điều này có nghĩa là phụ huynh đợi con mình làm xong bài tập, rồi mới chở con đi dạo phố, chứ không được thỏa thuận trước với con là làm bài tập xong sẽ được đi chơi. Trẻ sẽ làm bài tập vì đối phó, chứ không vì tự mình thấy thích mà làm. Dù thưởng bằng vật chất không xấu, nhưng phụ huynh nào có thể không cần dùng đến vật chất mà vẫn khiến con chủ động làm việc tốt, vì chính con muốn làm, thì đứa trẻ sẽ tự chủ và có ý chí phấn đấu hơn gấp bội.



“Nghệ thuật khen/chê”

Gọi đây là nghệ thuật vì phụ huynh cần vận dụng sự khéo léo và cả sự chân thành để khen và chê con. “Bất kỳ người nào nhìn vào thấy xấu cũng có chỗ để khen”, ThS Ái Liên nói. Cha mẹ không khen con cắt hình bông hoa đẹp thì hãy khen cho sự nỗ lực của con. Lời khen cần cụ thể: “Con cắt lại bông hoa đó đến 3 lần thì như vậy là biết cố gắng.” Giống như vậy, lời chê cũng cần cụ thể; và khi chê, cha mẹ nên nhớ “chỉ có hành động xấu, con luôn luôn tốt”. Khi con viết chữ chưa đẹp, cha mẹ hãy tránh: “Sao con viết xấu quá vậy?” mà hãy nói: “Chữ “o” này chưa tròn đâu con”. Phụ huynh càng chỉ rõ khuyết điểm của con, thì chúng càng dễ sửa sai; ngược lại nếu trẻ chỉ biết chung chung là chúng “hư”, “quậy”, “phá” thì chúng cũng rất hoang mang không biết phải làm gì để không bị chê như vậy nữa.


“Quy tắc ứng xử”

Cha mẹ cần ứng xử làm sao để con có cảm giác rằng cha mẹ là người “cùng hội cùng thuyền” với chúng, còn “phe kia” chính là những sai lầm cần sửa chữa. ThS. Ái Liên gợi ý cha mẹ hãy cùng con ngồi lại với nhau xây dựng một bảng điểm, khi mà con hay mẹ làm sai cam kết sẽ nhận điểm trừ, còn khi làm đúng sẽ nhận điểm cộng. Sau một thời gian, việc thưởng/phạt sẽ dựa vào bảng điểm này mà tính. Việc làm này cho trẻ thấy cha mẹ chúng công bằng,
biết lắng nghe, biết phấn đấu và hơn hết là cũng mắc lỗi – như chúng. Dù việc thỏa thuận có thể sẽ khó diễn ra như ý muốn, nhưng chỉ cần cha mẹ kiên trì và chọn được thời điểm thích hợp để nói chuyện với con, thì quá trình thiết kế và thực hiện bảng điểm sẽ không chỉ gắn kết gia đình mà còn khiến trẻ tin tưởng cha mẹ hơn.

———————————————

“Kỷ luật không nước mắt” là lớp học được tổ chức hằng tuần, do ThsTrần Thị Ái Liên – Ths Chính sách công trường Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ) làm diễn giả.

Thời gian: 18 giờ – 20 giờ

Ngày: Thứ 3 & Thứ 5 hằng tuần

Địa điểm: Nhà sách Mẹ & Con, 46 Lê Lợi, P. Bến Nghé, Q1, Tp.HCM

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý