Tâm lý trị liệu và vai trò nhà trị liệu
23/04/2011
Giúp trẻ biểu lộ cảm xúc
23/04/2011
Tâm lý trị liệu và vai trò nhà trị liệu
23/04/2011
Giúp trẻ biểu lộ cảm xúc
23/04/2011

Khi nói đến chữ trị liệu, chắc hẳn chúng ta liên tưởng ngay đến hai điều, đó là biện pháp và nhà trị liệu, đặc biệt là với người Việt Nam, thì thường nghĩ ngay đến vị bác sĩ, vì thế chúng ta sẽ có suy nghĩ rất giản đơn, tâm lý trị liệu là những biện pháp do các bác sĩ tâm lý áp dụng cho bệnh nhân có những bệnh về tâm lý !

 

 

Khi nói đến chữ trị liệu, chắc hẳn chúng ta liên tưởng ngay đến hai điều, đó là biện pháp và nhà trị liệu, đặc biệt là với người Việt Nam, thì thường nghĩ ngay đến vị bác sĩ, vì thế chúng ta sẽ có suy nghĩ rất giản đơn, tâm lý trị liệu là những biện pháp do các bác sĩ tâm lý áp dụng cho bệnh nhân có những bệnh về tâm lý !Thực ra, tâm lý trị liệu hay Liệu pháp tâm lý lại là những phương cách điều trị với những  tính chất và đặc điểm rất khác với điều chúng ta thường nghĩ.

Định nghĩa:

Từ điển Wikipedia định nghĩa “Tâm lý trị liệu” (psychotherapy) là một hệ thống các kỹ thuật được thực hiện nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần, cải thiện các vấn đề cảm xúc và hành vi của các cá nhân – những người được gọi là “thân chủ”. Những vấn đề này thường khiến cho con người cảm thấy khó khăn trong việc tự quản lý cuộc sống và đạt đến các mục đích mong muốn của mình. Tâm lý trị liệu nhắm đến giải quyết các vấn đề này, thông qua một số những phương pháp và kỹ thuật khác nhau; và chúng được thực hiện bởi những người gọi là “nhà trị liệu” (những chuyên viên được đào tạo về tâm lý trị liệu).

Như vậy, từ định nghĩa trên ta thấy các yếu tố quan trọng là :

  • Tâm lý trị liệu bao gồm các kỹ thuật
  • Tâm lý trị liệu nhằm giải quyết các vấn đề về cảm xúc và hành vi
  • Đối tượng của tâm lý trị liệu được gọi là thân chủ
  • Người thực hiện các kỹ thuật trị liệu được gọi là nhà trị liệu.

Còn theo Tự Điển Bách Khoa Y Học Anh-Việt (Chủ biên: GS Ngô Gia Hy – NXB Y Học Tp.HCM 2005 ) thì  tâm lý trị liệu (còn gọi là tâm lý liệu pháp) là một kỹ thuật:

Điều trị các vấn đề tâm lý, cảm xúc bằng các phương pháp tâm lý. Trong tâm lý liệu pháp, bệnh nhân trò chuyện với nhà trị liệu về các triệu chứng và các vấn đề mà họ mắc phải và thiết lập mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhà trị liệu. Mục đích của quá trình này là giúp bệnh nhân tìm hiểu chính họ, tạo nên một cái nhìn mới về các mối quan hệ trong quá khứ và hiện tại, thay đổi những hành vi đã định hình của người bệnh”

Qua định nghĩa trên ta lại thấy các yếu tố nỗi bật là :

  • Mối quan hệ giữa nhà trị liệu và thân chủ thông qua trò chuyện
  • Tạo nên một cái nhìn mới
  • Thay đổi các hành vi đã định hình

Như thế, rõ ràng tâm lý trị liệu không nằm trong cái phạm vi của những sự can thiệp, điều trị trong lĩnh vực y tế, nơi mà quan hệ giữa người điều trị và bệnh nhân mang tính một chiều, bắt buộc theo một quy trình được chỉ định sẵn và đi từ trên xuống.

Thực ra thì Tâm lý trị liệu thực sự không phải là cái gì đó quá mới mẻ, xa lạ hoặc khó hiểu. Theo quan điểm của tác giả Alexander (Individual Psychotherapy; 1964) thì bất kỳ ai tìm cách cảm thông với một người bạn đang đau khổ hoặc cố trấn an một đứa trẻ đang hoảng sợ, thì cũng có thể xem người ấy đang thực hành tâm lý trị liệu. Người đó đang cố gắng vận dụng các phương thức tương tác về mặt tâm lý để bảo tồn trạng thái thăng bằng về mặt cảm xúc ở một người khác. Những cách thức thông thường này chủ yếu được dựa trên những sự hiểu biết có tính trực giác hơn là sự hiểu biết có tính khoa học.

Nói cách khác, Khi bạn đang nói chuyện với ai đó đang có tâm trạng phiền muộn, bạn cũng hiểu được tác dụng tốt của việc giúp cho người ấy giải tỏa cảm xúc. Với một người đang trong trạng thái hoảng sợ, quẫn trí, bạn cũng có thể (bằng sự hiểu biết có tính trực giác) mang đến cho người ấy sự hỗ trợ về mặt cảm xúc bằng những lời khuyên và một thái độ vững chãi để người ấy có thể tin tưởng nương tựa vào bạn. Bạn cũng biết rằng khi một người đang bị chìm ngập trong một tình huống tồi tệ thì người ấy không thể sử dụng được lý trí của mình một cách hiệu quả, và bạn cần giúp họ ổn định bằng sự nâng đỡ về mặt tâm lý.

Trong lúc nói chuyện với người ấy về hoàn cảnh khách quan mà người ấy đang đương đầu, bạn có thể chia sẻ công cụ lý trí của chính bạn để họ sử dụng. Khi làm tất cả những việc này, chúng ta đã thực hành một sự phối hợp giữa hai công việc có tính chất chữa trị, đó là nâng đỡ, và thấu hiểu

Và Alexander đã định nghĩa tâm lý trị liệu “… không gì khác hơn ngoài việc áp dụng một cách có hệ thống, một cách có ý thức những phương pháp mà chúng ta áp dụng để ảnh hưởng lên những người sống xung quanh chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Sự khác biệt quan trọng nhất là ở chỗ: nó không đơn thuần dựa trên những sự hiểu biết có tính trực giác mà thay vào đó là phải có sự thiết lập tốt các nguyên lý chung về tâm lý động học.

Như vậy, khác với sự giúp đỡ từ một người thân quen thường gặp trong đời sống, “sự hỗ trợ trong tâm lý trị liệu được tiến hành bởi một nhà trị liệu được đào tạo chuyên nghiệp để có thể làm chức năng hỗ trợ người khác mà không nhất thiết phải trở nên gắn kết với thân chủ của mình về mặt đời sống riêng tư” (Goffman; 1962).

Tâm lý trị liệu, nói chung, nhắm đến việc làm tăng trưởng nhân cách một con người theo chiều hướng trưởng thành hơn, chín chắn hơn, và giúp người đó “tự hiện thực hóa bản thân mình”.

Mục đích của tâm lý trị liệu

Như vậy, chúng ta đã xác định được rằng, trị liệu tâm lý không phải là phương cách độc quyền của giới y bác sĩ như việc trị liệu triệu chứng, bệnh tật và tình trạng nguy hiểm của cơ thể do những tác nhân từ bên ngoài ( tai nạn, dịch bệnh) mà đó là những biện pháp nhằm vào các mục đích chính là:

Gia tăng khả năng thấu hiểu bản thân của thân chủ

Tìm kiếm giải pháp cho các xung đột

Gia tăng sự tự chấp nhận bản thân của thân chủ

Giúp thân chủ có những kỹ năng ứng phó hữu hiệu với những khó khăn

Giúp thân chủ củng cố một cái Tôi vững mạnh, toàn vẹn và an toàn

 

Gia tăng khả năng thấu hiểu bản thân :

Khi tiến hành biện pháp này hay biện pháp khác, thì bao giờ điều đó cũng phải đưa lãi một kết quả là giúp cho thân chủ gia tăng được sự nhận biết về chính mình, hay đúng hơn là nhận dạng được vấn đề đang gây cho mình những khó khăn về mặt tâm lý.

Ví dụ: Cũng là trầm cảm, nhưng một người trầm cảm vì những khó khăn trong công việc như bị coi thường, bị áp bức, bị lạm dụng sẽ khác hẳn một người trầm cảm do những quan hệ bất ổn trong tình cảm giữa họ với người yêu hay người bạn đời.

Họ cần phải nhận ra được cái tác nhân gây ra tình trạng trầm cảm của mình để từ đó mới có thể vận dụng những biện pháp thích hợp với sự hỗ trợ của nhà chuyên môn. Và để đạt được điều đó thì họ phải có khả năng bầy tỏ vấn đề và nhu cầu của mình cũng như đặt niềm tin vào người được họ bầy tỏ.

Hay nói cách khác, đó là những tác động quan hệ hai chiều, đến từ nhà trị liệu đồng thời cũng đến từ người có vấn đề mà ta gọi là thân chủ. Vì nếu như thân chủ không hợp tác, không chịu bầy tỏ những khó khăn của mình và không có nhu cầu muốn thoát khỏi nó thì sẽ không có một tiến trình nào được thực hiện.

Tìm kiếm giải pháp

Sau khi đã bầy tỏ và hợp tác, thì mục đích của tiến trình trị liệu là phải tìm kiếm được giải pháp cho sự xung đột, hay cho những vấn đề mà thân chủ đang phải chịu đựng, giải pháp đó phải phù hợp với điều kiện thực tế, năng lực và sự nhận thức cùng với sự chấp nhận của thân chủ.

Để đạt được điều này, thì sự thấu cảm đến từ nhà trị liệu là điều vô cùng quan trọng, cũng một vấn đề, cũng một tình trạng nhưng biện pháp đưa ra với người này sẽ khác với người kia, không có một phương thức chung trong trị liệu tâm lý, dù các liệu pháp tâm lý không nhiều như các dược liệu !

Gia tăng sự tự chấp nhận bản thân

Một trong những điều mà chúng ta dễ nhận thấy nơi những người có vấn đề về tâm lý chính là thái độ coi thường giá trị bản thân. Họ tự cho mình là những người có lỗi, cho mình là kẻ sai lầm, thấp kém.v.v. chính vì thế mà họ tự làm khổ chính mình hay có ý muốn hủy hoại bản thân.

Vì thế, một trong những yêu cầu cần thiết cho một tiến trình trị liệu là phải giúp cho thân chủ nhận ra giá trị của chính mình, gia tăng sự tự trọng, phát huy được những điểm mạnh để từ đó vượt qua được những thách thức mà mình đang đối đầu.

Có kỹ năng ứng phó hữu hiệu

Đây có thể coi như là điểm cơ bản để phân biệt một nhà tâm lý nghiệp dư với một người được đào tạo. Như chúng ta đã biết, ai cũng có thể giúp người khác bằng những lời khuyên, có những lời khuyên giúp cho họ thoát ra khỏi sự bế tắc, nhưng cũng không thiếu những lời khuyên đẩy họ vào một tình trạng còn tồi tệ hơn.

Ngoài ra, điều quan trọng  không chỉ là sự hiểu biết về những biện pháp trị liệu mà còn là kinh nghiệm và năng lực biết đưa ra cái gì là phù hợp và cần thiết nhất cho thân chủ vào thời điểm khó khăn của họ.

Củng cố được cái Tôi vững mạnh:

Một con người có ý thức về cái Tôi một cách rõ ràng thì không thể là một người rối loạn tâm lý, hay nói cách khác việc trị liệu Tâm lý là biện pháp tăng năng lực cho thân chủ, nhằm giúp họ xây dựng lại cái tôi đã bị phá hủy, làm cho chính họ biết cách cải thiện được tình trạng của chính mình bằng chính nội lực của mình.

(còn tiếp)

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý