Tại sao trẻ mê game Online?
21/05/2011
Dinh dưỡng cho trẻ 2 – 4 tuổi
21/05/2011
Tại sao trẻ mê game Online?
21/05/2011
Dinh dưỡng cho trẻ 2 – 4 tuổi
21/05/2011

Kimberly Young, giám đốc một trung tâm cai nghiện Internet tại Mỹ, là người tiến hành những nghiên cứu đầu tiên và đưa ra khái niệm nghiện Internet (internet addiction) vào năm 1996.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, nguyên giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 Thành phố Biên Hòa, cũng cho rằng nghiện Internet (trong đó có nghiện game online) “có thể được định nghĩa là một rối loạn kiểm soát xung lực không liên quan đến chất gây nghiện, tương tự như nghiện đánh bạc, nghiện tình dục…”. Điều đó có nghĩa là, game khác với các loại gây nghiện khác, như thuốc lá, ma túy, rượu hay cờ bạc … là những loại cần có những yếu tố thực thể trực tiếp tác động lên hệ thần kinh và gây ra cho người nghiện những xu hướng lệ thuộc không thể bỏ được. Cũng chính vì thế mà nhiều người khi dựa vào yếu tố này đã cho rằng không có tình trạng nghiện Internet hay game online, mà chỉ là sự ham chơi!

Chính nhận định này đã khiến cho nhiều bậc cha mẹ không cảnh giác khi thấy trẻ bắt đầu có những dấu hiệu “gần gũi” với màn hình vi tính và những hình ảnh nhảy nhót. Nhưng thực ra, chính những âm thanh, hình ảnh, và nhất là những yếu tố mà game có thể đem lại cho người chơi qua sự cảm nhận về quyền lực và sự thỏa mãn về các nhu cầu cảm xúc, cũng chẳng khác nào những yếu tố thực thể đến từ rượu, thuốc lá hay ma túy. Nó cũng khiến cho con người bị lệ thuộc, một khi đã ngồi vào bàn máy tính là không dứt ra được nếu chưa hoàn tất một hoạt động nào đó, đạt được một cảm giác thú vị nào đó trong game do những tác động kích thích từ âm thanh và hình ảnh trong game.

 

Nghiên cứu và thống kê chưa đầy đủ

Tại Việt Nam hiện vẫn chưa có một nghiên cứu và thống kê đầy đủ về tình trạng nghiện Internet và game online trong nước, mặc dù cũng đã có một vài hoạt động điều tra xã hội học về game, nhưng lại không mang tính khoa học và đáng tin qua những số liệu được công bố. Tuy đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức về vấn đề này nhưng vẫn còn rất nhiều những ý kiến khác trái chiều nhau về tình trạng gọi là nghiện game – đặc biệt là nghiện game online vì những yếu tố đa dạng cũng như những ảnh hưởng phức tạp của hình thức giải trí này.

 

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận nghiện game là bệnh lý. Theo họ, những người truy cập internet hơn 6 tiếng/ngày là mắc bệnh nghiện “net”. Họ cũng đưa ra các phương pháp điều trị khắc nghiệt để cai nghiện bệnh lý này. Ở Hàn Quốc, một số trại cai nghiện cho người nghiện game cũng được thành lập. Và mới đây,một trung tâm có chức năng tương tự cũng được thành lập ở Việt Nam.

 

Một chuyên gia khoa thần kinh và tâm lý ở California, bác sĩ Lê Phương Thúy  lý giải nguyên nhân sâu xa của tình trạng nghiện game online  như sau: “… Khi trẻ chơi game, sẽ có sự hào hứng, căng thẳng, thích thú từ lúc chơi cho đến lúc có kết quả thắng hay thua, thì trong óc của các em tiết ra chất Adrenalin, mang tính kích thích, làm cho tinh thần phấn khởi sảng khoái. Kết quả thắng hay bại cũng tạo một cảm giác khoái lạc khác nữa..” Rồi bên cạnh đó là những yếu tố đến từ bên ngoài, từ gia đình đến xã hội khiến cho trẻ càng ngày càng lún sâu vào các trò chơi trong máy vi tính.

 

Một khảo sát tại Mỹ cho thấy có tới 8,5% trẻ trong độ tuổi từ 8-18 tuổi nghiện game.  Theo PGS .TS Douglas Gentile ở đại học bang Iowa  (Mỹ), các trẻ này thường dành hết thời gian để chơi game, không quan tâmt đến các hoạt động khác như vận động ngoài trời, nô đùa cùng chúng bạn. Trẻ thường có biểu hiện bồn chồn, bứt rứt khi không được chơi game, sao nhãng việc học và dẫn đến kết quả học tập sa sút nghiêm trọng.

Hơn cả sự báo động

Tại Việt Nam, tình trạng trẻ nghiện game ngày một gia tăng,  đặc biệt tại các đô thị lớn. Một phụ huynh ở Vũng Tàu, buồn rầu chia sẻ về cậu con trai của chị năm nay 14 tuổi nhưng nghiện game máy tính từ lúc cháu mới… 4-5 tuổi. Lúc 7 tuổi, cháu đã nhịn ăn sáng thậm chí ăn cắp tiền của mẹ để chơi game. Gia đình chị đã làm hết mọi cách cũng không cải thiện được tình hình, sểnh ra một chút là cháu lại chơi game mọi lúc mọi nơi trên điện thoại di động, máy tính và các tiệm Net đầu ngõ.

Một phụ huynh khác ở quận Bình Thạnh, TP.HCM có cậu con trai năm nay 10 tuổi. Dạo gần đây thấy cháu gầy hốc hác, cô giáo lại gọi điện đến nhà phàn nàn cháu lơ đãng học tập, hay ngủ gật trong lớp, tâm trí như người mộng du, anh chị mới để ý và phát hiện ra đêm nào cháu cũng thức đến 4-5 giờ sáng trong phòng riêng  vùi đầu chơi game.

Có trường hợp một học sinh lớp 7 đến khám, được chẩn đoán rối loạn hành vi và cảm xúc ở thanh thiếu niên, các bác sĩ cho điều trị hoá dược bởi các triệu chứng có hung tính, thờ ơ, mất cảm xúc và rối loạn mất ngủ. Một học sinh được ông bố lo lắng đưa đến khám và tư vấn vì liên tục bỏ học, bỏ nhà đi bụi, ăn trộm tiền của mẹ do mê chơi game quá mức. Em vừa về nhà sau một tuần đi bụi với ‘bang hội’ theo lời kêu gọi của ‘bang chủ’. ‘Bang hội’ của em gồm các bạn đồng lứa ở nhiều nơi, biết nhau qua game online, đã phải ăn trộm và ăn xin để có tiền sống trong những ngày cùng nhau lang thang ở thành phố.

Một số chuyên gia đưa ra quan điểm là tại các xã hội Á Đông (trong đó có Việt Nam) vốn có lối sống khép kín, cái tôi bị đè nén bởi các mối quan hệ xã hội không được phép bầy tỏ công khai.  Vì thế mà có nguy cơ nghiện Internet hay game online cao hơn. Trong môi trường Internet, với các mối quan hệ có khả năng “giấu mình” trên mạng, làm cho họ có thể “bung ra” mọi quan điểm, tư duy hay sự ham muốn một cách tự do, không còn ngần ngại. Như thế, họ dễ dàng bị thế giới mạng ‘lôi kéo’ đi. Tuy nhiên, “Không nên chỉ soi vào những mặt tiêu cực của Internet và cả game online rồi đưa ra những biện pháp cấm đoán này nọ”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) nêu ý kiến. Bà Hậu cho rằng một xã hội đang trên đà phát triển như Việt Nam, chuyện người dân háo hức, vồ vập với các thông tin phong phú trên mạng là điều dễ hiểu, người ta cần “giải toả” những ức chế thông qua blog hay các mạng xã hội là đương nhiên, không nên đồng nhất nó với “tình trạng nghiện”. Internet và game online, trước hết, đang đáp ứng một nhu cầu thông tin và giải trí vô cùng to lớn. Nhưng như đã nói, điều này chỉ đúng với những người có khả năng tự chủ, mà với đa số trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam, thì đây là điều hơi bị …hiếm.

Ngoài ra, theo BS Lê Phương Thúy thì Khi dùng tới chữ “nghiện” thì đã đến mức độ không còn kiểm soát được và nó ảnh hưởng tới việc học, gây ra những tác hại cho sức khỏe.. Nhưng nếu chơi game online hoặc những hình thức giải trí trên mạng khác trong mức độ vừa phải thì vẫn là điều hữu ích, đôi khi là sự cần thiết để đáp ứng nhu cầu vui chơi của bản thân.

Bà nhận định: “Có thể việc chơi game là để trẻ trốn tránh một cái gì đó, chẳng hạn không khí gia đình căng thẳng, cha mẹ không quan tâm, đến với các em chỉ là những câu nói nặng nề hay la mắng. Các em sẽ giả bộ dúi mắt vào máy tính như một hình thức né tránh hoặc kiếm cớ là học tập. Nhưng thực sự khi cha mẹ bước ra khỏi phòng thì con quay sang chơi game. Thành ra máy tính là một cách để các em tránh đụng chạm với cha mẹ…”

Tuy nhiên, khi đã tạo thành một thói quen vùi đầu vào máy vi tính mà vẫn chưa được sự quan tâm của gia đình, thì từ việc che đậy khi chơi game, các em sẽ dần dần “công khai hóa” các hoạt động giải trí của mình trên máy tính, và sẽ đi đến mức nếu bị cấm ở gia đình thì các em sẵn sàng bỏ ra ngoài tiệm net để chơi, và sau đó có thể bỏ luôn gia đình để đi theo tiếng gọi của Game và chuyện rơi vào những tệ nạn xã hội chỉ là sớm hay muộn !

 

Từ Game tới …sex

Việc nghiện chơi game  có tính bạo lực đã có những ảnh hưởng nhất định, nhưng nếu nghiện game sex thì sẽ dẫn đến những tác hại rất khủng khiếp, Một bác sĩ ở bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, trung bình mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận 2-3 trường hợp là nạn nhân của game đến điều trị, trong đó nhiều ca nghiện game sex. Các bệnh nhân chủ yếu còn rất trẻ. Hầu hết lúc đầu chỉ chơi cho vui vì tò mò nhưng càng chơi lại càng muốn khám phá, chinh phục. Đến một lúc nào đó, các em bị chính trò chơi lạm dụng mà không biết, trở nên nghiện hồi nào không hay. Một khi đã nghiện, các bệnh nhân đều mắc chứng loạn dục do không điều khiển được hành vi. Có bệnh nhân nam cứ nhìn thấy ai là nữ là muốn quan hệ, thậm chí xông cả vào nhà vệ sinh bệnh viện để tìm kiếm nhằm thỏa mãn dục vọng của mình. Có bệnh nhân thì loạn dục cả với đồ vật.

Theo BS này thì cơ chế nghiện game vô cùng phức tạp. Các bệnh nhân vào điều trị phần lớn là do rối loạn hai chất dẫn truyền các xung thần kinh là serotonin và dopamine. Người nghiện game thường ở trong phòng kín quá lâu, không được tiếp xúc với môi trường, với ánh nắng mặt trời khiến tiết tố serotonin bị giảm, gây hiện tượng trầm cảm. Bên cạnh đó, việc thần kinh làm việc liên tục không nghỉ với cường độ cao lại khiến lượng dopamine tăng quá cao, gây cảm giác hưng phấn, người bệnh khó kiểm soát được hành vi, thái độ của mình. “Sự rối loạn giữa hai yếu tố trên chính là nguyên nhân gây ra bệnh ảo giác. Với các game thủ sex, sau một thời gian chơi các trò kích dục họ sẽ luôn có suy nghĩ bằng ảo tưởng là phải quan hệ tình dục với người khác…”, bác sĩ này giải thích. Ông cũng khuyến cáo, những hậu quả của tình trạng nghiện game sex vô cùng lớn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản (tổn thương bộ phận sinh dục, mắc các bệnh lây qua đường tình dục…) mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Một khi đã bị rối loạn tâm thần thì việc điều trị rất mệt mỏi, mất thời gian.

Vì thế, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến con cái và quản lý việc con sử dụng mạng. Đặc biệt, khi con có những biểu hiện của tình trạng nghiện game thì cần phải có những biện pháp tích cực và nhanh chóng để giúp con thoát khỏi tình trang nguy hại này.

Lê Ngọc Khuê ( trích : Nói không với game online – Lê Khanh – NXB Phụ Nữ 2010)

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý