Trẻ bị Tự Kỷ không phải do cách nuôi dưỡng của bố mẹ
03/04/2015
Khám phá giá trị bản thân
05/04/2015
Trẻ bị Tự Kỷ không phải do cách nuôi dưỡng của bố mẹ
03/04/2015
Khám phá giá trị bản thân
05/04/2015

Chiều nay vào mạng thấy các báo đưa tin về 2 vụ ‘hỗn chiến’ của các nữ sinh ở Gia Lai và Hải Phòng, tôi thảng thốt quá đỗi, không hình dung nổi chuyện gì đang xảy ra ở trường học Việt Nam.

Quay sang chị bạn là giáo viên người Ả Rập Saudi, tôi hỏi chị: Ở nước chị, học sinh có dùng bạo lực với nhau không? Chị bảo: cũng đôi khi có, nhưng chỉ có nam sinh thôi vì các em có khuynh hướng muốn chứng tỏ sức mạnh của mình, nữ sinh thì không bao giờ (chị nhấn mạnh nhiều lần là không bao giờ).

Vậy mà, ở Việt Nam, tình trạng nữ sinh đánh nhau hiện còn phổ biến hơn cả nam sinh.

Dù những việc học sinh đánh nhau không hiếm ở Việt Nam từ xưa đến nay, nhưng gần đây, số vụ bạo lực học đường càng ngày càng tăng. Tôi không có ý định mổ xẻ nguyên nhân ở đây vì cho rằng chúng ta không thể chần chờ thêm được nữa, phải có những giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng này.

Giải pháp tầm vĩ mô (cấp Bộ, cấp Sở hay các cơ quan ban ngành) chắc phải chờ lâu. Nhà trường, gia đình thì phải chứng kiến và xử lý vụ việc hàng ngày nên chúng ta phải hành động ngay.

Từng tham gia các lớp tập huấn, tham khảo tài liệu và kinh nghiệm của các giáo viên ở nước ngoài, tôi nhận thấy họ đề cao việc phòng ngừa. Tôi nghĩ cấp quản lý ở trường học, giáo viên và phụ huynh nên chú trọng điều này, không thể chờ đến khi xảy ra việc nghiêm trọng, rồi mới họp hành, xử lý kỷ luật học sinh. Giải pháp đuổi học là hình thức kỷ luật ‘chẳng đặng đừng’ vì đơn giản loại bỏ học sinh đó ra khỏi môi trường học đường (được xem là lành mạnh nhất) thì sẽ gia tăng nguy cơ sa vào những môi trường xấu và khả năng thực hiện hành vi xấu của em nhiều hơn.

Trước mắt, nhà trường tổ chức cung cấp văn bản hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên cách thức ngăn ngừa và xử lý với tình trạng bạo lực trong (phần chính) lẫn ngoài lớp học. Tôi dám chắc rằng rất nhiều giáo viên cũng lúng túng khi thấy học sinh lao vào nhau ẩu đả hoặc không nhận diện được các tình huống có nguy cơ dẫn đến bạo lực của học sinh.

Ngay tại Anh, nơi tôi đang học, năm 2010, Hiệp hội giáo viên và giảng viên (Association of Teachers and Lecturers) thống kê, được 2/3 giáo viên mới không đủ kiến thức, kỹ năng và sự tự tin để ứng phó với bạo lực ở học sinh và họ đã đề nghị chương trình huấn luyện bắt buộc cho đối tượng này. Đối với nhà trường Việt Nam, ngoài đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm, có thể mời thêm các chuyên gia tâm lý học đường, giáo dục đến để tập huấn và hỗ trợ biên soạn tài liệu hướng dẫn.

Nhà trường cũng nên bổ sung các quy định cụ thể vào nội quy về cách ứng xử giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với nhau, dán bảng tin, dán trong lớp, nhắc nhở thường xuyên trong sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm. Cách thức ứng xử khi phát hiện học sinh khác có nguy cơ gây hấn, đánh nhau cũng nên được lưu ý, nhấn mạnh tuyệt đối chuyện cổ vũ, khích bác đánh nhau, quay clip phát tán trên mạng.

Quy định cụ thể tức ghi rõ những hành vi, lời nói nào không được phép sử dụng với nhau qua các kênh giao tiếp từ trực tiếp lẫn gián tiếp (facebook, chat, email, điện thoại), kèm theo là hình thức kỷ luật của nhà trường nếu vi phạm những điều trên. Tôi khuyến khích các hình thức kỷ luật như lao động công ích (quét dọn lớp, sân trường, chăm sóc cây cối…), cách ly tự vấn (vào phòng riêng, tự viết lại những hành vi, lời nói khiếm nhã của mình, tự nói lại những lời đó với chính mình), trải nghiệm ‘cảm xúc’. 

Ví dụ: Hai học sinh có lời nói khích bác lẫn nhau rồi gây gổ, sau khi ngưng hành vi, giáo viên hỏi rõ câu chuyện từ cả hai thì phạt bằng cách đổi vai, những lời thực tế học sinh A nói thì khi tái hiện lại, chuyển sang học sinh B nói để A có cơ hội hiểu được cảm xúc của B và ngược lại, có thể yêu cầu học sinh nói nhiều lần thay vì ‘chép phạt’ như cách thông thường hay dùng.

Một kinh nghiệm khác đến từ các trường Anh, Mỹ là nhà trường thành lập đội chuyên trách ứng phó với bạo lực học đường. Ở bối cảnh nước ta, đội này nên bao gồm đại diện ban giám hiệu, giám thị, bảo vệ, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường (nếu có), giáo viên giàu kinh nghiệm, bí thư Đoàn trường. Không nên chờ có bạo lực diễn ra mới thành lập mà tất cả nhà trường nên có. Đội ngũ này sẽ tiếp cận các em có nguy cơ sử dụng bạo lực (học sinh chưa ngoan, thường gây gổ…), tìm hiểu nguyên nhân, tư vấn hỗ trợ, không loại trừ khả năng học sinh đang gặp các chứng rối nhiễu tâm lý như nói ở trên, nên có thể cho các em làm các bài kiểm tra tâm lý để can thiệp chính xác hơn. Hiện nay, nhiều trường học tại các thành phố lớn đã có đội ngũ chuyên viên tư vấn tâm lý học đường nhưng chức năng của họ chưa được khai thác hết, vì vậy, nếu đội ngũ này chủ động tiếp cận học sinh, có thể giúp ích rất nhiều.

Một giải pháp có thể gián tiếp nhưng hiệu quả lâu dài là nhà trường triển khai các chuyên đề về kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết xung đột, giao tiếp, văn hoá học đường cho cả giáo viên và học sinh để hình thành nhận thức sâu sắc, kỹ năng thành thạo, thái độ đúng đắn trong ứng xử cho cả giáo viên, học sinh.

Nếu hành vi bạo lực đang diễn ra trong lớp học, chỉ có giám thị, bảo vệ đã qua tập huấn ứng phó hành vi bạo lực mới nên can ngăn, trường hợp học sinh sử dụng vũ khí nguy hiểm thì phải gọi cho công an, dân phòng, đồng thời yêu cầu các em học sinh khác di chuyển khỏi lớp. Ở các sự vụ vừa rồi, tôi đồng ý khi nhà trường phê bình các em không báo cáo, hoặc có hành vi cổ vũ nhưng yêu cầu học sinh trong tình huống đó nhảy vào can ngăn là không đúng vì có thể gây nguy hiểm cho các em.

Điều cuối cùng là nhà trường đừng quên phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục học sinh. Nhà trường phải thông báo với phụ huynh về những dấu hiệu bất ổn về cảm xúc lẫn hành vi có thể dẫn đến nguy cơ dùng bạo lực hoặc bị tấn công bằng bạo lực (bị trả thù, bắt nạt) của học sinh để gia đình cùng hỗ trợ can thiệp. Tại Anh, việc giáo viên gọi điện trao đổi với phụ huynh cũng khá phổ biến. Nếu xảy ra việc ẩu đả tại trường, rõ ràng, nhà trường không nên để cho các học sinh đi về một mình mà nên yêu cầu người nhà vào đưa học sinh về để bảo đảm các em không tiếp tục gây hấn nhau ngoài trường.

Không ai trong chúng ta mong muốn nhìn thấy hình ảnh bạo lực nhất là lại diễn ra ở độ tuổi vị thành niên khi nhân cách của các em chưa trưởng thành. Nhà trường vốn là nơi an toàn nhất nên càng không thể để tình trạng này tiếp diễn.

Nguyễn Thị Thu Huyền

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý