Làm mẹ khi tuổi vị thành niên (2)
18/03/2012
Bàn về hiện tượng tử tử ở thiếu niên
22/03/2012
Làm mẹ khi tuổi vị thành niên (2)
18/03/2012
Bàn về hiện tượng tử tử ở thiếu niên
22/03/2012

Đồng tính hay đồng tính luyến ái là một căn bệnh hay một trạng thái cảm xúc ? và nên ứng xử với người đồng tính như thế nào ?Chương trình Thế Giới Phụ Nữ đã có một cuộc trao đổi với chuyên gia TL Lê Khanh, sẽ được phát sóng trên THVN.

1/ Thưa anh như chương trình vừa giới thiệu, 2 chữ đồng tính đã xuất hiện trong cuộc sống và xã hội của chúng ta từ khá lâu, tuy nhiên đối với nhiều người, khái niệm trên còn khá mơ hồ, mơ hồ từ cả cách định nghĩa về một cái tên. Vậy xin anh cho biết Đồng tính là gì?

Đồng tính nói một cách đầy đủ là đồng tính luyến ái, nôm na là yêu người cùng phái ! Có nhiều cách gọi khác nhau về tính cách này như : Les, gay, thế giới thứ 3, xăng pha nhớt .v.v. – Nhưng chúng ta nên biết, có hai loại luyến ái là :

Dị tính luyến ái (hay yêu người khác phái) đây là quan hệ luyến ái được gọi là bình thường bởi vì nó chiếm hơn 80 % nhân loại, và có khoảng 20 % là những người đồng tính luyến ái. và Lưỡng tính luyến ái. Trong Những người đồng tính, có nhóm đồng tính nam (Gay ) Nhóm này có bề ngoài là nam nhưng trong nhận thức, thì họ lại cho rằng mình là nữ nên dĩ nhiên là chỉ muốn quan hệ tình cảm với một người nam khác. Nhóm này chiếm đa số. Nhóm thứ hai là đồng tính nữ ( Les hay Lesbian ) Nhóm này có bề ngoài hay cấu tạo cơ thể là nữ nhưng lại cho rằng mình là nam nên cũng chỉ muốn quan hệ với một người nữ khác. Còn nhóm lưỡng tính luyến ái, là những người cũng có thể yêu và sống với người khác phái, nhưng vẫn có xu hướng muốn quan hệ với người đồng phái.

2/      Trên các phương tiện truyền thông, trong cuộc sống hay ngoài xã hội hiện vẫn có nhiều cách gọi, tên gọi khác nhau về thế giới đồng tính, ví dụ như: “Đồng tính”, “Les”, “Gay”, “Thế giới thứ 3”… Vậy theo anh, những tên gọi đó có chung nguồn gốc không?

Như đã nói ở trên, đây là những cái tên gọi chung một tình trạng và có sự phân biệt giữa nhóm Gay và nhóm Les – là đồng tính nam và đồng tính nữ. Còn gọi là thế giới thứ ba vì người ta cho rằng có thế giới đàn ông, thế giới đàn bà và cái thế giới lưng chừng ông bà lẫn lộn ! Nhưng cách gọi này không chính xác về phương diện khoa học và lại còn mang tính phân biệt hay kỳ thị nữa, vì bản thân họ cũng vẫn là một người nam hay nữ, chỉ có khác ở chỗ là nhận thức và khuynh hướng về tình cảm và tình dục thôi, tại sao lại phải đầy họ qua một thế giới khác! Điều này cũng tương tự như người bị bệnh phung hay bị nhiễm HIV/AIDS, họ bị đẩy ra khỏi cái xã hội bởi vì những căn bệnh họ mắc phải nhưng họ vẫn là người !

3/      Cho đến nay, câu hỏi về nguyên nhân gây ra đồng tính có lẽ là một trong những câu hỏi khó trả lời nhất cho bất kỳ nhà nghiên cứu tình dục học nào. Có nhà nghiên cứu cho rằng đó là do gen di truyền, có người lại cho rằng đó là do sự tác động của cá nhân hoặc xã hội, hoặc là cả hai. Có người còn quả quyết nói là do lối sống lệch lạc, sai lầm mang lại… Vậy ý kiến của anh về điều này thế nào, thưa anh?

Cho đến nay, theo quan điểm chung kể cả với một số nhà chuyên môn, vẫn cho rằng sở dĩ trẻ bị tình trạng này là do những rối loạn về các chất kích thích tố nam và nữ, hoặc tại gia đình tác động ( như cho bé gái mặc đồ con trai ) hay ảnh hưởng của bạn bè, hoặc do cách sống lệch lạc… thậm chí là do tất cả các yếu tố trên. Bởi vì cho đến nay vẫn chưa ai tìm ra nguyên nhân đích thực là tại sao một chàng trai lại cứ nghĩ mình là con gái, và một cô con gái nhất định cho mình là con trai. Có phải do rối loạn nhiễm sắc thể hay rối loạn chất kích thích tố khi còn là bào thai chăng ? chưa ai biết được ! Dĩ nhiên là cũng có những biểu hiện ra bên ngoài như vẻ mặt, cách đi đứng hay một vài bộ phận có sự biến đổi tuy không nhiều. Thế nhưng nếu đem đi xét nghiệm với tất cả các kỹ thuật tối tân nhất cũng không thấy điều gì khác thường trong não bộ.

Theo suy nghĩ của tôi thì chúng ta nên phân ra hai loại đồng tính là đồng tính thật và đồng tính giả. Đồng tính thật là khi bản thân người đó có nhận thức rõ ràng về xu hướng luyến ái của mình, đã có những bộc lộ ngay từ nhỏ mà có thể do cha mẹ chủ quan không nhận ra. Còn đồng tính giả là do ảnh hưởng của bạn bè, phim ảnh khi bước vào tuổi thiếu niên nên đã có những hành vi giống như một người đồng tính, cũng có thể do khả năng tự chủ kém, từ bé đã hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình, nên khi đến tuổi dậy thì đã gặp một người có khả năng thu hút hoặc bị dụ dỗ, cưỡng ép và vì đó là một người đồng tính, nên đã bị cuốn vào các mối quan hệ đồng tính. Cũng có những bạn trẻ, muốn làm điều khác người nên thành lập những băng nhóm và tự nhận mình là Gay hay Les, và có những hành vi theo kiểu đồng tính với mục đích chống đối hay đi tìm những cảm giác lạ, đây cũng là một loại đồng tính giả và đã gây ra khá nhiều tệ nạn hay sự đau khổ cho các bậc cha mẹ có con bị cuốn vào các băng nhóm này.

4/      Thưa anh, cuộc sống của người đồng tính luôn tồn tại 2 thế giới đối lập nhau: ra ngoài xã hội họ không được dám thể hiện bởi sự kỳ thị còn quá cao. Họ chỉ được sống thật với lòng mình khi trở về với một góc không gian riêng, nơi chỉ có mình họ hoặc những người “cùng hội cùng thuyền”. Câu hỏi quan trọng nhất mà khán giả của chúng ta đang quan tâm là: Đồng tính có phải là một thứ bệnh?

Có thể nói là theo quan điểm của đa số, kể cả các nhà chuyên môn vẫn xem đây là một thứ bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đúng là trước kia, người ta xếp tình trạng đồng tính này vào nhóm bệnh “Lệch lạc giới tính” (theo sách phân loại bệnh DSM của hội Tâm Thần học Hoa kỳ) sau đó đến năm 1973 nó lại được xếp vào nhóm “ Rối loạn định hướng tình dục” thậm chí còn được chia làm hai nhóm : Nhóm hài lòng với mình và nhóm không hài lòng với mình. Và dĩ nhiên là họ vẫn có tư tưởng : hễ gọi là bệnh là có thể chữa được. Nhưng cuối cùng thì sau nhiều thất bại trong chuyện trị liệu , mãi đến năm 1994 giới chuyên môn mới xem đây không phải là bệnh và khuyên mọi người nên chấp nhận “sống chung với lũ” Nhưng có thể nói là hầu hết trong mọi gia đình có con là đồng tính đều cố gắng hết sức làm cái điều không thể làm được là buộc con em mình phải trở thành người bình thường về giới tính!

5/      Mặc dù hiện nay cái nhìn về giới tính thứ 3 này có phần cởi mở hơn, nhưng việc chấp nhận hòa nhập và chia sẻ với người đồng tính thì chỉ được một số ít chấp nhận. Vậy theo anh, người đồng tính cần được chia sẻ thế thế nào, người thân cần làm gì trong cách cư xử với người đồng tính?

Hiện nay, có một danh từ mà ai cũng muốn biến từ lời nói thành hiện thực, đó là sự đồng cảm, nhất là với những lĩnh vực mang tính xã hội, như kêu gọi sự đồng cảm với người bệnh phung, người có HIV/AIDS thậm chí ngay cả người khuyết tật, từ thể lý đến tâm lý mà cụ thể là các bạn trẻ bại liệt, bị chậm phát triển hay có tình trạng tự kỷ. Người đồng tính cũng vậy, hầu hết mọi người trong chúng ta ai cũng đều có thể bỏ công sức, tiền của và cả thì giờ ra để giúp đỡ những đối tượng trên, thế nhưng liệu chúng ta có dám sống chung, làm việc chung hay nhận những đối tượng trên vào làm việc trong công ty, cơ quan của mình không ? Cái điều tưởng chừng hết sức đơn giản là được làm một người bình thường thì lại hóa ra là rất khó khăn. Vì thế, tôi nghĩ rằng nếu những người ngoài xã hội vẫn còn sự kỳ thị, thì điều cần thiết ở đây là trong gia đình, chính những người thân hãy xem những đứa con đồng tính là một người bình thường và đối xử với các em đúng với cái giới tính mà nó mong muốn, nghĩa là hãy chấp nhận con em mình và động viên các em tập trung năng lực vào việc học hay trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp đồng thời tôn trọng nhận thức về giới tính của các em.

6/ Nếu như đồng tính không phải là một bệnh, thì theo anh: Có nên bắt hoặc thuyết phục người đồng tính thay đổi cách sống, cách suy nghĩ và các mối quan hệ của họ không?

Như chúng ta đã trao đổi, đây không phải là một căn bệnh vì không chữa được, mà là một xu thế cảm xúc hay một tình trạng , chúng ta chỉ có thể thuyết phục người đồng tính hãy có những cách ứng xử bình thường, đừng cố tình biểu lộ một cách thái quá cái tính cách của họ như một số bạn trai đồng tính đã cố gắng tạo dáng bề ngoài bằng việc trang điểm son phấn, ăn mặc gợi cảm mà ta thường gọi là bóng lộ, như một cách phản ứng trước sự kỳ thị của mọi người, và đồng thời lưu ý hay hướng dẫn họ có những mối quan hệ tình dục an toàn vì ta biết rằng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở những người đồng tính nam là rất lớn.

Còn về nhận thức trong tâm lý của họ thì làm sao chúng ta có thể bắt buộc họ thay đổi được ? Càng bắt buộc thì họ càng cố gắng che dấu cái xu thế thực của mình, rút lui vào bí mật các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ tình dục và điều này lại còn nguy hại cho bản thân họ hơn là việc quan hệ một cách công khai.

7/ Có lẽ chúng ta cũng đã quen với những câu chuyện trên mạng, trên một số phương tiện báo chí rằng: Anh này bị đồng tính, cô kia bị les, … Vậy theo anh, làm thế nào để biết mình đồng tính?

Khi nói rằng anh này bị đồng tính, cô kia bị les điều đó có nghĩa là ta vẫn xem đồng tính là một tai nạn hay một điều tồi tệ mà chẳng may mới gặp phải. Thậm chí, chúng ta xem người đồng tính như một kẻ hạ cấp, không có quan hệ bình thường như chúng ta ! Còn dĩ nhiên, đây đâu phải là một căn bệnh từ bên ngoài vào với những triệu chứng để chúng ta nhận ra, vì khi chúng ta ý thức được mình là một kẻ đồng tính thì cái tình trạng này đã là chính con người chúng ta rồi – Còn dĩ nhiên là với tình trạng đồng tính giả hay đồng tính phong trào, thì có khi bản thân người đó họ cũng biết là họ đang “đóng kịch” đang “giả bộ” làm đồng tính, và cũng có thể, do không có khả năng tự chủ, không biết quý trọng giá trị của bản thân và thiếu kỹ năng sống, họ để cho những cảm xúc “sống và hành động” như một người đồng tính cuốn họ đi cho đến một thời điểm nào đó họ một giật mình tỉnh ngộ, nhưng cũng có khi họ sẽ có những phản ứng tiêu cực gây tổn hại cho bản thân và đem lại sự đau khổ cho những người thân của họ.

8/ Trước khi phát hiện bị đồng tính, đa số người đồng tính vẫn lao động, học tập và công tác bình thường, thậm chí còn nổi trội hơn người khác. Vậy người bị đồng tính vẫn có thể lấy vợ- lấy chồng và sinh con được, đúng không ?

Như đã nói, có những người thuộc nhóm lưỡng tính luyến ái, thì học vẫn có thể lấy vợ, lấy chồng, sinh con … mà thậm chí ngay cả với người đồng tính cũng vậy, nếu không có những khác biệt quá trầm trọng về các bộ phận, nhất là bộ phận sinh dục thì họ vẫn có thể sống một cuộc sống bình thường. Nhưng có thể cuộc sống hôn nhân của họ sẽ không kéo dài, vì qua cách ứng xử hay thậm chí trong hoạt động tình dục, đối tác của họ là những người bình thường, sẽ nhận ra và từ đó sự chia tay là khó tránh khỏi. Còn dĩ nhiên, là trong các hoạt động xã hội, có khá nhiều người đồng tính rất có năng lực trong công việc hay nghề nghiệp của họ. Còn chuyện bị phát hiện ra đồng tính, thì điều đó cũng có thể gây ra những xáo trộn, hoặc thậm chí là một sự kỳ thị, và có thể vì thái độ của những người xung quanh đã đẩy những người đồng tính vào các phản ứng tiêu cực – Vấn đề là tùy vào cách nhìn nhận của những người xung quanh mà thôi, vì thế rõ ràng là chính thái độ ứng xử của chúng ta sẽ giúp họ có một cuộc sống bình thường hay không.

9/Với một số nước trên thế giới, sự thừa nhận đồng tính như một phần của cuộc sống đã tồn tại từ khá lâu. Thậm chí một số nơi còn cho phép đám cưới đồng tính, rồi nhiều tổ chức, câu lạc bộ người đồng tính ra đời giúp người đồng tính hòa nhập rất tốt với xã hội với cộng đồng. Còn ở nước ta, vấn đề này còn nhiều nan giải. Trong hoàn cảnh đó, người đồng tính có nên nói ra mình bị đồng tính không và nếu nói thì khi nào là hợp lý, thưa anh?

Từ giữa thế kỷ 20 trở đi, dần dẩn đồng tính đã không còn bị xem là một căn bệnh tệ hại hay bị lên án ở hầu hết các nước phát triển. Tuy nhiên, về mặt luật pháp thì đây là một quan điểm rất khác biệt ở các nước. Có những nơi chấp nhận hôn nhân đồng tính, có nơi không chấp nhận và cũng có nơi hành vi đồng tính là phạm pháp và bị xét xử rất nặng, kể cả việc bị tử hình.

Tuy nhiên tình trạng hay chứng ghê sợ đồng tính vẫn còn tồn tại ở rất nhiều nơi. Chính điều này mới làm cho người đồng tính trở nên khổ sở, phải che dấu hoặc ngược lại là có những hành động, phản ứng thái quá và gặp nhiều khó khăn trong quan hệ xã hội đôi khi dẫn đến tình trạng tự tử ! Tại Việt Nam tuy không có luật cấm quan hệ tình dục đồng giới nhưng luật hôn nhân gia đình Việt Nam cấm hôn nhân giữa hai người cùng giới tính.

Vì vậy, vấn đề ở đây không phải là nên nói ra hay không nên nói ra, và nói khi nào ? vì để làm gì ? bởi vì đó là một quan điểm về cảm xúc hay tính dục,nên dù là người đồng tính hay dị tính cũng vậy thôi – Tôi quan tâm và yêu một người nào đó là quyền của tôi, điều quan trọng là tôi có thể chinh phục hay làm cho người đó cũng yêu tôi hay không mà thôi! Còn nếu đứng trên bình diện xã hội, thì trong lĩnh vực nghề nghiệp, chúng ta chỉ cần quan tâm đến năng lực và cách ứng xử, nếu đó là một người có năng lực, có tinh thần trách nhiệm, biết ứng xử đúng đắn, và biết cách làm việc thì dù người đó có là người đồng tính hay không, chúng ta nên coi đó là một quan điểm sống riêng của họ vì thế   nên có sự tôn trọng và hợp tác. Đó là thái độ tốt nhất mà chúng ta nên có !

Cv.Tl Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý