THẾ NÀO LÀ MỘT NỀN GIÁO DỤC HIỆU QUẢ ?
24/10/2017
CÁI TÊN KHÔNG QUAN TRỌNG
25/12/2017
THẾ NÀO LÀ MỘT NỀN GIÁO DỤC HIỆU QUẢ ?
24/10/2017
CÁI TÊN KHÔNG QUAN TRỌNG
25/12/2017

Một trong những biện pháp đem lại sự bình an và hạnh phúc cho mỗi người là có cái nhìn tích cực, biết chấp nhận thực tế và thay đổi cách ứng xử để phù hợp với những điều kiện trong cuộc sống của chúng ta. Điều này có thể áp dụng vào hầu hết các vấn đề mà mỗi người chúng ta đang đương đầu.

Khi đối diện với những thách thức mà một đứa con gây ra cho bố mẹ . Các bậc phụ huynh thường đi tìm kiếm những nguyên nhân bên ngoài như Phim ảnh bạo lực, game online, bạn bè xấu … và cho rằng đứa con mà họ nghĩ rằng “ rất ngoan” rất dễ thương của mình, đã bị tác động của xã hội mà trở nên ngỗ nghịch và thách thức mọi người bằng những thói hư tật xấu… ít ai nghĩ rằng những thói hư tật xấu ấy có nguồn gốc từ chính ..bố mẹ !  Chính sự dung dưỡng, nuông chiều đã từng bước biến đổi đứa trẻ trở thành điều không thể chấp nhận.

Ngay cả với những trẻ đặc biệt, mà nguyên nhân sự rối loạn của chúng đến nay vẫn là một ẩn số. Chính vì thế mà nhiều người vẫn cho rằng, tình trạng tự kỷ của trẻ là do môi trường bên ngoài tác động vào trẻ sau khi sinh, và vì thế họ tin rằng với thời gian , bằng những biện pháp nào đó, có thể chữa lành. Niềm tin ấy cùng với  tình thương con khiến họ đã dồn mọi nỗ lực vào để cố gắng biến đổi những điều mà họ cho rằng bất thường ở trẻ, trở thành những điều bình thường dưới mắt mọi người. Điều này có khi là sự vô vọng, và đem lại cho phụ huynh một sự sụp đổ.

Thái độ tất cả vì con là một đức tính tuyệt vời của các ông bố, bà mẹ… nhưng điều đó ngoài việc cung cấp cho họ một nghị lực phi thường để đeo đuổi, vận dụng mọi biện pháp trị liệu cho con, kể cả những biện pháp phi lý ,mơ hồ nhất. Không những thế, vì việc không chấp nhận được tình trạng của con, đã khiến cho họ suy kiệt cả niềm vui trong cuộc sống, nhìn đâu cũng thấy một sự bi quan và khao khát một sự thay đổi nhanh chóng .

Trong tác phẩm : NHỮNG TRÒ CHƠI CAN THIỆP SỚM của tác giả  Barbara Sher , một chuyên viên trị liệu vận động đầy kinh nghiệm, đã đưa ra một quan điểm hết sức thú vị , bà cho rằng chính sự nỗ lực dập tắt những hành vi “ kỳ cục” của trẻ, nỗ lực chữa trị một trẻ tự kỷ trở nên bình thường, đặc biệt là ở các trẻ tự kỷ chức năng cao là một điều không đem lại cuộc sống tốt đẹp cho trẻ như bố mẹ thường mong, Bà nghĩ rằng trẻ tự kỷ không phải là những bệnh nhân, mà là một thành phần tiến bộ hơn của con người ! Bởi vì có rất nhiều thiên tài về một lĩnh vực nào đó được tìm thấy trong nhóm người tự kỷ .

Bà viết : “ Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong một tương lai không quá xa, mọi người sẽ coi việc mắc hội chứng tự kỷ thật là “dễ chịu” hay đó chỉ là cách cảm nhận thế giới khác biệt mà thôi. Những thuật ngữ như Rối loạn cảm giác sẽ được thay thế bằng Có cảm giác khác biệt, và tất cả chúng ta sẽ học cách nhạy cảm hơn với nhu cầu của mình và cách ổn định bản thân chúng ta.”

Zosia Zaks, một người tự kỷ trưởng thành và tác giả của cuốn Tình yêu và Cuộc sống: Chiến lược tích cực cho những người tự kỷ trưởng thành, đã bàn thêm về tương lai này, viết rõ trên trang web của cô (www.autismability.com):

Hầu hết người tự kỷ đều không muốn được “chữa khỏi”. Chúng tôi không muốn tự kỷ bị xóa bỏ khỏi con người chúng tôi một cách thần kỳ, hoặc bằng một vài phương pháp nào đó. Bạn có thể đã từng muốn xóa sạch mọi hành vi bất thường của chúng tôi. Nhưng đây mới là điều quan trọng bạn cần hiểu. Rất nhiều người tự kỷ, với các kỹ năng đa dạng, với những tài năng khác biệt, cũng như những khó khăn, vấn đề và mối quan tâm khác nhau, đang đưa ra những hiểu biết mới về tự kỷ, đang làm việc cần mẫn để tích cực ủng hộ cho các lợi ích của sự đa dạng về thần kinh. Nên mục tiêu cố gắng biến đổi người tự kỷ thành người “bình thường” hay “điển hình” hay “trông giống như bạn đồng lứa” là không ổn, bởi vì tự kỷ là sinh học-thần kinh. Do đó, người tự kỷ được “tạo nên” bởi những nét tự kỷ. Thay vì cố gắng thay đổi, các bạn hãy cố gắng làm việc với chúng tôi bằng cái nhìn của chúng tôi, Nhờ thế chúng tôi có thể học được kỹ năng mới, học được cách giao tiếp, và tận hưởng cuộc sống của chúng tôi.

Quan điểm này có vẻ như rất khó hiểu và chắc cũng khó có bậc cha mẹ nào chấp nhận, con tôi là trẻ tự kỷ, nó đang bị kỳ thị, phân biệt đối xử ở khắp nơi, kể cả trong gia đình mà nay lại bảo rằng không cần thay đổi ? trong khi ở các lĩnh vực khác, nhất là trong giáo dục trẻ bình thường, nó được xem là một quan điểm tiến bộ và hiệu quả !

Chúng ta hiểu rằng, không phải là sẽ chấp nhận mọi sự chậm trễ về ngôn ngữ, mọi rối loạn về hành vi của trẻ, bởi chính tác giả Barbara cũng đã đưa ra những biện pháp tác động qua chơi hết sức thú vị để cải thiện các vấn đề này nơi trẻ tự kỷ. Nhưng điều quan trọng mà các bậc cha mẹ và các nhà trị liệu, các giáo viên và cả những người tiếp xúc với trẻ tự kỷ cần biết – Ngoài những kém cỏi, thiếu hụt về ngôn ngữ và nhận thức, thì bên trong con người của trẻ luôn ẩn chứa một năng lực, mà có thể chúng ta chưa khám phá ra hoặc không xem đó là một năng lực, bởi vì chúng ta chưa hiểu, chưa biết dùng năng lực khác biệt ấy vào việc gì !

Điều mà chúng ta cần phải nhìn nhận, thái độ và nhận thức của trẻ không phải là một sự rối loạn mà chỉ là một sự khác biệt – Điều này cũng tương tự như sự khác biệt về chủng tộc, về niềm tin tôn giáo, về giới tính ( đồng tính, lưỡng tính … ) Chúng ta chấp nhận chúng để chính chúng ta không phải “ tuyệt vọng – muốn chết đi cho xong” mà là tôn trọng và nỗ lực tìm cách phát triển những năng lực tiềm ẩn của trẻ thay vì nỗ dập tắt những hành vi bất thường vì điều đó là vô ích.

Ở đây, ta thấy có một điểm tương đồng trong quan điểm giáo dục – khi đứng trước một đứa trẻ hư – Thay vì trừng phạt mà hãy nhìn nhận và nâng đỡ , đó là quan điểm giáo dục tích cực đã biến đổi rất nhiều trẻ cá biệt, hư hỏng, chống đối trở nên những con người hữu ích, hay ít ra không đem lại cho chúng một mặc cảm bị loại trừ .  Với trẻ đặc biệt cũng thế, nhìn nhận, nâng đỡ và tôn trọng chính là quan điểm khi áp dụng các biện pháp giáo dục tích cực mà mọi người từ gia đình đến xã hội đều cần phải có khi đứng trước một đứa trẻ. Chỉ khi nào có được điều này thì chừng đó, chúng ta mới có thể gọi đó là một nền giáo dục hòa nhập đúng nghĩa.

Một quốc gia không chỉ là một chủng tộc, một xã hội không chỉ là một giai cấp, một con người không chỉ là một giới tính, thế tại sao mọi đứa trẻ đều phải là một đứa trẻ bình thường giống nhau trong một nền giáo dục gọi là “ hòa nhập” để phải chịu sự “hòa tan” về nhân cách ?

Lê Khanh

Cty Giáo dục Kidstime Bình Thạnh

 

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý