Cảm nhận về hạnh phúc
09/05/2011
Khả năng của bạn ra sao ?
10/05/2011
Cảm nhận về hạnh phúc
09/05/2011
Khả năng của bạn ra sao ?
10/05/2011

Khi nói đến cụm từ Trị liệu tâm lý, chúng ta thường chú ý đến từ trị liệu hơn là từ tâm lý, vì thế thường liên tưởng đến các yếu tố như thuốc men, phác đồ điều trị hay tay nghề của các nhà chuyên môn …

mà ít khi để ý đến một yếu tố quan trọng, đó là bản thân người cần được trị liệu, trong khi trị liệu tâm lý thì thân chủ, hay người có vấn đề mới là yếu tố quyết định cho kết quả của một tiến trình trị liệu.


Vậy, trị liệu tâm lý là gì?

Trị liệu tâm lý (psychotherapy) là các biện pháp giải quyết những tình trạng kém thích nghi bằng những tác động và kỹ thuật tâm lý. Mục đích của nó là giúp người ta đương đầu tốt hơn với đời sống và có được những lối sống thỏa đáng hơn về mặt cảm xúc.

Như vậy, trị liệu Tâm lý không hề nhắm đến việc điều trị, chữa bệnh mà là giúp cho người có vấn đề về tâm lý tăng cường năng lực của chính mình, tự tìm ra những biện pháp để giải quyết vấn đề của mình và hoàn toàn tự chủ trong việc chọn lựa cho mình một các giải quyết thích hợp.

Các liệu pháp tâm lý có hai loại chính :

 

1/ LIỆU PHÁP NỘI THỊ (insight therapy)

Liệu pháp này cố gắng giúp đương sự hiểu được những động cơ đằng sau hành vi của họ. Các nhà trị liệu nội thị cho rằng sự kém thích nghi và những hành vi bất thường xảy ra khi người ta không hiểu được chính mình một cách đầy đủ.

Hai điều mặc định cơ bản của liệu pháp nội thị là:

 

(1)          Việc nhận ra những động cơ của bản thân sẽ giúp đương sự thay đổi và trở nên thích nghi hơn;

(2)          Những mâu thuẫn mà đương sự không nhận biết được (và do vậy không giải quyết được) là nguyên nhân của tình trạng kém thích nghi.

 

Mục đích của liệu pháp nội thị là chữa trị những nguyên nhân của hành vi bất thường hơn là chữa trị chính những hành vi đó.

Liệu pháp nội thị giúp đương sự xem xét đời sống dưới một nhãn quan khác để họ có thể lựa chọn những lối sống thích nghi hơn. Những biện pháp nội thị tiêu biểu là :

 

Phân tâm học (Psychoanalysis)

Phương pháp Phân tâm  do  Sigmund Freud (1856-1939) xây dựng và được xem là một bước phát triển lớn trong ngành tâm lý với những khái niệm về quá trình vô thức, các cơ chế bảo vệ, bản năng xung đột ( xung năng) bản năng, cái tôi (tự ngã) cái siêu tôi (siêu ngã), tính đề kháng, là quá trình liên tưởng tự do cùng với sự ham muốn tính dục (Libido)

Tuy Phân tâm học còn nhiều hạn chế, nhưng nó là nền tảng cho hầu hết mọi liệu pháp tâm lý về sau này. Phân tâm học cũng được một số nhà tâm lý điều chỉnh và phát triển về nhiều mặt khác nhau. Trong đó nổi bật là Carl Gustav Jung , một học trò và cộng sự của Freud với những khám phá mới về nguyên lý tổng thể tâm lý và nguyên lý năng lượng tâm thức cũng như ngoài khái niệm về vô thức cá nhân, còn có cả vô thức tập thể. Để phân biệt với Phân tâm học, Jung gọi ngành tâm lý của mình là Tâm lý học phân tích ( Analytical Psychology) .

 

Một nhà tâm lý khác là Anna Freud là con gái của Freud đã có những nghiên cứu về tâm lý trị liệu trẻ em  trên nền tảng Phân tâm học bằng cách quan sát trẻ em lúc chúng vui chơi. Bà tìm kiếm những động cơ vô thức đằng sau những bức vẽ, hình vẽ, giải thích trò chơi của trẻ. Bà đưa ra những khái niệm về sự chuyển vai tích cực và tính gắn bó, cơ chế bảo vệ và sự đề kháng – liên tưởng thông suốt.

 

Ngoài ra còn có các nhà tiên phong đã vận dụng những yếu tố của Phân tâm học như Melanie Klein (đưa ra những khái niệm về trò chơi trị liệu), Donald Winnicott (Xây dựng ý niệm về các đối tượng chuyển tiếp và không gian chuyển tiếp giữa người mẹ và đứa con) Margaret Lawenfeld ( Ý niệm sử dụng khay cát và các mô hình người – vật, các vật dụng linh tinh để khuyến khích các diễn đạt không lời của trẻ trong việc bộc lộ những vấn đề nội tâm)

 


Liệu pháp thân chủ trọng tâm (client-centered therapy)

 

Liệu pháp thân chủ trọng tâm, được phát triển bởi Carl Rogers, ( 1902-1987) cho rằng con người có một khả năng đáng kể về lựa chọn, kiểm soát và ý chí tự do trong việc xác định hành vi của họ. con người cơ bản là những cá thể tốt, thuần thục và có tính xã hội, luôn tiến bộ và trưởng thành hơn. Đối với các nhà trị liệu theo trường phái Rogers, các hành vi “có vấn đề” xảy ra khi môi trường ngăn cản đương sự phát triển và thể hiện những tiềm năng vốn có của mình. Những mặc định sau đây giúp định hình cho liệu pháp của Rogers:

 

  1. “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người sinh ra vốn tốt và có thể đương đầu hiệu quả với môi trường.
  2. Hành vi con người là có mục đích và được chi phối bởi mục đích.
  3. Những người lành mạnh có thể nhận biết được mọi hành vi của họ và có thể chọn lựa mô hình hành vi của họ.
  4. Hành vi của một thân chủ chỉ có thể được hiểu từ quan điểm của người đó. Ngay cả khi thân chủ không diễn giải được những sự kiện trong thế gian, nhà trị liệu phải hiểu được cách thức thân chủ xem xét những sự kiện này.
  5. Trị liệu chỉ có hiệu quả khi thân chủ thay đổi hành vi của mình, chứ không phải khi nhà trị liệu thực hiện điều đó.


 

Liệu pháp Gestalt

 

Liệu pháp Gestalt khác biệt đáng kể so với phân tâm học và liệu pháp thân chủ trọng tâm. Nó thoát ra khỏi những cách trị liệu nội thị cổ điển như phân tâm học, bằng cách nhấn mạnh vào việc nhận biết những cảm xúc và hành vi hiện có. Liệu pháp này cho rằng con người có trách nhiệm với chính mình và đời sống của mình, và điều cần phải chú trọng không phải là quá khứ mà là hiện tại.

 

Fredrick S. Perls (1893-1970) là người khởi xướng liệu pháp Gestalt. Là một thầy thuốc và là một nhà phân tâm được đào tạo tại châu Âu, ông đã đến Hoa Kỳ và nói chung được xem như một kẻ bị giới phân tâm học ruồng bỏ. Thay vì nhấn mạnh vào lý do “tại sao” của những hành vi trong quá khứ như Freud và Rogers, Perls nhấn mạnh vào những sự kiện trong hiện tại là “cái gì” và diễn ra “thế nào”. Perls cho rằng cách tốt nhất để giúp bệnh nhân chấm dứt lo âu và các cảm giác không thoải mái khác là phải nhắm vào sự hiểu biết và nhận thức của người bệnh trong hiện tại về thế giới hơn là những tình huống và kinh nghiệm trong quá khứ.

 

Trong khi các nhà phân tâm học chữa trị sự đề kháng bằng cách giải thích hành vi của thân chủ, Perls trực tiếp đối diện với sự đề kháng bằng cách nâng cao ý thức của thân chủ về điều đó, khuyến khích thân chủ dò tìm kinh nghiệm đề kháng của mình và tìm hiểu chính bản thân của sự đề kháng đó. Với trị liệu tâm lý cho trẻ em, ông đã áp dụng một số kỹ thuật sau:


 

  2/ LIỆU PHÁP HÀNH VI (behavior therapy),

 

Liệu pháp này đôi khi còn được gọi là Liệu pháp sửa đổi hành vi (behavior modification), được dựa trên giả định rằng hầu hết những hành vi, kể cả bình thường và bất thường, đều do “học tập” mà có. Các nhà trị liệu hành vi cố gắng thay đổi những hành vi bất thường và kém thích nghi bằng cách sử dụng những nguyên tắc học tập (learning principles).

 

Nhà trị liệu hành vi không quan tâm nhiều đến những nguồn gốc của một hành vi, mà chỉ quan tâm đến việc thay đổi hành vi. Vì thế, mục đích trị liệu cho một người có tình trạng căng thẳng là làm sao để loại bỏ tình trạng đó. Vì trọng tâm trị liệu là hành vi hiện có, nên ngay cả khi nhà trị liệu không kết luận được chắc chắn những nguyên nhân của hành vi có vấn đề ấy, thì sự thiếu những thông tin như thế vẫn không ảnh hưởng nhiều đến phương pháp trị liệu. Các nhà trị liệu hành vi trước tiên sẽ cho đương sự học cách loại bỏ những hành vi cũ, sai lầm và sau đó sẽ học những hành vi mới.

 

Các nhà trị liệu hành vi cho rằng con người biểu hiện những hành vi bất thường bởi vì họ có vấn đề kém thích nghi với tình huống của họ; nếu như họ được hướng dẫn những cách đối phó mới, tình trạng kém thích nghi sẽ không còn.

 

Đôi khi, trong lúc xem xét các vấn đề của thân chủ, nhà trị liệu có thể nhận thấy rằng vấn đề hiện tại của thân chủ được gây nên bởi một số tình huống khác. Trong trường hợp đó, nhà trị liệu có thể quyết định tập trung vào việc thay đổi tình huống căn nguyên.

 

Mục đích của sự thay đổi hành vi là gây ảnh hưởng đối với hành vi hiện có bằng cách sử dụng những nguyên lý học tập cơ bản nhằm tái cấu trúc những đáp ứng của đương sự. Sử dụng một mô hình giáo dục hơn là y khoa, một nhà trị liệu hành vi hướng dẫn cho thân chủ những kỹ năng hơn là chữa trị một căn bệnh. Các nhà trị liệu hành vi cho rằng hành vi của con người bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong môi trường sống của họ, trong cách thức mà họ đáp ứng với môi trường và trong cách mà họ quan hệ với người khác

 

Liệu pháp hành vi nói chung bao gồm ba thể thức:

 

(1) Nhận diện hành vi có vấn đề và tần số xuất hiện của nó;

(2) Trị liệu chính hành vi đó, có thể gồm giáo dục lại (reeducation), huấn luyện giao tiếp (communication training) và một số hình thức điều kiện hóa ngược (counterconditioning)

(3) sau đó quan sát để đánh giá xem có sự thay đổi hành vi lâu dài hay không. Nếu thân chủ vẫn thể hiện hành vi theo kiểu mới, nhà trị liệu có thể biết rằng việc trị liệu đã có hiệu quả.

 

Liệu pháp hành vi sử dụng bốn kỹ thuật tổng quát để giúp các thân chủ thay đổi hành vi của họ: điều kiện hóa công cụ (instrumental conditioning), điều kiện hóa ngược (counter-conditioning), làm mẫu (modeling) và tái cấu trúc nhận thức (cognitive restructuring). Trước khi mô tả các kỹ thuật, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng việc trị liệu thường bao gồm một hoặc nhiều kỹ thuật phối hợp với nhau. Một rối loạn càng phức tạp, nhà trị liệu càng cần phải lồng ghép, phối hợp và sử dụng một tập hợp nhiều kỹ thuật trị liệu khác nhau.

 

Một nhà trị liệu cũng có thể sử dụng một vài kỹ thuật trị liệu hành vi khác nhau hoặc phối hợp các kỹ thuật trị liệu nội thị với trị liệu hành vi. Một nhà trị liệu tâm lý giỏi sẽ áp dụng bất kỳ sự phối hợp kỹ thuật nào cần thiết để giúp đỡ thân chủ một đầy đủ và hiệu quả. Khi nhà trị liệu phối hợp các phương pháp, cách này gọi là phương pháp chiết trung (eclectic approach).

 

Đối với Trị liệu tâm lý trẻ em, Liệu pháp hành vi được vận dụng qua một số kỹ thuật như sau :

 

Loại trừ và trừng phạt

Loại trừ (extinction) và/hoặc trừng phạt (punishment) có thể được áp dụng để làm giảm tần số xuất hiện của một hành vi không mong muốn. Sự loại trừ có thể được dùng để làm giảm khả năng thể hiện một hành vi được duy trì bởi các tác nhân củng cố. Giả sử một đứa bé lên ba đang quấy rối trong nhà khi đòi được kể chuyện thật nhiều. Nếu không có ai đọc chuyện cho nó nghe, nó liền la thét lên cho đến khi đạt được điều mình muốn; bằng cách đọc chuyện khi đứa trẻ khóc như thế, cha mẹ nó đã củng cố hành vi la khóc ấy: đứa trẻ khóc, họ đọc. Một cách để loại bỏ hành vi khóc lóc này là hãy ngừng củng cố nó. Sự củng cố ở đây là đọc chuyện, do vậy việc đọc chuyện phải được ngưng lại. Giờ đây, khi đứa bé khóc, cha mẹ không đọc chuyện cho nó nữa. Có khả năng đứa trẻ sẽ khóc to, khóc dữ trong hai, ba đêm để cố buộc cha mẹ phải đọc chuyện. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không củng cố hành vi của đứa bé, hành vi đó sẽ dần dần được loại bỏ.

 

Một cách thứ hai để làm giảm tần số xuất hiện của hành vi không mong muốn là trừng phạt nó. Trừng phạt thường kèm với sự biểu lộ một kích thích đối nghịch (aversive stimulus). Ví dụ, nếu một đứa trẻ chơi với những đồ vật dễ vỡ đặt trên bàn, cha mẹ đôi khi nói “Không được!” và đánh khẽ vào bàn tay của trẻ. Trong một phòng thí nghiệm với các đối tượng là người lớn, một nhà nghiên cứu có thể tạo ra một loại kích thích đối nghịch mạnh hơn, có thể là một cú sốc điện. Thông thường, sự trừng phạt đối với những hành vi không mong muốn được đi kèm với sự củng cố tích cực những hành vi mong muốn và hòa hợp với xã hội.

 

Bỏ mặc

Bỏ mặc, hoặc cách ly đương sự khỏi nguồn gây củng cố (đúng hơn là phương thức gây củng cố), là một kỹ thuật được áp dụng rộng rãi liên quan đến nhiều nguyên lý cơ bản trong lý thuyết về học tập. Bỏ mặc tác dụng như một sự trừng phạt vì nó cũng làm giảm các hành vi đặc hiệu không mong muốn. Một đứa trẻ kêu la inh ỏi mỗi khi nó muốn đòi một cục kẹo, một cây kem, hoặc một món đồ chơi của đứa em trai nhỏ. Không chịu nổi, cha mẹ thường chiều theo nó. Tuy nhiên, trong biện pháp bỏ mặc, khi đứa trẻ đổ nùi, quậy phá, nó sẽ bị đem đi nơi khác và bị bỏ vào một căn phòng không có đồ chơi, không có ti-vi và cũng chẳng có ai khác; nó có thể được đặt vào một “chiếc ghế suy nghĩ” (thinking chair) cách xa những người khác trong gia đình. Trong cách này, đứa trẻ không những đã không được điều mình muốn, nó còn được cách ly khỏi những tác nhân gây củng cố. Đứa trẻ được giữ ngồi trên chiếc ghế hoặc trong căn phòng trong một khoảng thời gian được ấn định. Nếu nó không chịu ở lại, thời gian ngồi sẽ được tính thêm. Một khi sự giả lơ này được kết hợp với việc củng cố tích cực cho những hành vi tốt, đứa trẻ có vấn đề về hành vi sẽ có được những tiến bộ ngoạn mục.

 

 

Điều kiện hóa ngược

Phương pháp quan trọng thứ hai trong liệu pháp hành vi – điều kiện hóa ngược – nhắm vào việc tập cho đương sự một đáp ứng mới có tính thích nghi trước một kích thích quen thuộc. Thông thường, một kích thích đặc hiệu (S1) sẽ gây ra một đáp ứng đặc hiệu (R1). Người ta hy vọng rằng, sau khi đương sự trải qua quá trình điều kiện hóa ngược, hoặc tái điều kiện hóa (reconditioning), thì cùng một kích thích như trước (S1) sẽ gây nên một đáp ứng mới (R2). Hai phương thức cơ bản của điều kiện hóa ngược là: giải mẫn cảm hệ thống (systematic desensitization) và điều kiện hóa ngược đối nghịch (aversive counterconditioning).

 

Giải mẫn cảm hệ thống

Trong giải mẫn cảm hệ thống, đương sự được học cách thư giãn khi đứng trước một kích thích mà trước đó gây ra lo âu. Ví dụ, một mình ngồi lái xe là một tình huống kích thích (S1) đôi khi gây ra một đáp ứng sợ hãi quá đáng (R1). Sau cùng, qua điều trị, ý nghĩ về việc lái xe một mình (S1) thay vào đó có thể gây nên một đáp ứng tò mò hoặc thư giãn hơn (R2).

 

Giải mẫn cảm hệ thống là một quá trình gồm ba giai đoạn. Trước tiên, đối tượng học cách làm thế nào để thư giãn. Thứ hai, đối tượng mô tả tình huống đặc hiệu gây ra sự lo âu. Thứ ba, trong lúc thư giãn sâu, đối tượng tưởng tượng ra tình huống gây lo âu. Đối tượng dần dần được tiếp xúc với một nguồn gây lo âu, thường là bằng cách tưởng tượng ra một loạt những tình huống gây sợ hãi hoặc lo âu mà cả thân chủ lẫn nhà trị liệu cùng thiết lập nên. Ví dụ, nhà trị liệu có thể yêu cầu một thân chủ sợ lái xe một mình hãy tưởng tượng rằng có một chiếc xe hơi đang ở đằng xa. Rồi tiếp tục tưởng tượng mình tiến đến gần chiếc xe hơn. Sau cùng, thân chủ bắt đầu tưởng tượng mình đã vào trong xe. Khi thân chủ nhận ra rằng mình sẽ không bị thương hoặc bị cô lập, chỉ bằng cách tưởng tượng ra cảnh như thế, anh ta sẽ “dung nạp” cảnh tượng gây stress ấy và sau cùng thực hiện được hành vi mà mình đã tưởng tượng ra.

 

Có nhiều tranh cãi về cơ chế tác dụng của giải mẫn cảm hệ thống. Nghiên cứu vẫn tiếp tục xem xét sự giải mẫn cảm hệ thống vừa như một công cụ, vừa như một quá trình trị liệu. Bất kể nó tác dụng như thế nào, giải mẫn cảm hệ thống đã là một hình thức trị liệu thành công cho hàng ngàn con người.

 

Cv. Tl Lê Khanh

 

 

 

 

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý