Bảo vệ Sức khỏe tâm lý cho trẻ em
16/02/2013
Trẻ Chậm Nói – Dấu hiệu của nhiều vấn để
28/02/2013
Bảo vệ Sức khỏe tâm lý cho trẻ em
16/02/2013
Trẻ Chậm Nói – Dấu hiệu của nhiều vấn để
28/02/2013

Văn hào Maksim Gorky đã nói về vai trò của trò chơi với trẻ như sau : “ Trò chơi đối với trẻ là con đường nhận thức thế giới mà trẻ đang sống..” Nói cách khác, trò chơi là điều kiện và cũng là phương tiện giúp trẻ có thể học tập mọi kiến thức và kỹ năng cần thiết trong tiến trình phát triển của bản thân.

            Ngay từ nhỏ, khi còn nằm trong nôi thì trẻ đã biết chơi để tập điều khiển các ngón tay, phân biệt về hình dáng, màu sắc, chất liệu qua việc nắm lấy những vật chung quanh, cho vào mồm cắn thử hay thả ra, rồi lại nắm lại, rồi lại thả ra…Trẻ thích thú với những vật lóng lánh, quan tâm đến các vật phát ra tiếng động … Đến khi biết đi thì hầu như một thế giới được mở ra trước mắt trẻ với mọi thứ chung quanh đều là đồ chơi. Trẻ có thể “đồ chơi hoá” bất kỳ một thứ gì có trong tay mình: Một cái khăn có thể thành một con ốc sên hay một cái hộp giấy biến thành cái xe tải, trẻ chơi với những hình ảnh và ý nghĩ trong đầu chứ không phải với những vật thật đang nắm trong tay. Chính vì vậy mà trẻ có thể “vô tư” bẻ, xé, bóp, hay ném mà không nghĩ rằng điều đó sẽ làm cho trẻ trở thành những kẻ phá hoại và có nguy cơ bị phạt mà không hiểu tại sao !

            Thế nhưng, chính những kiểu “phá hoại” đó lại là những bài học cần thiết giúp trẻ có những nhận thức về tính chất, hình dạng, màu sắc và cả âm thanh của những vật dụng chung quanh qua thực tế “mắt thấy, tai nghe, tay sờ, miệng …cắn” ! Lớn hơn chút nữa, bắt đầu đến giai đoạn biết chơi với đồ chơi thì trẻ lại sử dụng đồ chơi để hình dung ra những vật thật. Tuy nhiên, trẻ sẽ thích thú với những món đồ chơi có hình dáng đơn giản và có thể lắp ghép để tạo ra nhiều hình dáng khác nhau hơn là những loại đồ chơi đã định hình. Trẻ có thể thích thú với những chiếc xe tăng, robot điều khiển từ xa, hay những búp bê biết khóc… nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, trẻ sẽ lại quay sang những khối nhựa, khối gỗ nhiều màu sắc, có thể tạo thành đủ loại công cụ tuỳ theo khả năng tưởng tượng, hình dung của trẻ và có thể áp dụng vào nhiều trò chơi khác nhau để có thể chơi không biết chán từ ngày này sang ngày khác.

            Đến tuổi đi học, trẻ bắt đầu có khả năng chơi chung với các bạn cùng trang lứa, ban đầu chỉ là kiểu ngồi chung nhưng chơi riêng, cho đến khi bắt đầu biết phối hợp qua việc ‘giành nhau” và dần dần phải biết chấp nhận “đối tác” để chuyển từ đối đầu qua hợp tác. Vì vậy, việc cho trẻ đi học để “biết chơi” là hết sức cần thiết từ khi trẻ lên 2, 3 tuổi. Lớn hơn nữa, sau khi đã biết chơi chung với sự hướng dẫn , gợi ý của giáo viên cũng như các trẻ lớn hơn, trẻ bắt đầu chuyển sang việc chơi với các bạn chung quanh mà không cần đến đồ chơi, hay chỉ cần những công cụ đơn giản như quả banh, sợi dây, cái mặt nạ, cái khăn trùm đầu ..v.v. là các em đã có thể vui chơi thoải mái với những trò chơi vận động. Đến đây, đồ chơi không còn là “vai chính” trong việc giúp trẻ phát triển mà chính trò chơi sẽ có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách cũng như các kỹ năng cần thiết cho trẻ sau này. Qua trò chơi, trẻ có thể chơi với bất cứ thứ gì có trong tầm tay, thậm chí có thể chơi “tay không” với những trò chơi đa dạng và chỉ cần một không gian để chơi.

            Trẻ đã phát triển giác quan qua những đồ chơi, cho đến phát triển các kỹ năng qua trò chơi nhưng từ khi bước chân vào lớp Một, trẻ đã buộc phải giàng một khối lượng lớn thời gian và sức lực cho việc học, từ việc phải nhớ những mẫu tự và những con số, cho đến việc phải biết đọc, biết viết, biết làm toán… trẻ đã bị hạn chế đến mức tối đa việc vui chơi, mặc dù hoạt động vui chơi lúc này là hết sức cần thiết, nhưng dưới mắt phụ huynh, trò chơi giờ đây chỉ là thứ để ..giải trí cho vui, thậm chí còn có hại nếu mê chơi hơn ham học.

Câu “ Học ra học, chơi ra chơi” đã trở thành chân lý và mục tiêu mà cha mẹ muốn đặt để lên con mình. Thế nhưng, chơi thì vẫn ra chơi, với những niềm vui và nụ cười nhưng còn học thì lại không ra học, vì “sao con ham chơi quá !” vì “sao con làm biếng học quá” và thế là phải nghĩ ra bao nhiêu phương pháp từ “ngọt đến nhạt” từ “nặng đến nhẹ” để cột con vào cái bàn học được các bậc cha mẹ tìm hiểu, học tập từ sách vở đến các kinh nghiệm từ bạn bè đến “gia truyền” nhằm giúp con mình phải đạt đến những kết quả ngày càng cao thông qua các điểm số và danh hiệu. Nhưng đa số trẻ vẫn sểnh ra là chạy đi chơi rồi, và việc trốn học trở thành chuyện hết sức phổ biến.

            Hiện nay, việc cho con đi học ngoại ngữ đã là chuyện phổ biến, nhưng có một điều ai cũng thấy mà ít ai biết, đó là tại sao rất nhiều trẻ thích đến các trung tâm ngoại ngữ, và học tiếng Anh rất nhanh ? Phải chăng đó là những “thiên tài” ? chắc là không rồi, nhưng một trong những yếu tố giúp cho việc học Anh văn của trẻ có kết quả chính là các trung tâm đã biết vận dụng phương pháp dạy tiếng Anh qua trò chơi và những hình ảnh đầy mầu sắc. Đó chính là cách chơi để học hay học qua chơi ! Dĩ nhiên là không phải lúc nào cũng chơi, nhưng điều quan trọng là cách thiết kế chương trình và năng lực sư phạm của các giáo viên đã giúp cho trẻ thích thú khi được học cũng giống với sự thích thú khi được chơi !

            Dĩ nhiên với một chương trình khá năng nề và tạo ra nhiều áp lực không chỉ cho học sinh mà con cho cả giáo viên như hiện nay thì không phải là dễ tạo cho các em sự hứng thú. Nhưng nếu các phụ huynh thay vì đòi hỏi những nỗ lực “hơn người” của trẻ và góp thêm những căng thẳng hơn nữa cho trẻ trong những điều kiện “học quên chơi” thì với sự hiểu biết và nhận thức đúng đắn về giá trị của các trò chơi, biết cách vận dụng một cách linh hoạt những điều thú vị của trò chơi vào việc khuyến khích con em quan tâm đến việc học tại gia đình, hay giúp các em tìm ra và thấy được sự thú vị khi học thì chắc chắn sẽ giúp cho các em tránh được nhận thức là học chỉ để đối phó, học chỉ để kiếm điểm để hình thành một tinh thần ham học hỏi với những niềm vui không kém việc vui chơi.

            Mong rằng những nhận thức về trò chơi và đồ chơi sẽ là  sự khơi gợi cho những bậc phụ huynh thực tâm muốn con em mình phát triển một cách hài hoà và sống trong niềm vui để học cũng như chơi thay vì là những căng thẳng để tạo ra những rối nhiễu tâm lý không đáng có, huỷ hoại đi cái bản chất tốt đẹp của lứa tuổi thanh xuân.

CvTl Lê Khanh

Trung tâm RỒNG VIỆT

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý