Lớp Huấn Luyện Giáo Viên Đặc Biệt Khóa II
11/03/2016
CAN THIỆP CHO TRẺ THEO PHƯƠNG PHÁP NÀO?
04/05/2016
Lớp Huấn Luyện Giáo Viên Đặc Biệt Khóa II
11/03/2016
CAN THIỆP CHO TRẺ THEO PHƯƠNG PHÁP NÀO?
04/05/2016

Một kế hoạch can thiệp là một chương trình dựa trên những nguyên tắc giống nhau, kỹ thuật như nhau nhưng các biện pháp tác động với trẻ, các phương pháp vận dụng cho trẻ sẽ có sự khác biệt tùy theo mỗi trẻ ( tình trạng – năng lực – nhận thức ) và phải được vận dụng một cách  linh hoạt cùng với sự phát triển của trẻ trong quá trình can thiệp.

1. Tính cá biệt trong kế hoach can thiệp

Để có thể xây dựng chương trình, chúng ta cần dựa trên các nguyên tắc:

  • Soạn bài tập dựa trên mức độ nhận thức của trẻ.
  • Dùng kinh nghiệm hằng ngày để vận dụng vào bài học
  • Các hoạt động học tập phải gắn với thực tế
  • Dùng nhiều hình thức để tăng hứng thú cho trẻ
  • Có sự phối hợp với các biện pháp khác
  • Giúp trẻ tăng nhận thức qua các hoạt động giao tiếp xã hội
  • Dựa vào các trò chơi.

Mỗi một trẻ đều có mức độ nhận thức khác nhau, điều này đã được phản ảnh rõ rệt qua việc quan sát, đối chiếu với khả năng phát triển của các trẻ bình thường cùng độ tuổi và sử dụng các bảng câu hỏi, các Test đánh giá… Từ đó, chuyên gia sẽ đưa ra các kế hoạch can thiệp khác nhau  phù hợp với khả năng phát triển của trẻ cũng như các kỹ năng mà trẻ có thể thực hiện được, để người dạy là cha mẹ có thể  áp dụng cho trẻ.

Trẻ sẽ thích thú hơn khi được học qua chính những kinh nghiệm của mình, vì thế nên bắt đầu bằng những hoạt động bình thường hàng ngày tại gia đình ( Học nhận biết các vật dụng của trẻ, của gia đình hay các con thú nuôi trong nhà …) , các bài tập cũng sẽ trở nên sinh động hơn khi nó được gắn liền với thực tế và được vận dụng dưới nhiều hình thức khác nhau, khi thì ở trong phòng, khi thì ngoài sân, khi thì dùng hình ảnh, khi thì dùng công cụ …

  1. 2. Các nguyên tắc ứng xử với trẻ:

Nhữn g hành vi không ổn định (không chịu ngồi yên, không đáp ứng yêu cầu…) thường là sự thách đố lớn nhất trong hoạt động can thiệp. Những cử chỉ lạ lùng lập đi lập lại như đập tay, vung vẩy tay, hay nổi cơn giận dữ thình lình có thể làm phụ huynh căng thẳng, và thấy khó chịu. Đừng để cho hành vi của trẻ phá rối giờ can thiệp, PH có thể áp dụng những giải pháp sau.

a/ Đặt ra luật lệ.

Trẻ nào cũng cần có kỷ luật, kể cả trẻ Đặc biệt. Vì chúng ta phải biết rằng.Tính kỷ luật phải là điều bình thường cho mọi người từ PH đến đứa trẻ. Có một số PH không thích việc áp đặt kỷ luật, họ thấy tội nghiệp trẻ hoặc khó vận dụng. Người khác thì xem kỷ luật là sự trừng phạt thay vì hướng dẫn để trẻ có sự phát triển vui tươi, lành mạnh. Đứa trẻ cần có kỷ luật để cảm thấy an toàn trong thế giới của mình, y như bạn cần được chỉ dẫn để biết cách lo chuyện nhà hay nơi làm việc. Các biện pháp mà PH có thể áp dụng tùy theo mức độ và phả ứng của trẻ là :

–          Không bị phạt : Đây là mức độ nhẹ nhất, khi trẻ nghịch ngợm, ném đồ hay tỏ ra không nghe theo yêu cầu của PH.

–          Làm lơ : Đây là mức độ mà PH có thể áp dụng thường xuyên, khi trẻ quậy phá, leo trèo, kêu gào, ăn vạ… làm dổ nước …Trong trường hợp sau một thời gian làm lơ mà trẻ vẫn giữ nguyên việc ăn vạ, gào khóc hay nôn ói thức ăn ( Đây là điều PH sợ nhất) thì PH sẽ chuyển qua cấp độ 3 là biện pháp đánh lạc hướng.

–          Đánh lạc hướng : Khi trẻ có phản ứng quá mức, kéo dài thì PH không nên bỏ mặc, làm lơ nữa mà nên bầy ra một hoạt động nào đó ( chơi đồ chơi, ăn uống, tưới cây… bất cứ một hành vi nào mà PH biết rằng nó nằm trong những điều mà trẻ ưa thích. Việc đánh lạc hướng sẽ kéo đứa trẻ ra khỏi tình trạng gào khóc, ăn vạ, ném đồ đạc ..mà PH không cần phải xuống nước dỗ dành.

b/ Nhất quán, trước sau y vậy.

Nhiều trẻ gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường chung quanh. Chúng có thể học được hành vi bằng cách bắt chước, nhưng không thể thích ứng hay tổng quát hoá trong trường hợp gặp người mới, khung cảnh và các trường hợp mới. Vậy hãy xếp đặt môi trường can thiệp ( phòng hay khu vực trong nhà, nơi dạy trẻ ) cũng như các bước can thiệp một cách ổn định ( lập đi lập lại tương tự nhau ) để giúp trẻ nhớ được cách đáp ứng thích hợp.Tuy nhiên khi trẻ đã học được hành vi thích hợp thì lúc đó phải xét đến  khung cảnh tương tự nhưng cũng nên thay đổi dần để cho trẻ thực tập hành vi tới lúc trở thành tự động.

Điều quan trọng nhất để giúp trẻ tập cư xử đúng mức là phải có sự nhất quán giữa bố – mẹ trong các biện pháp với con cũng như những gì xẩy ra trước mắt trẻ. Đây cũng là một trở ngại cho sự tiến bộ ( thay đổi ) của trẻ , nếu giữa bố và mẹ không có cách ứng xử hay phản ứng giống nhau trước mặt trẻ.

VD: Nếu mẹ không cho phép trẻ làm 1 điều gì đó  thì bố cũng phải tỏ ra tán thành việc không cho phép đó . Tình trạng “ trống đánh xuôi – kèn thổi ngược” giữa bố mẹ ( hay giữa bố mẹ với ông bà ) là một điều hết sức tệ hại trong việc can thiệp cho trẻ.

c/ Khích lệ trẻ sửa đổi hành vi.

Trẻ đặc biệt thường không biết chắc là nên hành xử ra sao, nhưng giống như các trẻ khác chúng lập đi lập lại hành vi nào làm chúng cảm thấy thoải mái. Một cách tế nhị để hướng dẫn việc học tập của trẻ là khen ngợi, hãy khen thưởng cho hành vi mà bạn muốn trẻ lập lại ( và bỏ qua hành vi mà bạn không muốn trẻ lập lại ) . Sự thoả mãn này làm tăng cơ may là trẻ sẽ cư xử như vậy nữa, điều đó gọi là sự khích lệ tích cực. Chú trọng vào mặt tích cực giúp bạn thấy con có thể hành xử tốt đẹp hơn

Phương pháp hiệu quả nhất để thay đổi hành vi là xây dựng một kế hoạch thứ tự để uốn nắn lối cư xử của trẻ với các biện pháp sau :

Xác định hành vi bạn muốn thay đổi.

Ghi chép khi nào và hành vi xảy ra thường như thế nào?

Chọn phần thưởng tích cực để thúc đẩy.

Bạn nên :

Soạn một bảng ghi lại những lần trẻ được thưởng cho một hành vi nào đó.

Bảng này giúp bạn theo dõi được tiến bộ của trẻ và cho bạn xem xét là kế hoạch có thành công hay không. Khởi đầu thì hành vi bất hảo có thể gia tăng, đây là cách trẻ thử thách bạn và học về luật. Trong vòng vài tuần hành vi tiêu cực sẽ giảm xuống. Tăng dần dần khoảng cách mỗi lần bạn thưởng trẻ, và chuyển từ phần thưởng cụ thể ( bánh kẹo, trái cây …) sang cái ôm hôn và lời khen.

Nếu hành vi bất hảo của trẻ vẫn còn, bạn cần thay đổi một trong các điều sau:

–          Thay đổi phần thưởng thành cái khích động trẻ nhiều hơn.

–          Rút ngắn thời gian giữa những lần phát thưởng để hành vi muốn có nhiều lần hơn.

–          Xem lại là việc bạn đang muốn giảm có phải là hành vi đúng đắn hay không.

Làm ngơ hành động muốn được chú ý.

Làm ngơ là kỹ thuật nhằm loại trừ hành vi muốn được chú ý, bạn cất đi phần thưởng là sự chú ý của bạn đối với trẻ. Nhất định không nhìn vào mắt trẻ, đụng chạm hay chịu nói mỗi lần trẻ có hành vi mà bạn muốn loại trừ như làm nư hay la hét. Ban đầu hành vi có thể gia tăng để thử thách quyết tâm của bạn nhưng cuối cùng hành vi sẽ chấm dứt. Khi khó mà làm ngơ hành vi thì tìm chuyện khác để chú tâm vào, bằng không thì phải ra khỏi phòng.

3. Xác định mục tiêu can thiệp :

Mục tiêu lớn nhất trong việc can thiệp trẻ đặc biệt không phải là việc dạy chữ, dạy toán để giúp trẻ có thể theo học ở các trường bình thường (gọi là Hòa nhập). Mà chúng ta cần phải giúp trẻ có được những kỹ năng cần thiết để có thể thích nghi với môi trường xung quanh, đây là một điều không dễ chịu gì lắm trong suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ, vì họ luôn trông đợi ở đứa con của mình có được những kiến thức giống như các bạn cùng trang lứa.

Chúng ta nên nhớ :

–          Can Thiệp là tập luyện các Kỹ năng để hoạt động trong cuộc sống hàng ngày

–          Can thiệp không phải là dạy trẻ ghi nhớ các kiến thức để học tập tại trường

4. Chúng ta sẽ giúp trẻ học những gì ?

Phụ huynh sẽ quan sát trẻ trên 4 phương diện là :

GIÁC QUAN – VẬN ĐỘNG ( Thô / Tinh ) NGÔN NGỮ và GIAO TIẾP

Phụ huynh ghi nhận các điều sau đây :

–          Sự phát triển, khả năng và hạn chế của trẻ về phương diện giác quan .

–          Khả năng phát triển và hạn chế của trẻ về Vận động Thô và vận động Tinh.

–          Khả năng phát triển và hạn chế của trẻ về ngôn ngữ .

–          Khả năng tương tác, giao tiếp và ứng xử của trẻ.

Giai đoạn quan sát này thường kéo dài ít nhất là 2 tuần và trung bình là trong một tháng ( mỗi tuần một phương diện ) Sau đó Phụ huynh  sẽ bắt đầu xây dựng một kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ. Bởi vì tình trạng, khả năng và nhu cầu mỗi trẻ đều khác nhau, nên chương trình GDCN của mỗi trẻ cũng khác nhau. Chúng ta không lấy cái mốc chung, cái chuẩn dành cho trẻ bình thường để so sánh với trẻ đặc biệt mà chúng ta căn cứ trên khả năng tiếp nhận và sự tiến bộ có thể của chính trẻ làm cơ sở cho sự phát triển bản thân.

Xây dựng một kế hoạch giáo dục cá nhân, nghĩa là chúng ta sẽ giúp trẻ:

1/ Nhận biết các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày: Chúng ta giúp trẻ nhận biết  các hoạt động hàng ngày tại gia đình qua hình ảnh ( cho trẻ xem khi trẻ đang thực hiện điều đó – Khi cho trẻ ăn, sẽ nhìn hình bé ăn – Khi tắm sẽ nhìn hình bé tắm )  và trò chơi giả vờ nếu trẻ có khả năng thực hiện … điều đó giúp trẻ tự tin hơn vào bản thân và cảm nhận được vị trí của mình trong gia đình.

2/ Phát triển các kỹ năng vận động: Thông qua các trò chơi trong Tâm vận động, trẻ sẽ trở nên khéo léo hơn và giải tỏa được những ức chế tâm lý. Các hoạt động này được tiến hành tùy theo tình trạng của trẻ ( lưu ý : trò chơi Tâm vận động của trẻ tự kỷ khác với trò chơi tâm vận động của trẻ hiếu động – kém chú ý và chậm khôn )

3/ Xây dựng các kỹ năng xã hội: Trẻ sẽ tập cách giao tiếp một cách bình thường với những người chung quanh trong khi đi chơi các nơi công cộng và học các tình huống giao tiếp xã hội thông qua các bài tập cũng như các trò chơi sắm vai.

4/ Tái tạo khả năng giao tiếp, ngôn ngữ: Trẻ sẽ dần dần được học thêm nhiều từ ngữ mới, những cách thể hiện và giao tiếp bằng ngôn ngữ và hành vi.

5/ Nâng cao kỹ năng trí tuệ: Các bài tập về ngữ pháp và con số – trẻ sẽ dần dần nâng cao được năng lực trí tuệ của mình và sẽ ngày càng mở rộng tầm hiểu biết hơn .

Các kỹ năng này được thể hiện qua các giờ can thiệp cá nhân, chủ yếu thông qua hoạt động vui chơi có định hướng. Tùy theo mức độ nhận thức để phụ huynh xây dựng mục tiêu cho các kỹ năng. Các kỹ năng vận động là điều cần phải được lưu ý trước tiên.

Các kỹ năng xã hội được xây dựng thông qua các buổi sinh hoạt bên ngoài và có thể trong các tình huống sắm vai ( đóng các kịch chơi giả vờ trong vai các con vật nếu trẻ nhận biết )

Các nguyên tắc cơ bản:

Nguyên tắc 1 :

Dù trẻ có những khó khăn gì đi chăng nữa, bạn hãy tự nhủ rằng đó là một con người có thể cải thiện.

Điều có nghĩa là các PH có thể đòi hỏi trẻ cố gắng hơn nữa. Không phải bất cứ bằng cách nào, mà chỉ là việc tránh giúp đỡ, tránh việc làm thay cho trẻ một cách máy móc về những việc mà trẻ có thể làm được. Tất nhiên ta sẽ thấy trẻ thực hiện một cách khó nhọc nhưng đấy là điều kiện tốt nhất cho sự tiến bộ. Bởi vì trong gia đình có nhiều trẻ sống ngoài khả năng của chúng vì lúc nào người mẹ cũng đáp ứng trước những ước muốn của trẻ, bằng cả cánh tay, bàn chân, miệng, cả bộ óc để trẻ không cần vận dụng bất cứ điều gì : Hoạt động, cử chỉ hay lời nói !

3 điều cần làm trong hoạt động Can thiệp :

  • Không nói thay đứa trẻ. ( và nói nhiều, giải thích dẫn giải vì trẻ không hiểu )
  • Để trẻ một mình di chuyển, không dẫn dắt, trái lại thúc đẩy trẻ hoạt động.
  • Tự để trẻ vận động một mình, trừ khi chúng ta đang cùng trẻ chơi các trò chơi tương tác.

Nguyên tắc 2:

Hãy cứ để trẻ  tự làm một mình những gì nó có thể làm được không cần đến sự giúp đỡ. Nhưng chúng ta sẽ khuyến khích, hỗ trợ khi nào cần !

Điều này có vẻ  nặng nhọc cho trẻ lại kèm theo một vài đổ vỡ. Phải kể thêm là mất thời gian Chúng ta khuyến khích và nhắc nhở nhưng không làm thay những gì trẻ có thể tự làm được, là làm trễ bước tiến triển của bé, đình trệ sự phát triển trí thông minh, ngôn ngữ, sự năng động, sự độc lập và  xã hội hóa của trẻ.

Cái gì mà trẻ thực hiện chậm chạp và mệt nhọc ngày hôm nay, trẻ sẽ thực hiện tốt hơn vào ngày mai, như thế càng nhanh hơn và thích thú hơn . Cái giá của sự chậm chạp hiện tại, của sự vụng về sẽ được thay thế bằng những kết quả  trong tương lai.

Nguyên tắc 3

Luôn luôn chờ đợi trẻ bày tỏ ý muốn của trẻ

Một đứa trẻ chỉ bộc lộ khi bé có sự mong muốn, trẻ không có nhu cầu thì cũng chẳng muốn nói gì hết. Nếu bạn cứ để trẻ tự bày tỏ ý muốn, trẻ sẽ phản ứng với môi trường xung quanh và có khuynh hướng gây một ảnh hưởng nào đó qua những động tác như  khóc đòi bình sữa, đòi ly nước…đó là cách trẻ nói với bạn đó. Đấy chính là gây ảnh hưởng đến môi trường bên ngơài nhằm đạt đến một hiệu quả nào đó. Phụ huynh thường có sai lầm là luôn cố gắng nhận biết nhu cầu của trẻ để đáp ứng, khiến trẻ không có nhu cầu phát âm.

Chờ đợi những ý muốn của trẻ, không có nghĩa là không làm gì cả, mà ngược lại chính chúng ta sẽ giúp trẻ, thúc đẩy trẻ phát biểu, thể hiện  ý kiến của mình sớm chừng nào hay chừng ấy bằng những tác động qua hành động và ngôn ngữ.

Nguyên tắc 4:

Trẻ càng biết nhiều thì càng được thức tỉnh. Phương pháp giản đơn, nhưng là cơ bản của sự giáo dục trẻ đặc biệt là: Dạy trẻ mọi thứ một cách ngắn gọn đơn giản, nhưng thường xuyên, , mỗi ngày một chút để tạo dấu nối vào những bộ phận cơ thể và xây dựng được những phản ứng thần kinh dẫn truyền của trẻ.

Trẻ sẽ học tất cả mọi động tác của cuộc sống. đó có vẻ là sự bắt buộc và khó nhọc. Nhưng chúng ta làm thế nào với những trẻ không được bình thường? không có cách gì khác.

Nguyên tắc 5

Chăm sóc không có nghĩa là làm thay

Hãy biết rằng vai trò của phụ huynh là hỗ trợ để đưa đứa con đi tới, với tất cả tình yêu thương của người cha, người mẹ; cái nguy hiểm lớn nhất của giáo dục là trở thành người thay thế  thường trực cho các con. Đó là sai lầm bi thảm làm giảm sự phát triển của trẻ. Nhưng trên hết là đừng biến đứa trẻ rối nhiễu thành kẻ độc tài – chỉ biết không ngừng đòi hỏi, yêu cầu bằng sự khóc lóc, nhõng nhẽo và quậy phá của mình.

Mọi trẻ đặc biệt cần phải biết giới hạn của những gì được phép trên phương diện tinh thần và trên phương diện hoạt động tại gia đình cũng như ngoài xã hội.

CVTL Lê Khanh


Bài học trích trong Chương trình Huấn luyện Phụ huynh

Nếu phụ huynh có nhu cầu huấn luyện – Xin liên hệ trực tiếp chuyên gia tâm Lý Lê Khanh

ĐT : 0913946086 – Email : [email protected].

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý